Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Nguồn gốc tên Chiến khu Đ

10:12, 18/12/2016

"Đối với nhân dân cả nước, ngày nay Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tượng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam bộ thành đồng Tổ quốc".

“Đối với nhân dân cả nước, ngày nay Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tượng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam bộ thành đồng Tổ quốc”. Nhận định trên của Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Phòng Nghiên cứu lịch sử quân sự Quân khu 7, cho thấy vì sao trong thời chiến tranh, giới nghiên cứu quân sự Mỹ từng rất lưu ý: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.

Chỉ huy trưởng Vệ Quốc đoàn Biên Hòa Huỳnh Văn Nghệ trong Chiến khu Đ.
Chỉ huy trưởng Vệ Quốc đoàn Biên Hòa Huỳnh Văn Nghệ trong Chiến khu Đ.

Nhiều người cho rằng, Đ ở đây là chữ viết tắt của “Đỏ”, “Đảng” với hàm ý là căn cứ kháng chiến của cách mạng. Có người lại cho rằng, “Đ” là chữ viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên. Lại có ý kiến cho rằng, “Đ” là chữ viết tắt của Chiến khu Đồng Nai, Chiến khu miền Đông…. Thậm chí có người gọi là… “Chiến khu Đói”, “Chiến khu Đau”… do sống và chiến đấu trong vùng rừng hoang nước độc gian khổ, bệnh tật hoành hành, không có thuốc men chữa trị…

Buổi đầu của chiến khu

Theo tài liệu lịch sử, sự kiện “Phú Riềng Đỏ” đã tác động mạnh đến Tân Uyên, một vùng đất heo hút thuộc địa bàn tỉnh Biên Hòa chỉ có rừng xanh, cùng hàng chục đồn điền cao su nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai.

Cuối năm 1936, tại xã Mỹ Lộc, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở quận Tân Uyên được thành lập, gồm các đồng chí: Lê Văn Tôn, Huỳnh Liễng, Nguyễn Hồng Kỳ (Ba Cờ), Trần Văn Quì (Chín Quì )…

Năm 1937, Tỉnh ủy Biên Hòa được thành lập và tiến hành xây dựng  một đơn vị vũ trang có tất cả 35 người, trang bị vài khẩu súng trường cùng với giáo mác, gậy tầm vông do đồng chí Huỳnh Liễng chỉ huy…, triển khai hoạt động trong vùng rừng Tân Uyên.

Được chọn làm nòng cốt cho hoạt động vũ trang khởi nghĩa của tỉnh Biên Hòa, nhưng do kế hoạch khởi nghĩa Nam kỳ bị lộ, quân Pháp khủng bố hết sức dã man nên Chi bộ Đảng ở Tân Uyên bị phá vỡ, đồng chí Huỳnh Liễng hy sinh, các đồng chí: Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ bị bắt đày ra Côn Đảo.

Đồng chí Chín Quì tập hợp lực lượng còn khoảng một tiểu đội rút vào vùng rừng Tân Uyên ẩn náu, rồi tổ chức đột nhập vào nhà các chủ be, chủ đồn điền và bọn tay sai giàu có để đánh cướp tiền vàng chia cho dân nghèo trong vùng rừng các xã: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An.

Quân Pháp mở cuộc xâm lược nước ta lần nữa. Đêm 22-10-1945, được tin quân Anh chuẩn bị lên Biên Hòa, Ủy ban Kháng chiến miền Đông ra lệnh rút về Xuân Lộc. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ liền đưa lực lượng gồm 40 người với 30 súng trường về Tân Uyên và chọn Đất Cuốc, một xóm giữa rừng Tân Hòa, làm căn cứ đóng quân.

Lúc này, tiểu đội vũ trang của Chín Quì, một bộ phận Ủy ban Kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, rồi tự vệ chiến đấu của các xã, công nhân các sở cao su..., lần lượt kéo đến gia nhập bộ đội Huỳnh Văn Nghệ để đánh Tây. Đến cuối tháng 11-1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ đã tổ chức thành 4 phân đội, lấy tên là Vệ Quốc đoàn Biên Hòa.

Lạc An, một bản doanh đầu

Trước khi triệu tập hội nghị quân sự tại An Phú Xã (Thủ Dầu Một) với 49 đại biểu, đại diện đủ các thành phần vũ trang đang hoạt động chống Pháp ở miền Đông Nam bộ để củng cố một bước về mặt tổ chức các đơn vị vũ trang kháng chiến trên chiến trường miền Đông, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Đệ tứ quân khu, đã tìm đến Tân Uyên gặp đồng chí Huỳnh Văn Nghệ.

