Vùng đất đá Tân Lập 2 (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) một thời khó khăn nay đã xanh màu nông thôn mới.
Vùng đất đá Tân Lập 2 (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) một thời khó khăn nay đã xanh màu nông thôn mới. Để cải tạo vùng đất này, đồng bào các dân tộc: Kinh, Hoa, Tày, Nùng… đã đoàn kết thành “khối đá lớn”, chung sức cùng chính quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Trong “khối đá lớn” đó, ông Đàm Văn Quỳnh (dân tộc Tày) được ví như “tảng đá lớn”, người uy tín của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Đàm Văn Quỳnh, người uy tín của đồng bào các dân tộc, tại ấp Tân Lập 2 (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom). |
Ông Đàm Văn Quỳnh cho hay, làm “tảng đá lớn” không dễ, việc gì cũng phải gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mọi người mới tin và làm theo.
Tụ hội nơi vùng đất mới
Hoa dại ven đường bắt đầu nở dưới cái se lạnh của vùng đất đá Cây Gáo, ông Quỳnh vẫn giữ nếp quen mỗi buổi sáng ra quán cà phê chuyện trò với mọi người đủ thứ chuyện trên đời. Nơi quán cà phê nhỏ của cặp vợ chồng người dân tộc Nùng ở ấp Tân Lập 2, ông Quỳnh nhớ lại ngày gia đình ông và nhiều người Hoa, Nùng, Tày… khác di cư về đây chinh phục vùng đất đá. Lúc đầu, cuộc sống của họ rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào các vụ bắp, đậu, lúa rẫy với vụ được, vụ mất; chuyện bán nông sản non (bán lấy tiền khi cây bắp, lúa, đậu còn trên rẫy) xảy ra phổ biến.
Theo lời ông Quỳnh, trước năm 1975, đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày… đã có mặt tại xã Cây Gáo, nhưng lúc đó vùng đất đá Tân Lập 2 vẫn còn hoang sơ, thiếu vắng bóng người. Sau năm 1975, dân từ các tỉnh khác di cư về xã Cây Gáo ngày một đông và vùng đất Tân Lập 2 được một nhóm đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày… chọn làm nơi dừng chân để lập làng. Ngày gia đình ông Quỳnh từ tỉnh Bình Dương (trước kia thuộc tỉnh Sông Bé) về đây góp mặt, đất hoang ở ấp Tân Lập 2 không còn nhiều, nên gia đình ông chỉ khai phá được 5 sào thì hết đất hoang để mở mang. Dù không nhiều đất, nhưng hoàn cảnh kinh tế của vợ chồng ông Quỳnh vẫn không thua kém các hộ dân khác trong ấp.
Ông Đàm Văn Quỳnh (phải) và ông Nguyễn A Sáng, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tân Lập 2. |
Ông Quỳnh cho hay, những năm 1975-1980, người có đất nhiều vẫn khó khăn khi giá nông sản quá rẻ, dịch bệnh dẫn đến mất mùa, phương tiện sản xuất và kỹ thuật chăm sóc còn lạc hậu. Do đó, người nhiều đất vẫn không hơn người làm nghề buôn bán nông sản và cung ứng các dịch vụ khác. Vì vậy, vợ chồng ông tập trung vào việc buôn bán, kết hợp chăn nuôi (heo, bò…) nên cuộc sống rất ổn định, lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Năm 1986, địa phương xóa bỏ mô hình tập đoàn và hàng hóa được tự do thông thương. Lúc bấy giờ, đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… ở ấp Tân Lập 2 bắt đầu đưa cây tiêu, cà phê về trồng trên những đám rẫy vốn chỉ trồng bắp, thuốc lá, đậu, chuối… Thời gian đầu, việc trồng cây cà phê, tiêu không đạt hiệu quả; cây chết yểu vì thiếu nước tưới, thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Tuy vậy, đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… vẫn kiên trì trồng dặm, đào hố tích nước tưới vào mùa khô nên cũng gặt hái được những vụ tiêu, cà phê được mùa, được giá cùng với lúa, bắp, đậu, thuốc lá...
