Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ lò than

11:04, 21/04/2017

Buổi trưa giữa tháng 4, dưới nắng trời hừng hực cộng với cái nóng rát của lò than đang đốt, những người thợ làm công trong cơ sở sản xuất than củi ở ấp 5, xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) mồ hôi nhễ nhại vẫn khuân vác những bao than lên xe cho kịp chuyến hàng.

Buổi trưa giữa tháng 4, dưới nắng trời hừng hực cộng với cái nóng rát của lò than đang đốt, những người thợ làm công trong cơ sở sản xuất than củi ở ấp 5, xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) mồ hôi nhễ nhại vẫn khuân vác những bao than lên xe cho kịp chuyến hàng.

Công nhân làm nghề đốt than hàng ngày rất cực nhưng vì cuộc sống nên vẫn phải đeo bám để nuôi con ăn học. Ảnh: H.Trường
Công nhân làm nghề đốt than hàng ngày rất cực nhưng vì cuộc sống nên vẫn phải đeo bám để nuôi con ăn học. Ảnh: H.Trường

Xóm lò than là tên gọi khá gần gũi với cư dân địa phương về Trại phong Bình Minh cách nay vài chục năm. Dạo ấy, những người ở trại phong không có việc làm nên tổ chức đốt than củi bán để mưu sinh. Nghề dạy nghề, cha mẹ truyền cho con, đến nay nghề đốt than vẫn còn tồn tại, thu hút hàng trăm lao động của ấp 5 và những khu vực lân cận.

* Nhọc nhằn nghề đốt than

Công nhân lấy than ra lò.
Công nhân lấy than ra lò.

Ông Nguyễn Văn Hùng năm nay đã bước sang tuổi 60, nhưng có gần nửa đời người gắn bó với công việc bốc xếp ở lò than. Trên khuôn mặt đen nhẻm vì lấm lem bụi than, song thân hình rắn rỏi của người lao động  khiến ông Hùng có vẻ nhanh nhẹn hơn so với tuổi, liên tục chuyền những thúng than từ hầm đốt ra ngoài cho mọi người khuân vác. Nói về đời nghề của mình, ông Hùng chia sẻ: “Nghề này tồn tại ở đây đã hơn 40 năm rồi. Trong khu vực này có gần 200 lò than hoạt động nên đã tạo việc làm cho khá nhiều lao động. Vì các gia đình ở đây ít đất canh tác nên hầu như mọi người trong nhà đều tham gia lao động theo kiểu lớn làm việc nặng, nhỏ phụ việc vặt. Chính những lò than này đã nuôi sống người dân ấp 5 thời gian qua. Một số gia đình còn khấm khá cũng nhờ bám trụ trong nghề đốt than”.

Phân loại than.
Phân loại than.

Một nhóm đàn ông, thanh niên mồ hôi nhễ nhại, bụi bám đen người ì ạch vác những bao than nặng đưa lên xe. Trên những khuôn mặt lem luốc của họ hằn sâu nét nhọc nhằn của đời nghề nhiều năm qua. Không ai có đồ bảo hộ lao động, kể cả khẩu trang.

Chị Nguyễn Thị Huyền có khuôn mặt đen sạm vì phơi nắng lâu ngày, đôi tay chị thoăn thoắt phân loại than cho vào bao hoặc thúng để đàn ông vác đưa lên xe tải. “Làm thợ lò than tuy nhọc nhằn, nhưng bù lại công việc cho tôi nguồn thu nhập tương đối ổn định. Trung bình sau 1 ngày lao động tôi nhận được gần 200 ngàn đồng tiền công, đủ trang trải, lo cho các con ăn học, hoặc bù vào những ngày trời mưa không có việc” - chị Huyền bộc bạch.

* Bám nghề nuôi con ăn học

Có tận mắt chứng kiến mới thấy đời làm công trong các lò than quá cơ cực, nhưng với họ dường như đó là điều bình thường. Trong giờ nghỉ giải lao, nhóm đàn ông phì phèo điếu thuốc, còn phụ nữ nhanh tay uống vội ly nước. Trong khoảng thời gian hiếm hoi đó, họ vui vẻ nói với nhau rằng thợ lò than từ xưa đến nay là nghề gian nan, song chẳng ai dám “than”, vì nếu không có việc coi như đói.

Ông Nguyễn Văn Đạt (42 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) cùng vợ và 2 con lên đây làm đã được 5 năm. Ông Đạt kể: “Hồi đó ở quê không có đất canh tác nên vợ chồng, con cái dắt nhau đến lò than xin làm. Chủ lò thương tình cho ở nhờ cạnh lò than sống qua ngày. Con gái lớn năm nay 20 tuổi, theo cha mẹ làm than từng ấy năm; thằng nhỏ giờ 18 tuổi, đã có 3 “tuổi nghề” rồi. Làm than cực lắm, chỉ mong sao mọi người trong nhà đủ sức khỏe để “cày” thêm mấy năm nữa kiếm tiền về quê mua mấy sào ruộng làm nông. Mình làm công cho mình sẽ đỡ vất vả hơn nhiều”. Ở lò than khác, Phạm Anh Kiệt, 20 tuổi, làm nghề mới mấy tháng. Khi chúng tôi hỏi tại sao không kiếm việc nhẹ nhàng mà lại chọn nghề nặng nhọc này, Kiệt đáp vì cha mẹ đang bệnh không thể làm việc nên anh phải gắng sức để có tiền công mỗi ngày lo cho các em ăn học. Theo Kiệt, nếu không làm nghề đốt than thì thời gian qua không biết gia đình mình sẽ ra sao. Nói rồi Kiệt thở dài, ẩn ý trên đôi vai mình còn có gia đình, trách nhiệm này nặng hơn nhiều so với những bao than kia.

Chuyển than ra xe.
Chuyển than ra xe.

Trong những câu chuyện về nghề làm than mà một số thợ lò tâm sự, điều đáng mừng là những đứa trẻ ở xóm lò than đều được đến trường. Hầu hết các bậc phụ huynh đã bám trụ nghề này từ lâu đều khẳng định, dù vất vả cách mấy cũng không để con thất học, kể cả lên đại học, nếu không các cháu lại còng lưng theo “nghiệp” gia đình thì khổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về nghề đốt than đã tồn tại hơn 40 năm qua ở ấp 5, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Đỗ Chánh Huy khẳng định nghề này đã nuôi sống các hộ gia đình ở Trại phong Bình Minh. Hồi trước, những người trong trại phong đều không có việc làm, chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của mạnh thường quân nên cuộc sống bấp bênh. Vì chẳng biết làm gì nên nghề đốt than hình thành từ đó. Nguồn củi đưa về lò làm ra than trong những năm gần đây chủ yếu là gỗ cây tràm, điều hoặc cao su thanh lý được kiểm lâm kiểm tra chặt chẽ. Các lò đốt than ở ấp 5 đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương suốt mấy thập kỷ qua. Đến nay, trong số 192 hộ ở ấp 5 làm nghề đốt than có khoảng 30% gia đình khá giả, còn lại cuộc sống đều ổn định. Tuy nhiên khi hoạt động, khói từ các lò than phần nào ảnh hưởng đến đời sống bà con. Đây chính là điều lãnh đạo huyện Long Thành rất quan tâm, đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tìm hướng khắc phục. Chủ trương của huyện là về lâu dài sẽ chuyển các lò than ra khỏi khu dân cư để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.           

T.N

Hoàng Trường

 

 

 

Tin xem nhiều