Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian lao mà anh dũng (Bài 1)

09:12, 08/12/2015

Hội nghị quân sự Nam bộ do Xứ ủy Nam kỳ tổ chức ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) ngày 10-12-1945 đã quyết định thành lập Khu 7, một tổ chức quân sự hành chính do các đồng chí Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm Chính trị, để có sự thống nhất trong chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hội nghị quân sự Nam bộ do Xứ ủy Nam kỳ tổ chức ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) ngày 10-12-1945 đã quyết định thành lập Khu 7, một tổ chức quân sự hành chính do các đồng chí Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm Chính trị, để có sự thống nhất trong chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua 70 năm chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiến công sân bay Biên Hòa lần thứ nhất (tháng 10-1964) của Đoàn pháo binh miền Đông.
Tiến công sân bay Biên Hòa lần thứ nhất (tháng 10-1964) của Đoàn pháo binh miền Đông.

Địa bàn Khu 7 lúc đầu gồm các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn và TP.Sài Gòn. Ngày 2-7-1976, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập các quân khu: 5, 7 và 9. Quân khu 7 gồm các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước. Từ tháng 12-1998, có thêm 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.

* Đánh bại thực dân pháp

Lực lượng vũ trang ( LLVT) cách mạng ở miền Đông Nam bộ ra đời từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và được nhân dân che chở, LLVT 3 thứ quân ở miền Đông Nam bộ lần lượt hình thành và gắn liền với các phong trào cách mạng của nhân dân, gắn liền với từng bước đi của lịch sử dân tộc.

Từ năm 1947-1950, địa bàn miền Đông Nam bộ là một trong những trọng điểm “bình định” của địch, một trong những hậu phương dự trữ chiến lược của chúng ở chiến trường Việt Nam. Quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã tập trung nỗ lực chống lại chính sách “bình định” của địch, chấn chỉnh và xây dựng LLVT 3 thứ quân, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo và có hiệu quả trong chống càn quét, trong phục kích giao thông, trong tiến công đồn bốt, cứ điểm, tháp canh và tổ chức chiến dịch lớn. Đây cũng là giai đoạn mà phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Cuộc kháng chiến được đẩy mạnh lên mọi mặt, góp phần đánh bại chính sách “bình định” của địch.

Trong giai đoạn này, có những trận đánh điển hình, như: Chi đội 10 tiến công đoàn xe lửa địch ở Bàu Cá (huyện Trảng Bom) vào ngày 14-7-1947, diệt 200 tên địch, thu 70 súng; đánh phục kích đoàn xe quân sự Pháp ở La Ngà (huyện Định Quán) ngày 19-3-1948, phá hủy 70 xe, diệt 150 tên địch, trong đó có viên Đại tá, Tổng tham mưu phó quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương và Đại tá, Chỉ huy Sư đoàn Lê dương số 13...

Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong điều kiện bị địch chia cắt, phong tỏa và càn quét liên miên, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ giữ vững phong trào. Đẩy mạnh phong trào đấu tranh du kích kết hợp với phong trào đấu tranh đô thị và địch vận, cầm chân địch tại chỗ, không ngừng mở rộng căn cứ địa và xây dựng cuộc sống mới mọi mặt ở vùng giải phóng, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã từng bước giành lại thế chủ động, tạo thế, tạo lực, tích cực góp phần cùng quân dân cả nước tiến công địch trong đông - xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

* Đối đầu quân xâm lược Mỹ

Những ngày đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong thế trận rất chênh lệch, để tổ chức lại chiến trường, đối đầu với quân xâm lược Mỹ, tháng 6-1958, Bộ Tư lệnh miền Đông được thành lập. Đến ngày 15-2-1961, Quân giải phóng miền Nam công bố thành lập từ sự thống nhất các đơn vị LLVT cánh mạng. Phong trào đấu tranh và sức chiến đấu của LLVT cách mạng từ đó càng phát triển mạnh mẽ.

