Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Những nỗi đau còn lại...

11:11, 16/11/2016

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn để lại những hậu quả dai dẳng cho người còn sống và cả những gia đình không may có người thân bị thiệt mạng.

[links()] Tai nạn giao thông (TNGT) luôn để lại những hậu quả dai dẳng cho người còn sống và cả những gia đình không may có người thân bị thiệt mạng. Thế nhưng, nhiều tài xế chỉ vì không làm chủ được tay lái mà gây ra những vụ TNGT thương tâm.

Chị Phạm Thị Liên chăm sóc chồng sau vụ tai nạn giao thông.
Chị Phạm Thị Liên chăm sóc chồng sau vụ tai nạn giao thông.

Tại những “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT, nhìn những vệt sơn trắng vẽ hình xe và tư thế nạn nhân bị nạn, nhiều người không khỏi lo sợ bởi luôn có cảm giác bất trắc, tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

Gượng dậy sau biến cố

Theo các chuyên gia, ngoài những yếu tố khách quan, nguyên nhân cốt lõi gây tai nạn giao thông xuất phát chủ yếu từ việc người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông chưa có ý thức thượng tôn pháp luật để bảo vệ bản thân, đồng thời tránh gây tai nạn cho những người cùng tham gia giao thông trên đường.

Đã gần 2 tháng từ ngày xảy ra TNGT khiến người chồng đột ngột qua đời, ngôi nhà nhỏ của chị Trần Thị Kim Thoa (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn nghi ngút khói nhang. Căn nhà cấp 4 được xây dựng đã gần chục năm, phần mái hiên nhiều lần bị dột nát, nhiều lần chồng chị Thoa tính sửa lại, nhưng dự tính ấy không bao giờ thành hiện thực.

Chị Thoa bảo, chuyện đời không lường trước được điều gì, khi con cái chưa kịp khôn lớn thì tai họa ập đến. Một buổi chiều sau khi rời xưởng, trên đường đi làm về gặp chiếc xe tải bị hư đậu giữa đường, trong chút ánh sáng lờ mờ của đèn xe và cơn mưa nặng hạt, chồng chị Thoa không may va phải dẫn đến tử vong.

Nỗi đau quá đột ngột, khi đã khóc gần hết nước mắt, chị Thoa hiểu cuộc sống của mấy mẹ con chị đã mất đi một điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần. Và chỉ sau đám tang chưa đầy một tháng, người dân trong xóm đã thấy chị đội mưa nắng đi làm. Công việc thời vụ lúc có lúc không, lắm khi thất nghiệp dài ngày ở nhà khiến chị cũng thấy lo lắng và hoang mang.

“Từ ngày sinh đứa thứ 2, vì sức khỏe của cháu không tốt nên tôi ở nhà, mọi việc trong nhà đều do chồng lo liệu. Nhưng bây giờ thì khác, phải cố gắng gượng dậy kiếm tiền đóng cho đủ tiền học, tiền thuốc cho các con. Hoàn cảnh đưa đẩy khiến người phụ nữ yếu ớt cũng trở nên mạnh mẽ, gồng mình tìm nguồn sống nuôi cả gia đình” - chị Thoa gạt nước mắt tâm sự.

Đến giờ, điều khiến chị day dứt là không thể biết rõ chồng bị tai nạn như thế nào. Tất cả thông tin sau vụ tai nạn quá mơ hồ, nhiều lần người vợ trẻ đi tìm kiếm các nhân chứng sinh sống gần hiện trường cũng như tài xế gây ra tai nạn nhưng đều vô vọng và không có kết quả thỏa đáng. Dù vậy, chị không nguôi hy vọng một ngày nào đó nguyên nhân của vụ tai nạn đau lòng được làm sáng tỏ để cả người ra đi và người ở lại được thanh thản.

