Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông (thuộc Chiến khu Đ, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nằm lọt thỏm trong rừng già Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn).
Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông (thuộc Chiến khu Đ, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nằm lọt thỏm trong rừng già Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn). Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, các kiểm lâm viên thuộc 2 trạm kiểm lâm di tích: Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông còn có nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn du khách tham quan về các di tích và những cánh rừng.
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Trung ương Cục miền Nam với những nén nhang cho các liệt sĩ sau mỗi chuyến tuần rừng về. |
Công việc của kiểm lâm viên 2 trạm kiểm lâm di tích: Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông vui nhiều hơn buồn, bởi sau những chuyến tuần rừng trở về họ được chuyện trò thân mật với nhiều vị khách đến thăm rừng già. Nhờ vậy, họ sớm quên đi mỏi mệt và tình yêu rừng luôn trỗi dậy trong mình.
Câu chuyện nơi rừng già
Có mặt ngay từ buổi đầu Khu di tích Trung ương Cục miền Nam được thành lập, Trạm phó Trạm Kiểm lâm di tích Trung ương Cục miền Nam Trần Ngọc Tuấn có nhiều câu chuyện lý thú và đầy tâm linh kể cho du khách nghe.
Ông Tuấn cho hay nơi rừng già này, mùa mưa đất mềm, ẩm ướt, còn mùa nắng thì đất khô cứng. Sau những trận đánh, tập kích của địch, nhiều chiến sĩ giải phóng quân hy sinh và được đồng đội chôn cất vội vàng. Do đây là vùng rừng già, mùa nắng đồng đội chỉ đào hố chôn khoảng 60-80cm thì vướng rễ cây rừng nên không đào sâu được nữa. Hố cạn nên mùa mưa gặp lũ rừng, thi hài của các liệt sĩ bị cuốn trôi hoặc mất dấu vết.
Khu di tích Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông rộng trên 32 hécta, với nhiều đền đài, nhà bia, nhà nghỉ cho du khách và hệ thống địa đạo… Theo các kiểm lâm viên ở đây, ngoài việc tiếp các đoàn đến thăm, các kiểm lâm viên còn có nhiệm vụ giới thiệu cho du khách về lịch sử, hệ thống địa đạo. Đặc biệt, các kiểm lâm viên còn hay kể cho du khách trẻ (học sinh, sinh viên, đoàn viên) những câu chuyện lịch sử về các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, như: liệt sĩ Lê Văn Xem kiên quyết nhường thuốc để cứu chữa cho đồng đội bị thương nhẹ hơn. Lúc hy sinh, liệt sĩ Lê Văn Xem còn nhắn với đồng đội: “Lấy tiền sinh hoạt phí tháng 3, đóng giùm đảng phí tháng 3 giúp tôi”; hay câu chuyện về mối tình lãng mạn của anh xem với chị Sáu Chiến; câu chuyện tiêu diệt cọp 3 móng hung dữ… và cả những câu chuyện tâm linh đầy sức sống.
Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tâm, Trạm Kiểm lâm di tích Khu ủy miền Đông (bìa phải), hướng dẫn khách tham quan. |
Theo lời kiểm lâm viên Trần Ngọc Tuấn, vào đêm giao thừa năm 2005, ông và đồng nghiệp trẻ Nguyễn Xuân Bá đón giao thừa tại khu di tích với một ít bánh mứt và con gà luộc. Sau khi thắp nén nhang đón giao thừa tại ngôi miếu thờ các liệt sĩ và mời các liệt sĩ “chung vui” cùng với mình, ông Tuấn bỗng giật mình khi nghe tiếng rừng chuyển động. Nhìn xung quanh, ông chẳng thấy bóng người hoặc cơn gió, con thú nào. “Lời mời vui lúc giao thừa của tôi được các liệt sĩ nghe thấy nên họ rủ nhau “vào nhà” rần rần” - ông Tuấn nói vui.