Từ năm 1957-1961, các đơn vị đầu tiên của LLVT miền Đông đã thực hiện một số trận đánh, đặc biệt trận đánh quận lỵ Dầu Tiếng (ngày 11-8-1958) đã tiêu diệt và làm chủ căn cứ 1 tiểu đoàn lính “Cộng hòa”, gây tiếng vang lớn trong toàn miền Đông và cả nước. Lần đầu tiên từ sau năm 1954, LLVT miền Đông chiếm được một chi khu quân sự địch. Trận đánh vào trụ sở cơ quan MAAG của Mỹ đóng tại nhà máy của BIF Biên Hòa do đặc công biệt động Biên Hòa thực hiện đêm 9-7-1959 là trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường Nam bộ, diệt 2 tên cố vấn Mỹ, ghi tên đầu tiên trong danh sách lính Mỹ tử trận ở Việt Nam, gây tiếng vang lớn ở chiến trường. Ngày 26-1-1960, LLVT miền Đông đánh trận Tua 2 (Tây Ninh) làm chủ căn cứ một trung đoàn chủ lực ngụy, diệt và làm bị thương, bắt sống nhiều tên, thu nhiều vũ khí trang bị, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở miền Đông.

 Từ 1961-1965, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ nhanh chóng chuyển hướng chiến lược từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng chính trị, LLVT 3 thứ quân (du kích xã, bộ đội khu và bộ đội chủ lực miền). Trên cơ sở lực lượng phát triển, quân và dân miền Đông và cực Nam Trung bộ đã đưa chiến tranh nhân dân phát triển lên trình độ cao, liên tiếp đánh bại các kế hoạch của Mỹ, như: “Chiến tranh đặc biệt” làm sụp đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và sự khủng hoảng của chế độ tay sai của Mỹ; “Chiến tranh cục bộ” với sự tham chiến của quân Mỹ và chư hầu, cùng khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh rất lớn và hiện đại.

Với lực lượng phát triển mạnh, lại được sự chi viện của cả nước, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã chủ động xác định quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy, tiến hành chiến tranh một cách linh hoạt, có hiệu quả, góp phần lần lượt đánh bại cuộc phản công chiến lược của địch, thực hành các cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968; đánh vào các sào huyệt của địch ở Sài Gòn giành thắng lợi lớn, góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chịụ ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris.

Sau ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973), quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã nhanh chóng khắc phục những lúng túng ban đầu (để cho địch lấn đất, giành dân), kịp thời chuyển sang thế tấn công giành chủ động, thực hiện nhiều trận đánh đạt hiệu suất cao.

Ngày 20-7-1974, trên chiến trường miền Đông thành lập Quân đoàn 4 chủ lực miền và thành lập thêm 2 sư đoàn 3 và 6. Từ ngày 12-12-1974 đến 6-1-1975, ta mở chiến dịch đường 14 Phước Long, đồng thời các địa bàn khác, như: Tánh Linh, Võ Đắc, Tây Ninh, Bắc Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Sài Gòn cùng tiến công. Sau 20 ngày chiến đấu, ta giải phóng đường 14, toàn tỉnh Phước Long, chiếm đài quan sát của địch trên đỉnh núi Bà Đen, giải phóng trên 35 ngàn dân ở Hoài Đức, Tánh Linh và toàn quận Tánh Linh. Lần đầu tiên ở miền Nam, ta giải phóng một tỉnh mà địch không lấy lại được. Việc giải phóng Phước Long đã trở thành “đòn trinh sát chiến lược”, tạo thêm cơ sở để Bộ Chính trị bàn về quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong năm 1976, hoặc 1975.

Ngày 7-4-1975, tại căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập. Trong 2 ngày 29 và 30-4-1975, quân dân miền Đông Nam bộ đã cùng các binh đoàn chủ lực thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, có 2 cánh quân thuộc lực lượng chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ, đó là Quân đoàn 4 ở hướng Đông và Đoàn 232 ở hướng Tây Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân dân Sài Gòn - Gia Định đã diệt và làm tan rã 31 ngàn tên địch, bắt làm tù binh 12.619 tên, chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân khu và trụ sở tề, thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ của địch. Số ngụy quân lần lượt ra trình diện 40 vạn, số cảnh sát 10 vạn. Việc này đã tạo thuận lợi cho ta giải phóng Sài Gòn nguyên vẹn.

Sau 30-4-1975, LLVT tham gia thực hiện nhiệm vụ quân quản, tổ chức sắp xếp lại lực lượng và tiến hành thành lập Quân khu 7 theo chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích