Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện về, cuộc sống "sáng" lên

10:11, 23/11/2016

Gần một năm nay, người dân 2 tổ 23 và 24, ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) rất mừng vì đã có đường điện trung thế 3 pha phục vụ sản xuất tập trung. Điều này đã khiến cho đời sống của 75 hộ dân khu vực này ngày một phát triển, hợp tác xã rau an toàn của xã Xuân Đông nhờ có đường điện trung thế mà dần hình thành.

Gần một năm nay, người dân 2 tổ 23 và 24, ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) rất mừng vì đã có đường điện trung thế 3 pha phục vụ sản xuất tập trung. Điều này đã khiến cho đời sống của 75 hộ dân khu vực này ngày một phát triển, hợp tác xã rau an toàn của xã Xuân Đông nhờ có đường điện trung thế mà dần hình thành.

Điện 3 pha phục vụ khu sản xuất tập trung đã về tới 2 tổ 23 và 24 ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ).
Điện 3 pha phục vụ khu sản xuất tập trung đã về tới 2 tổ 23 và 24 ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ).

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km, người dân 2 tổ 23 và 24 ấp Bể Bạc nhiều năm qua hầu như không có điện sử dụng, phải dùng máy bơm chạy dầu để bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để có điện cho trẻ em học hành, các hộ dân phải kéo điện từ trụ trung thế cách đó 1,3km và thông qua đồng hồ tổng của tư nhân nên giá thành cao mà điện áp chỉ đủ phục vụ cho những sinh hoạt gia đình bình thường.

Nửa năm làm, nửa năm nghỉ

Trưởng ấp Bể Bạc Lê Văn Hải cho hay xã Xuân Đông đang quy hoạch khu vực 2 tổ 23 và 24, ấp Bể Bạc thành vùng chuyên canh rau sạch nên nhu cầu bơm nước tưới rau rất lớn. Trước đây, do không có đường điện trung thế 3 pha, nông dân chỉ có thể trồng trọt vào 6 tháng mùa mưa, còn 6 tháng mùa khô coi như ngồi nhà hoặc làm việc khác.

“Trong 6 tháng mùa mưa, 3 tháng cuối mùa mà mưa chậm và kéo dài thì còn có nước để tưới, chứ mùa mưa kết thúc sớm thì phải chạy máy phát điện để bơm nước tưới. Tuy tốn dầu bơm nước nhưng hiệu quả cũng chẳng ăn thua, dân quanh đây mỗi năm chỉ làm khoảng 2 vụ, tiền lời chưa thấy đâu chứ tiền dầu đã “đội nón” ra đi một mớ rồi. Máy phát điện chạy dầu cứ vài bữa lại hư, nông dân lại phải tốn tiền. Do đó, các kỳ tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp ở đây, người dân đã kiến nghị kéo đường điện trung thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân” - ông Hải tâm sự.

Máy phát điện chạy dầu của ông Nguyễn Ngọc Giàu giờ cất trong kho vì đã có điện thay thế.
Máy phát điện chạy dầu của ông Nguyễn Ngọc Giàu giờ cất trong kho vì đã có điện thay thế.

Là một trong những hộ có diện tích canh tác đứng đầu khu vực, gia đình ông Lê Xuân Đức rất vất vả khi hơn 20 năm bị thiếu điện phục vụ sản xuất. Với hơn 1 hécta đất, trước đây ông Đức trồng chủ yếu là bắp và bí đỏ như những hộ dân xung quanh. Bắp thì thu hoạch sau 3 tháng, còn bí đỏ thì 70 ngày. Mùa nắng thì cứ 2 ngày ông lại chạy máy phát điện bơm nước một lần. Do đó, sau khi thu hoạch nông sản, trừ chi phí gia đình ông không còn lời bao nhiêu.

“Trước đây, gia đình tôi thu hoạch nông sản bán được 50 triệu đồng, nhưng mỗi tháng mùa khô tốn gần 2,5 triệu đồng chạy máy phát điện nên chẳng còn bao nhiêu để trang trải cuộc sống. Do đó, đời sống người dân nơi đây mãi chẳng khấm khá được, nhiều người đã bỏ đi nơi khác làm ăn. Một số người thử điện kéo điện từ trụ trung thế cách đây 1,3km và thông qua đồng hồ tổng của tư nhân, nhưng do điện áp kém chẳng bơm nước được mà máy móc còn bị ảnh hưởng. Cuối năm 2015, đường điện trung thế 3 pha được kéo về phục vụ bà con nơi đây thì mọi chuyện đã khác” - ông Đức cho hay.