Còn kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tâm (Trạm Kiểm lâm di tích Khu ủy miền Đông) thì kể, ngày rằm và dịp lễ, tết, kiểm lâm viên trong trạm thường mua hoa quả về thắp nhang cho liệt sĩ tại các miếu thờ. Một lần kiểm lâm viên Dũng mua cặp dưa hấu từ ngoài thị trấn vào để thắp nhang cho liệt sĩ. Cặp dưa hấu được kiểm lâm viên Dũng cột bằng dây ny-lông sau yên xe. Đường mùa khô vào khu di tích gồ ghề, dây ny-lông buộc cặp dưa bị bung ra lúc nào không hay. Vào đến khu di tích, kiểm lâm viên Dũng ngỡ ngàng nhìn cặp dưa không neo buộc vẫn còn yên vị sau yên xe. “Có lẽ các liệt sĩ biết kiểm lâm viên Dũng mua dưa vào thắp nhang cho mình nên họ quyết tâm gìn giữ, không để quả dưa bị rớt dọc đường” - kiểm lâm viên Tâm kể.
Niềm hãnh diện
Trạm phó Trạm Kiểm lâm di tích Trung ương Cục miền Nam Trần Ngọc Tuấn cho hay công việc của kiểm lâm viên di tích vui nhiều hơn buồn. Từ công việc này, ông và đồng nghiệp trong trạm được tiếp chuyện, gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo Trung ương, tỉnh và các cựu chiến binh từng chiến đấu, bám trụ tại đây. Công việc của các kiểm lâm di tích vô cùng thú vị khi được cùng các bạn trẻ quây quần bên ngọn lửa trại kể chuyện về rừng, về lịch sử giữa đêm khuya. |
Trạm Kiểm lâm di tích Khu ủy miền Đông quản lý 3 ngàn hécta rừng và khu vực di tích rộng 28 hécta. Trạm phó Trạm Kiểm lâm di tích Khu ủy miền Đông Quách Thanh Bình cho biết trạm có 8 người, nhiệm vụ chính của trạm là bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và khu di tích. Vì vậy, kiểm lâm viên trong trạm ngoài nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp với các trạm khác trong Khu bảo tồn tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phòng, chống cháy rừng…, còn là hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan và quét dọn khu vực di tích hàng ngày. Công việc tuy vất vả nhưng mọi người rất vui và tự hào khi được cấp trên phân công nhiệm vụ.
Để có những kiểm lâm viên kiêm hướng dẫn viên di tích giỏi việc, Khu bảo tồn luôn có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ kiểm lâm viên 2 trạm kiểm lâm di tích: Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam về công tác hướng dẫn viên du lịch, cách giao tiếp…
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm di tích Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Nhân cho hay do nhiệm vụ đặc thù của trạm, kiểm lâm viên sau ca tuần rừng vất vả về còn phải tranh thủ tiếp khách, hướng dẫn du khách tham quan. “Khi có khách lưu trú qua đêm, anh em trong trạm phải chia lực lượng ra làm nhiệm vụ tuần tra rừng; đồng thời cắt cử người ở lại thức cùng khách để khám phá rừng về đêm, giao lưu văn nghệ” - ông Nhân bày tỏ.
Vốn là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm lâm, hướng dẫn du khách, kiểm lâm viên Phạm Đình Tá (thuộc Trạm Kiểm lâm di tích Trung ương Cục miền Nam) tâm sự, qua nhiềm năm làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách, đôi mắt của các kiểm lâm viên trong trạm rất nhạy bén trong việc phân biệt đâu là du khách với tấm lòng hướng về rừng, hướng về khu di tích và đâu là “lâm tặc” cố ý trà trộn vào rừng để dòm ngó, thăm dò. Có những thời điểm, mọi người dồn lực lượng tiếp các đoàn khách quan trọng, nhưng “lâm tặc” không dễ đụng vào rừng, cũng như thú rừng vì khu vực rừng do đơn vị bảo vệ đã được các trạm kiểm lâm bạn hỗ trợ canh phòng.
Chiều xuống, các cánh rừng ở Khu di tích Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam thêm u tịch bởi những nén hương, nấm mồ, câu chuyện tâm linh do các kiểm lâm viên tại các trạm kiểm lâm nơi đây kể lại. Mỗi gốc cây trong rừng, bước chân rậm rịch về đêm nơi chốn rừng thiêng do các anh gìn giữ, với chúng tôi nó mãi là kỷ niệm đẹp, niềm tự hào và tình yêu rừng không ranh giới của kiểm lâm viên các trạm kiểm lâm di tích thuộc Khu bảo tồn.
Đoàn Phú