“Nhìn con trẻ chơi đùa hồn nhiên, tương lai phía trước chắc sẽ gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi vì trụ cột trong nhà không còn, nhiều lúc tôi cũng choáng váng, bế tắc. Nhưng làm mẹ phải làm chỗ dựa cho con nên tôi chấp nhận nén đau, giấu xót, giấu nước mắt vào trong để một lúc có thể hoàn thành cả 2 vai làm cha làm mẹ” - chị Thoa trầm ngâm nói.

Khi “trụ cột” thành gánh nặng

Vào đầu tháng 5-2016, khi đang đi làm trên quốc lộ 20, đoạn qua ngã ba 107 (thuộc xã Ngọc Định, huyện Định Quán), anh Võ Trung Trực (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã bị một xe ô tô khách tông mạnh từ phía sau, làm anh bất tỉnh tại chỗ với nhiều thương tích nặng nề.

Từ chỗ đang là trụ cột chính của gia đình với 6 nhân khẩu, vụ TNGT bất ngờ khiến anh Trực trở thành gánh nặng, mọi công việc trong nhà đè nặng lên đôi vai của vợ anh. Một nách chăm 4 đứa con nhỏ, chị Phạm Thị Liên (vợ của anh Trực) nay phải vất vả gấp bội phần vì còn phải chăm lo cho người chồng trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Chị Liên cho biết, sau khi tai nạn giao thông xảy ra anh Trực phải điều trị dài ngày tại bệnh viện nên đã tốn rất nhiều tiền. Chạy vạy khắp nơi chị mới đủ tiền để thực hiện ca mổ sọ vừa qua cho chồng. Nhưng để sức khỏe ổn định hơn, anh Trực phải tiếp tục thực hiện ca mổ ghép sọ nhân tạo tiếp theo với chi phí hàng chục triệu đồng.

Gánh nặng mưu sinh bỗng chốc trút lên vai người vợ, chị Liên tự nhủ không cho mình được phép ngã quỵ. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn, tiền đội nón ra đi, thương tật đến, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu khiến anh Trực suy sụp. Đã gần 6 tháng kể từ vụ tai nạn, từng tiếng nói, cử chỉ của anh ít nhiều đã thay đổi. Ngay trong căn nhà nhỏ của anh, những đứa con đang tuổi hiếu động giờ cũng không dám chạy nhảy tung tăng như trước kia vì sợ đụng những vết thương trên người cha.

“Anh Trực là lao động chính trong nhà, từ ngày anh ấy bị tai nạn phải nằm một chỗ, một mình tôi không kham nổi cảnh chăm chồng và lo cho con ăn học. Bệnh tình của chồng tôi phải rất lâu mới khỏi, còn sức khỏe có hồi phục hoàn toàn hay không vẫn chưa biết nên đòi hỏi chạy chữa nhiều nơi, với đủ mọi loại thuốc, nhưng kinh tế gia đình lại ngày một eo hẹp…” - chị Liên nói như khóc.

Nghe lời tâm sự nghẹn ngào của vợ, phải vất vả lắm anh Trực mới cất lên được những lời an ủi: “Tôi hy vọng sức khỏe của mình sẽ tốt lên để có thể phụ giúp vợ lo lắng cho các con. TNGT là chuyện đau lòng, không ai mong muốn chuyện xui rủi xảy đến. Chỉ mong rằng, các bác tài khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải kiểm soát tốc độ, đừng đua với những xe khác để rồi nhấn ga vô tội vạ, vượt ẩu mà gây ra tai nạn đau lòng”.

TNGT được nhiều người ví như cơn bão lớn, cuốn theo không biết bao của cải vật chất và cả tính mạng con người khiến kẻ ở lại chới với, bất lực. Nhìn những gia đình vốn đã khốn khó nay càng thêm xơ xác vì TNGT, nhiều người lại tự nhủ, giá như mọi người đều chấp hành pháp luật giao thông thì không còn cảnh đau lòng, thương tâm.

Thanh Hải

Bài 3: Chung tay đẩy lùi thảm họa

Tin xem nhiều