Hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra rất lớn, và sẽ còn tiếp diễn nếu những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thờ ơ trước sinh mạng của người khác.
[links()] Hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra rất lớn, và sẽ còn tiếp diễn nếu những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thờ ơ trước sinh mạng của người khác. Nhưng thảm họa đó có thể tránh được nếu như ai trong chúng ta cũng tuân thủ pháp luật giao thông khi ra đường. Và có những cách làm hay, chung tay đẩy lùi TNGT.
Ông Lưu Tiến Dũng đưa học sinh Trường tiểu học Phước Tân (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) sang đường mỗi khi tan học với mong muốn đẩy lùi tai nạn giao thông. |
* Thầm lặng công việc giúp người
Có mặt tại đường ngang dân sinh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua KP.3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), nơi đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc giữa xe máy và tàu hỏa, chúng tôi thấy việc đi lại của người dân giờ đã thuận lợi và an toàn hơn. Sau 9 tháng kể từ khi cử người cảnh giới tại đây, ghi nhận của lực lượng chức năng cho thấy không xảy ra thêm vụ tai nạn nào.
Tại chốt trực, hàng ngày có 4 ca trực hoạt động từ 6-20 giờ. Trước khi đoàn tàu đến khoảng 3-5 phút, những “nhân viên” gác tàu không chuyên đã đứng ra giữ gìn trật tự, căng cờ hướng dẫn người dân đi lại cẩn thận, dừng lại sau vạch sơn. Hình ảnh này từ chỗ còn lạ lẫm trong những ngày đầu, đến nay hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành hiệu lệnh dừng chờ tàu hỏa đi qua.
Ông Vũ Viết Lập (ngụ tổ 7, KP.3, phường Tân Hiệp) cho hay ông đã được tham gia lớp tập huấn về nghiệp vụ do Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với đơn vị đường sắt tổ chức, đồng thời được trang bị còi, cờ hiệu, gậy điều tiết giao thông. Lúc mới làm công việc này, ông cũng bỡ ngỡ bởi điểm giao cắt có nhiều xe máy cố tình vượt qua đường ngang khiến giao thông phức tạp. Qua một thời gian làm quen, đến nay mọi động tác của ông Lập đều thuần thục và dần trở nên đơn giản hơn.
“Những ngày mưa to gió lớn hay dịp nghỉ lễ, tết, chúng tôi không ngại ra đường, miễn sao bà con đi lại an toàn là hạnh phúc rồi. Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng hay nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi khác, điều cốt lõi vẫn cần sự chung tay của cộng đồng trong chấp hành pháp luật giao thông, nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông” - ông Lập tâm sự.
Cũng với cách làm hay, các thành viên trong Đội cấp cứu TNGT xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) tìm đến nhau với hy vọng ngày càng có nhiều người được giúp đỡ, cứu lấy mạng sống mong manh khi không may bị TNGT. Mọi người dù làm những công việc khác nhau, từ chạy xe ôm đến thợ cắt tóc, chở gạo thuê…, nhưng đều chung nhiệt huyết cứu người là trên hết.
Đội cấp cứu TNGT xã Phước Tân thành lập cách đây 4 năm, từ ý tưởng của bác xe ôm Lưu Tiến Dũng (ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân). Khi mới thành lập đội, ông Dũng tự bỏ tiền túi mua chiếc xe ô tô cũ về “chế” thành “xe cứu thương”. Gần 2 năm “tác chiến”, chiếc xe đã hỗ trợ tích cực cho công việc thiện nguyện ấy. Tháng 6-2014, xe hết hạn lưu hành nên cả đội lại quay về dùng xe của mình. Dù có bất lợi nhưng không vì thế mà mọi người nề hà, vẫn nhanh nhẹn làm nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
“Xe ba gác cũng chở người bị thương được, nếu mình chạy cẩn thận, tránh các “ổ gà” trên đường thì không thua xe ô tô cứu thương. So với xe chuyên dụng, xe ba gác chỉ kém ở chỗ chạy chậm, không có còi ưu tiên. Mỗi người trong đội lúc nào cũng thủ sẵn trong người bông gạc, thuốc cầm máu để sơ cứu ban đầu; nếu nạn nhân bị thương nặng thì dùng phương tiện của mình chở đến bệnh viện ngay. Cuộc sống của các thành viên trong đội còn nhiều khó khăn, nhưng ai cũng giàu lòng nghĩa hiệp” - ông Dũng hồ hởi nói.
* Biệt đội chống “đinh tặc” trên quốc lộ
Tuyến quốc lộ 51 qua các xã: Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa), An Phước, Long An (huyện Long Thành)… bấy lâu nay vốn được coi là đất sống của “đinh tặc”. Tuy nhiên, kể từ khi các đội chống “đinh tặc” ra đời, địa bàn cho những kẻ xấu hoạt động không còn nhiều.
Ông Châu Hưng (ngụ xã Phước Tân), người đầu tiên khởi xướng mô hình này, cho hay lúc đầu ông đã tự bỏ tiền ra đóng xe hút đinh, giúp người đi đường tránh nạn. Từ chỗ chỉ một mình ông làm, đến nay có hàng chục bạn trẻ ở địa phương tham gia. Việc làm ý nghĩa trở thành niềm tin, động lực cho những ai muốn cống hiến sức lực chung tay đẩy lùi TNGT.
“Chúng tôi không ngại nguy hiểm khi phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương đi vận động, yêu cầu những người hành nghề vá vỏ xe ven đường làm cam kết không thực hiện, hoặc tiếp tay cho phần tử xấu rải đinh, vật sắc nhọn trên đường” - ông Châu khẳng định.
Vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen với “cuộc chiến” chống “đinh tặc” trên quốc lộ 51, anh Nguyễn Hữu Lợi (ngụ xã Tam Phước) chia sẻ bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, có người cần giúp đỡ là anh lên đường. Nhiều lần bị kẻ xấu đe dọa nhưng anh Lợi và các “đồng đội” vẫn hành động vì không muốn cái xấu hiện diện trong cuộc sống.
Anh Lợi còn cho biết những ngày cao điểm thường có hàng chục người bị “dính bẫy”, bị “móc túi” hàng trăm ngàn đồng khi cán đinh thủng ruột xe và buộc phải sửa chữa, thay thế ruột xe mới. Không ít trường hợp suýt mất mạng vì TNGT do cán phải đinh của bọn “đinh tặc” rải trên đường. Bản thân anh Lợi không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc trước sự nguy hiểm, bức xúc của người đi đường.
“Từ khi thành lập đội hút đinh tình nguyện đến nay, các bạn trẻ trong đội đã trực tiếp giúp đỡ, vá xe miễn phí cho hơn 100 trường hợp, trong đó có nhiều vụ bị thương tích nặng, nhẹ do TNGT. Chúng tôi mong muốn người đi đường lúc nào cũng an toàn, không bị kẻ xấu rải đinh gây hư hỏng xe. Chống “đinh tặc” là công việc thầm lặng, để trên những con đường ấy, người dân đi qua mỗi ngày được bình yên và an toàn…” - anh Lợi tâm sự.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: “Đẩy lùi TNGT ngoài những biện pháp hữu hiệu từ các cấp, ngành và lực lượng chức năng, còn cần có sự đóng góp của mọi người dân. Những việc làm cụ thể như các bạn trẻ ngày đêm tình nguyện nhặt đinh, vá ruột xe miễn phí cho người đi đường trên quốc lộ 51 là nghĩa cử rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng”. |
Thanh Hải