Cuộc sống đổi thay, nếp nhà tranh tồi tàn của những nông dân người Hoa, Tày, Nùng… trong ấp Tân Lập 2 dần được thay thế bằng những nếp nhà gỗ, nhà xây như các hộ dân chuyên làm dịch vụ, buôn bán.
Nhiệt huyết và uy tín
Có trình độ học vấn, làm kinh tế giỏi, lại am hiểu tập tục của các đồng bào dân tộc thiểu số và những chính sách, pháp luật của Nhà nước nên ông Quỳnh được đồng bào Hoa, Tày, Nùng… trong ấp đề cử là người có uy tín, tập đoàn trưởng (từ năm 1978-1986). Chính quyền xã Cây Gáo mời ông làm trưởng ấp, rồi cán bộ thương binh - xã hội (từ năm 1986-2016). Ở bất cứ cương vị nào, ông Quỳnh cũng chứng tỏ là người giỏi việc chính quyền, uy tín với người dân. Đặc biệt, trong công tác đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, tiếng nói của ông Quỳnh rất có uy với đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… ở ấp Tân Lập 2.
Biết ông Quỳnh là người có học, uy tín với dân và địa phương, đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng... mỗi khi có chuyện vui, buồn đều mời ông đến tham dự cho bằng được.
Ông Quỳnh cho hay, mỗi lần như vậy ông phải uống vài ly rượu với mọi người. Qua bàn tiệc, ông tranh thủ tuyên truyền các chính sách mới của địa phương để mọi người hiểu và thực hiện. Người chưa hiểu, mượn cớ quá chén nói điều sằng bậy, ông cũng cố gắng giải thích cho họ thông. “Không uống rượu với mọi người thì không nói chuyện với nhau được. Dù biết rượu dễ làm cho người ta hư hỏng và ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian lao động…, nhưng tôi vẫn phải ngồi bên mâm rượu nói về tác hại của rượu để bà con nghe và bỏ dần thói xấu do rượu gây ra” - ông Quỳnh nói.
Nể ông Quỳnh uống rượu khỏe, nói năng chuẩn mực, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Hoa… trong ấp càng quý trọng ông hơn. Khi gia đình có chuyện, họ mạnh dạn gọi điện thoại hoặc chạy xe máy đến nhà ông nhờ giúp đỡ. Chuyện giúp mọi người những điều họ cần, ông Quỳnh không bao giờ nhận một đồng thù lao hay quà cáp. Với ông, được mọi người cảm ơn và quý trọng là quá đủ rồi.
Chuyện vận động đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, lễ hội…, ông Quỳnh rất quan tâm.
Ông Quỳnh lý giải, hủ tục làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số tốn kém về kinh tế, chậm tiếp thu điều tiến bộ, lạc hậu về tư tưởng… Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, động viên mọi người, gia đình ông luôn tiên phong trong việc cưới, gả con, tổ chức lễ hội truyền thống theo nếp sống văn hóa mới. Do đó, khi xã Cây Gáo phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống mới ở Tân Lập 2 được xây dựng, các hủ tục lạc hậu đã dần biến mất.
Theo thời gian, “mưa dầm thấm lâu”, nếp sống mới trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong ấp được thiết lập, ông Quỳnh là người vui nhất. Bởi, cuộc sống mới bắt đầu, đồng bào các dân tộc sinh sống tại ấp Tân Lập 2 văn minh, tiến bộ, sung túc thì ông bớt vất vả và uy tín với mọi người hơn trước.
Ông Nguyễn A Sáng, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tân Lập 2, cho biết bản thân ông và đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng... ở ấp Tân Lập 2 mãi ghi nhớ những đóng góp của ông Quỳnh cho người dân và địa phương. Điều quý nhất và đáng nể của ông Quỳnh là tinh thần lo cho mọi người một cách vô tư, trong sáng, trách nhiệm. Đó là điều mà thế hệ đàn em như ông học tập, tiếp bước ông Quỳnh trong việc cùng địa phương lo cho dân trong ấp đoàn kết, văn minh, tiến bộ hơn nữa. |
Đoàn Phú