Sau khi nghe đồng chí Huỳnh Văn Nghệ báo cáo tình hình kháng chiến của Biên Hòa, đồng chí Nguyễn Bình trực tiếp đi thị sát căn cứ kháng chiến Tân Uyên và tỏ ra rất hài lòng với địa thế của căn cứ, nơi núi rừng trùng điệp ăn thông tới dãy Trường Sơn, một vị trí quân sự cực kỳ quan trọng. Trong đó, thế công có thể tiến về Sài Gòn và những đô thị lân cận, như: Biên Hòa, Thủ Đức, Thủ Dầu Một..., chỉ trong phạm vi gần 30km; thế thủ thì lên tận cao nguyên Trung bộ.

Sau đó, ông Võ Bá Nhạc (một người bạn của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, nguyên Chánh văn phòng Khu bộ Khu 7) đã tham mưu cho đồng chí Nguyễn Bình chọn Bến Vịnh (thuộc xã Lạc An) làm nơi đặt tổng hành dinh cho Chiến khu miền Đông trong vùng rừng Tân Uyên.

Tại hội nghị quân sự toàn Nam bộ ở Đức Hòa (Long An), chiến trường Nam bộ được chia thành 3 khu: 7, 8 và 9. Khu 7 bao gồm các tỉnh, thành phố: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Sài Gòn - Chợ Lớn và Bà Rịa. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng, đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính trị viên khu.

Ngày 17-12-1945, cơ quan Khu bộ Khu 7 về đứng chân và xây dựng hệ thống phòng thủ Tân Uyên. Lạc An chính thức được xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến. Cán bộ, dân quân các nơi và 5 xã tại chỗ, gồm: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang và Lạc An bắt đầu gọi tên vùng căn cứ kháng chiến là: Chiến khu Lạc An, Chiến khu Đất Cuốc, Chiến khu Tân Tịch một cách rất tự hào.

Từ mật danh “Đ”?

Qua 2 lần đánh thăm dò vào Chiến khu Lạc An đều bị thương vong khá lớn, vào ngày 24-1-1946, quân Pháp ở Biên Hòa lại huy động 4 ngàn tên phối hợp máy bay, tàu chiến và xe cơ giới chia thành 5 cánh đánh mạnh vào vùng chiến khu. Đến chiều cùng ngày, có đến 220 tên giặc bị loại khỏi vòng chiến, 6 xe quân sự và 2 xuồng chiến đấu bị phá hủy, quân Pháp chiếm được TX.Tân Uyên. Ngay sau đó, chúng lập Chi khu Tân Uyên ở hữu ngạn và Chi khu Cây Đào ở tả ngạn sông Đồng Nai, kiểm soát chặt cửa ngõ vào Chiến khu Lạc An.

Trước tình hình mới, vấn đề củng cố lực lượng, xây dựng bố trí phòng thủ để ngăn chặn tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ trở nên bức thiết. Ngày 20-2-1946, tại Lạc An, Khu bộ Khu 7 họp hội nghị bất thường để quyết nghị các vấn đề: củng cố bộ đội, phát động du kích chiến tranh đặc biệt ở vùng đô thị và cao su, tăng cường lực lượng cho Khu 8. Đặc biệt là thảo luận những biện pháp xây dựng địa bàn đứng chân, quy định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ bảo đảm chiến đấu, ngăn chặn tiêu diệt địch và bảo vệ an toàn căn cứ. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, công binh xưởng… được chia theo khu vực. Mỗi khu vực đều có nhiều phương án di chuyển địa điểm và mang mật danh A, B, C, D.

Theo đồng chí Võ Bá Nhạc, A là căn cứ giao thông, liên lạc đóng ở Giáp Lạc; B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang; C là khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội; Đ là khu Tổng hành dinh Khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang.

Từ đó, căn cứ Tổng hành dinh Khu 7 được gọi là “Chiến khu Đ” và lần hồi người ta quên dần Chiến khu Lạc An mà gọi luôn cả vùng căn cứ địa là Chiến khu Đ.

Bùi Thuận

Bài 2: Những trang sử hào hùng

 

Tin xem nhiều