Điện về, cuộc đời thay đổi

Trong năm 2015, Điện lực Cẩm Mỹ đã đầu tư hơn 11km đường điện trung thế 3 pha phục vụ khu sản xuất tập trung của huyện; trong đó đã đưa vào khai thác tuyến điện các tổ 23 và 24 ấp Bể Bạc, xã Xuân Đông, xây dựng mới tuyến điện Xuân Định - Lâm San tại ấp 8, xã Sông Ray... Vừa qua, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cẩm Mỹ đã có danh mục đăng ký đường dây trung thế phục vụ sản xuất năm 2017, trong đó đề nghị nâng 4,8km đường điện từ 1 pha lên 3 pha, đầu tư gần 7km đường điện 3 pha tại 7 xã trong huyện.

Theo Điện lực Cẩm Mỹ, trong năm 2015 đơn vị đã đầu tư 1,2km đường điện trung thế phục vụ khu sản xuất tập trung ở 2 tổ 23 và 24, ấp Bể Bạc với kinh phí 840 triệu đồng. Nhờ đó, 75 hộ dân ở đây đã có thể đẩy mạnh sản xuất, nhanh chóng hướng tới việc lập vùng chuyên canh rau sạch.

Nông dân Nguyễn Ngọc Giàu cho biết từ khi đường điện trung thế 3 pha kéo đến đây, không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà cả việc sinh hoạt gia đình, chuyện học hành cũng có nhiều thay đổi. Có nhà nhờ thu hoạch nông sản có lời cao nên mua được tivi, sửa chữa nhà cửa. Trước đây, nhà nào sản xuất 2-3 vụ/năm thì nay sản xuất tới 5 vụ/năm, từ bắp, bí đỏ đến rau ăn lá… với thời gian thu hoạch chỉ từ vài chục ngày đến 3 tháng; đặc biệt là không ngại chuyện mùa khô kéo dài hay mùa mưa hết sớm, chỉ cần một thao tác kéo cầu dao điện là người nông dân đã có nước tưới cây thoải mái. “Gia đình tôi có 4,5 sào bắp cải, nhờ có điện chạy máy bơm mà thu hoạch tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Có nhà còn thu được nửa tỷ đồng/hécta, trừ chi phí vẫn còn tiền sửa nhà, mua thêm máy móc. So với việc chạy máy phát điện vừa ồn ào vừa dễ hỏng hóc, lại tốn tiền như trước đây, hiện nhà nào cũng trang bị hệ thống tưới tự động, chỉ cần ngồi trong nhà kéo cầu dao điện rồi canh giờ tắt là xong” - ông Giàu hồ hởi cho hay.

Bên cạnh việc có điện chạy máy bơm nước tưới cây trồng, đời sống người dân nơi đây còn được nâng cao nhờ mức hỗ trợ giá điện từ Điện lực Cẩm Mỹ.

Bà Châu Thị Liễu, người dân tổ 23, ấp Bể Bạc, chia sẻ khi kéo đường điện trung thế về phục vụ sản xuất tập trung, sau khi khảo sát thấy một số hộ dân ít sử dụng điện cho sinh hoạt gia đình, Điện lực đã ưu tiên áp giá 100% mức giá điện sản xuất nên tiết kiệm được một khoản kinh phí cho gia đình. “Gia đình tôi trước đây thu về 50 triệu đồng mỗi năm. Nay thì khác rồi, mới chỉ bán một vụ rau cải mà đã thu được 50 triệu đồng và còn một nửa diện tích chưa thu hoạch. Hồi trước có trồng rau được đâu, quanh vùng toàn một màu đỏ của bắp, bí đỏ. Giờ thì nhà nào cũng rau cải xanh mướt, nhà cửa khang trang, ai nấy đều rất vui từ khi có điện” - bà Liễu vui vẻ cho biết.

Trưởng ấp Lê Văn Hải nhận định, đời sống người dân nơi đây ngày một khá thêm. UBND xã Xuân Đông đang đề xuất xây dựng tuyến đường điện 3 pha đi qua khu vực 2 tổ 19 và 21 của ấp Bể Bạc để mở rộng thêm số hộ được hưởng lợi từ đường điện này, qua đó tăng diện tích vùng trồng rau sạch của địa phương, giúp đời sống người dân ngày một phát triển hơn nữa.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều