Theo Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, các lỗi thường gặp về mất an toàn cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh quán karaoke là hệ thống điện không an toàn, lối thoát hiểm bị chặn, hoặc nhiều vật cản lối di chuyển...
[links()] Theo Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, các lỗi thường gặp về mất an toàn cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh quán karaoke là hệ thống điện không an toàn, lối thoát hiểm bị chặn, hoặc nhiều vật cản lối di chuyển...
Cảnh sát PCCC tỉnh diễn tập phương án chữa cháy tại nhà cao tầng. Ảnh: Tư liệu |
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy quán karaoke nào nên một số cơ sở kinh doanh loại hình giải trí này vẫn rất chủ quan việc phòng chống cháy, nổ.
Vi phạm nhiều, xử lý nhẹ
Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết một công trình xây dựng với mục đích kinh doanh karaoke (nhà hàng, quán bar) ngay từ đầu phải có sự thẩm định của Cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại một thực trạng rất khó giải quyết là việc chuyển đổi nhà ở sang kinh doanh karaoke. Do không thể thẩm tra thiết kế ngay từ đầu nên Cảnh sát PCCC chỉ có thể hậu kiểm, đưa ra những yêu cầu chỉnh sửa phù hợp, an toàn mới đồng ý cho hoạt động.
“Thông tư số 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an ban hành về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke (nhà hàng, quán bar) có quy định rất rõ, từ tháng 12-2015, các cơ sở kinh doanh karaoke (nhà hàng, quán bar) phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC nghiêm ngặt; tường, vách ngăn, các phòng, đồ trang trí phải được làm bằng vật liệu chống cháy hoặc khó cháy… Nhưng trên thực tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở nên không đảm bảo các điều kiện về PCCC và thoát nạn. Bên trong, hệ thống cách âm tại các phòng, bàn ghế, phông rèm đều được sử dụng bởi những loại vật liệu dễ cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ vài phút là ngọn lửa sẽ trở nên khó kiểm soát” - Thượng tá Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, vai trò của người chủ quán karaoke rất quan trọng. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh karaoke cần phải tổ chức cho nhân viên phục vụ tìm hiểu, học tập về kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, thực tế lại rất khó làm được như vậy.
Theo Trung tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước có 23 vụ cháy quán karaoke, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng, làm 13 người chết, 2 người bị thương. |
Theo Trung tá Phạm Xuân Hiếu, Đội trưởng Đội Kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 (phụ trách các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất và Vĩnh Cửu), việc huấn luyện, tập luyện cho nhân viên tại các điểm kinh doanh karaoke là bắt buộc, nhưng chủ quán có duy trì được hay không lại là chuyện khác.
Tại các điểm a và b, khoản 3, Điều 10 Thông tư 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an (quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) nêu rõ, trước khi kiểm tra thì người có trách nhiệm kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 3 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra; người có trách nhiệm kiểm tra đột xuất về an toàn PCCC phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Do đó trước khi đoàn kiểm tra có mặt, một số chủ cơ sở đã nhanh chóng khắc phục lỗi nhằm đối phó với đoàn.
Việc chế tài các lỗi vi phạm an toàn cháy, nổ không cao cũng là nguyên nhân khiến một số quán karaoke buông lỏng việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Trong năm 2015, đoàn kiểm tra chuyên đề phòng chống cháy, nổ tại cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, quán karaoke của Cảnh sát PCCC đã kiểm tra được 256/328 cơ sở (những cơ sở còn lại đang sửa chữa hoặc đóng cửa tạm ngưng kinh doanh trong thời điểm kiểm tra), qua đó xử phạt 8 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 3,8 triệu đồng.
Thượng tá Nhân cho hay, theo quy định mỗi cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke mỗi năm chỉ được kiểm tra 1-2 lần, không tính các lần kiểm tra theo chuyên đề. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều vi phạm những lỗi nhỏ, như: thiếu đèn chiếu sáng, lối thoát hiểm bị che chắn, bình chữa cháy hết hạn… Khi được nhắc nhở, lập biên bản, chủ cơ sở đã sửa chữa nên cơ quan chức năng chỉ xử lý vi phạm hành chính chứ không đề xuất rút giấy phép kinh doanh. Đó cũng là lý do vì sao trong năm 2015, khi kiểm tra chuyên đề an toàn cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, quán karaoke, xử phạt 8 trường hợp mà chỉ có 3,8 triệu đồng.
Sẽ siết chặt
Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (phụ trách khu vực TP.Biên Hòa), cho hay toàn TP.Biên Hòa hiện có 149 cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke, trong đó nhiều nhất là ở phường Thống Nhất (28 cơ sở) và phường Bửu Long (17 cơ sở). Từ đầu năm đến nay, mỗi cơ sở phải bị kiểm tra ít nhất 1 lần và Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã xử phạt 10 trường hợp với các lỗi thường gặp, như: chưa trang bị đèn chiếu sáng thoát hiểm, không bảo dưỡng thiết bị chữa cháy định kỳ… với tổng số tiền phạt gần 5 triệu đồng.
Thiếu tá Trung cho biết thêm, sau sự cố ngày 1-11 ở quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội), Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đang lên kế hoạch cùng các phòng, ban của TP.Biên Hòa kiểm tra đồng loạt tất cả các quán karaoke của TP.Biên Hòa trong tháng 11-2016 để có đánh giá tổng quát và sẽ xử lý nghiêm các cơ sở làm trái quy định.
Còn Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4, thì kiến nghị: “Trăm nghe không bằng một thấy”, nếu báo, đài thông tin thường xuyên, cụ thể, trình chiếu các hình ảnh về thiệt hại cháy, nổ sẽ có hiệu quả hơn các buổi tuyên truyền miệng. Nếu xử phạt mạnh tay mà vẫn không nâng được nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh thì vẫn không thể giải quyết tận gốc vấn đề an toàn cháy, nổ tại các điểm kinh doanh karaoke”.
Tuy vậy, Thượng tá Nhân vẫn lưu ý sắp tới việc kiểm tra an toàn PCCC sẽ tiến hành gắt gao hơn. Với những điểm không có giấy phép hoặc chây ỳ trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cháy, nổ, Cảnh sát PCCC tỉnh sẽ đề xuất buộc ngưng hoạt động đến khi nào khắc phục mới thôi. Ngoài việc xử phạt nghiêm, Thượng tá Nhân cũng lưu ý việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, kết hợp tập huấn nâng cao khả năng ứng biến đối với nhân viên cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, quán karaoke.
Đăng Tùng