Báo Đồng Nai điện tử
En

Để lối về rộng mở

10:03, 20/03/2016

Với mục đích giúp các phạm nhân nâng cao nhận thức, xóa bỏ tự ti và có thêm niềm tin trở về hòa nhập với cộng đồng, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh (LHTN) đã phối hợp Trại giam Xuân Lộc (Tổng cục VIII, Bộ Công an) thực hiện chương trình "Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng".

Với mục đích giúp các phạm nhân nâng cao nhận thức, xóa bỏ tự ti và có thêm niềm tin trở về hòa nhập với cộng đồng, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh (LHTN) đã phối hợp Trại giam Xuân Lộc (Tổng cục VIII, Bộ Công an) thực hiện chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng”.

Đoàn viên thanh niên tâm sự cùng phạm nhân.
Đoàn viên thanh niên tâm sự cùng phạm nhân.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều trường hợp để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

* Xóa bỏ tự ti

Vì một phút lầm lỗi, chị T.V.K. (38 tuổi, tỉnh Bình Thuận) phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. Lúc mới “nhập trại”, chị K. rất tự ti và rụt rè, dù được các cán bộ quản giáo động viên, khuyên nhủ nhưng chị K. vẫn mặc cảm vì những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Chị K. cho hay: “Những đêm đầu tiên khi mới vào đây tôi không ngủ được, nhìn ai cũng thấy sợ, ai tới gần cũng sợ. Đôi lúc chỉ muốn chết quách cho xong chứ sống như vầy 20 năm nữa sao chịu được”.

Tuy nhiên, trong thời gian chấp hành án, chị và các phạm nhân ở đây được cán bộ trại, chính quyền, các ban, ngành, Tỉnh đoàn và gia đình động viên, giúp đỡ nên có thêm niềm tin và động lực để làm lại cuộc đời. Ban quản giáo và Ban thanh niên trại giam thường tổ chức các hoạt động giao lưu với Đoàn thanh niên các cấp nên tâm lý phạm nhân cởi mở hơn, nhất là các phạm nhân mới, họ ngưng nghĩ về quá khứ mà hướng đến các hoạt động học nghề, làm việc trong trại để sau này trở về với cuộc sống đời thường sẽ không gặp khó khăn khi tìm việc làm.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Thị đoàn Long Khánh, người trực tiếp tham gia chương trình phối hợp ngay từ những ngày đầu thực hiện, cho biết lần đầu tiếp xúc với các phạm nhân anh cũng hơi ngại nhưng lâu dần rồi quen, có thể chia sẻ tâm tư tình cảm với các phạm nhân. “Mỗi năm chúng tôi tổ chức khoảng 5 đợt tuyên truyền kiến thức pháp luật, kết hợp giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ với anh chị em phạm nhân. Qua đó vừa giúp các đoàn viên trẻ bỏ đi định kiến về những người mắc vòng lao lý và tạo niềm vui cho những phạm nhân chấp hành tốt án phạt sớm về với cộng đồng” - anh Kiên cho biết.

Đại tá Trần Trọng Luận, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc, cho biết: “Thời gian qua Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Trại giam Xuân Lộc cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đang chịu án tại Trại giam Xuân Lộc và hỗ trợ hồ sơ, giới thiệu việc làm cho hơn 200 phạm nhân đã chấp hành tốt án phạt tù trở về địa phương, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng”.

Cùng tâm trạng như chị K., anh N.V.H. (phạm nhân Trại giam Xuân Lộc) cho hay, lúc mới vào đây anh cứ nghĩ đời mình đã là dấu chấm hết. Nhưng nhờ hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các đoàn viên trẻ mà anh dần bớt bi quan, có sức sống để đợi ngày về với gia đình. Anh H. nói thêm, nhu cầu tham khảo sách báo của phạm nhân ở đây rất lớn. Bởi thông qua các tài liệu chuyên môn, các phạm nhân như anh H. và chị K. sẽ hiểu và trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật để sau này khi về lại xã hội sẽ tránh sa vào con đường tội lỗi.

Đại tá Trần Trọng Luận, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc, đánh giá: “Toàn trại giam hiện nay có trên 4 ngàn phạm nhân đang thụ án. Những hoạt động như tuyên truyền pháp luật, giao lưu văn hóa, thể thao đã góp phần không nhỏ vào việc giúp phạm nhân quên đi quá khứ lầm lỗi. Ngoài ra còn giúp các phạm nhân bớt mặc cảm, tự ti khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ những người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, việc phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong công tác phối hợp giáo dục phạm nhân của 2 đơn vị đã giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Các phạm nhân đã có thêm nhiều kiến thức về pháp luật để không tái phạm”.

* Hiệu quả

Tính đến tháng 2-2016, các cấp Đoàn - Hội trong toàn tỉnh đã thành lập hơn 170 câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” phối hợp vận động, cảm hóa, giáo dục khoảng 1.800 đối tượng tại gia đình và cộng đồng. Trong đó có 600 người tiến bộ được đưa ra khỏi diện quản lý và được cộng đồng dân cư quan tâm bố trí, tạo điều kiện có việc làm ổn định cuộc sống; 533 đối tượng được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ có việc làm.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Thị đoàn Long Khánh, cho biết thêm: “Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự chung tay của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ các phạm nhân có cơ hội làm lại cuộc đời. Tính đến nay qua việc xây dựng Tủ sách thanh niên, toàn tỉnh đã đóng góp được trên 5 ngàn đầu sách, báo các loại để tặng cho thư viện của trại giam”.

Các phạm nhân học tập kiến thức pháp luật trong trại giam.
Các phạm nhân học tập kiến thức pháp luật trong trại giam.

Ngoài ra, hàng năm Hội LHTN tỉnh và Trại giam Xuân Lộc phối hợp lập danh sách các phạm nhân có hộ khẩu tại Đồng Nai chấp hành tốt án phạt tù, đang trong thời gian chuẩn bị hết án để liên hệ với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cùng phối hợp trong công tác giới thiệu việc làm, giúp họ có việc làm ngay khi ra tù và tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian sắp tới, Hội LHTN tỉnh và Trại giam Xuân Lộc sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chương trình tích cực, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trợ giúp pháp lý cho phạm nhân. Song song đó, 2 đơn vị cũng tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phạm nhân để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư Tỉnh đoàn, lý giải: “Việc thực hiện chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng luôn được Đoàn - Hội các cấp quan tâm. Chúng tôi giúp các đoàn viên trẻ hiểu thêm về cuộc sống, gạt bỏ định kiến với những phạm nhân. Và sau này khi các phạm nhân về lại địa phương sẽ được chính các đoàn viên này giúp đỡ hòa nhập cuộc sống. Ngoài ra tuyên truyền kiến thức pháp luật cho phạm nhân nhằm giúp họ có cái nhìn cụ thể về những điều sai trái từng làm và ý thức được sau này phải luôn sống và làm việc theo luật pháp”.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều