Đưa tay phủi lớp bụi đóng dày trên những bức tượng đất nung đã nhuốm màu thời gian, ông Trần Văn Quản (60 tuổi, chủ lò gốm ở KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chép miệng: "Vào cái thời hoàng kim của nghề gốm, không bao giờ có chuyện đồ làm ra bị bám đầy bụi như vầy đâu, mỗi mẻ hàng vừa ra lò đã có người tới đặt rồi. Hồi đó, vào dịp cuối năm như vầy, chúng tôi chỉ dám nhận làm những mối quen vì nhiều nơi đặt hàng lắm, làm không kịp sợ mất uy tín của lò…".
Đưa tay phủi lớp bụi đóng dày trên những bức tượng đất nung đã nhuốm màu thời gian, ông Trần Văn Quản (60 tuổi, chủ lò gốm ở KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chép miệng: “Vào cái thời hoàng kim của nghề gốm, không bao giờ có chuyện đồ làm ra bị bám đầy bụi như vầy đâu, mỗi mẻ hàng vừa ra lò đã có người tới đặt rồi. Hồi đó, vào dịp cuối năm như vầy, chúng tôi chỉ dám nhận làm những mối quen vì nhiều nơi đặt hàng lắm, làm không kịp sợ mất uy tín của lò…”.
Tỉ mỉ từng nét khắc. |
Nắng dát vàng mặt đất, đem hơi ấm “rót” tràn những chiếc đĩa bằng đất vừa khắc hình xong, đang được phơi giữa sân. “Nắng như vầy thì mấy ngày nữa đem đồ nung được rồi, lạy trời cho “được” nắng để còn kịp giao hàng trước Tết…” - ông Quản vừa phe phẩy chiếc quạt mo cau cho ráo mồ hôi trước khi bắt tay vào công việc thường ngày của một thợ gốm vừa nói.
* Họa sĩ đất nung
Đặt lên bàn vẽ chiếc đĩa bằng đất vừa lấy ra khỏi khuôn được mấy ngày, ông Quản nói hôm nay phải vẽ xong mẫu trang trí cho khách hàng xem để còn kịp đúc “mộc” trước dịp tết. Thấy chúng tôi có vẻ không hiểu, ông Quản liền cười và giải thích: “Chữ “mộc” mà tui nói chính là mộc bản dùng in họa tiết. Ban đầu, người thợ sẽ khắc chìm hình trang trí lên đất “sống” rồi đổ cao su lỏng vào. Sau đó, áp một tấm vải dày lên, đợi khô rồi lấy ra, trên tấm vải sẽ có những họa tiết nổi, đó chính là “mộc”. Mỗi khi muốn trang trí một sản phẩm mới có họa tiết giống sản phẩm cũ thì lấy “mộc” ra, quét một lớp mực rồi đem in lên sản phẩm vừa ra khuôn, từ đó sẽ tạo ra những mẫu họa tiết hoàn chỉnh, vừa nhanh vừa đẹp. Ngày trước dùng gỗ nên gọi là mộc bản, giờ thay bằng vải và cao su, nhưng vẫn quen gọi là “mộc”...
Lò của ông Quản hiện có gần 10 nhân công, do con trai út của ông quản lý, nhưng chủ yếu sản xuất đồ gốm đại trà. Riêng ông Quản vẫn làm những đồ mỹ nghệ tinh xảo đòi hỏi đôi tay tài hoa mà không phải người thợ nào cũng có. Ông Quản kể, ngày xưa vùng đất Bửu Hòa - Tân Vạn có rất nhiều lò gạch, lò gốm. Từ nhỏ, ông đã lấy đất thừa của những lò gần nhà đem về nhào nặn ra những con thú để chơi. Lớn lên, vì say mê vẻ đẹp của màu men gốm, ông đã theo học ở Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (tiền thân của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày nay) với ước mơ tạo dựng được lò gốm của riêng mình.
“Mỗi mẻ sản phẩm vào lò, tui cảm thấy như chính mình đang vật lộn bên trong đó vậy. Lo lắm chứ, nếu là gạch thì đốt sao cũng được, hư một vài viên cũng không sao, còn gốm mỹ nghệ mà sơ sẩy một chút là hư cả mẻ. Tui sinh ra đã quen mùi đất lò gốm, lớn lên đi học làm gốm, già thì ráng giữ nghề gốm, cuộc đời tui như được ghép lại từ những mảnh gốm nên không bỏ nghề được, khổ mấy cũng ráng giữ nghề cho con cho cháu…” - ông Trần Văn Quản tâm sự. |
Sau khi ra trường, ông Quản lại mất nhiều năm theo học nghề tại lò gốm của các thầy trong trường. Đến năm 1989, sau khi đã có đủ vốn, ông mở lò ở nhà và thuê rất đông người đến làm. “Hồi xưa, để học được nghề này không dễ đâu, phải chọn ngày tháng, rồi cha mẹ của người muốn học đem theo lễ vật sang nói chuyện với chủ lò. Người học nghề phải mất một thời gian làm việc không nhận lương để học cho thành thục những gì mà một người thợ cần biết. Khi thấy người học nghề đã tiến bộ, chủ lò mới cho làm như những thợ chính và trả lương đầy đủ” - ông Quản hồi tưởng lại quá khứ vàng son của nghề gốm truyền thống.
Uống hết bình trà nóng với chúng tôi, ông Quản mới bắt tay vào việc. Ông cho biết, khách hàng yêu cầu ông làm “mộc” cho chiếc đĩa đường kính 30cm, hình trang trí là hình ảnh tướng quân Trần Bình Trọng giữ khí tiết trước quân thù. “Phần lớn khách hàng tìm đến tui để đặt làm “mộc”, hoặc sản phẩm với họa tiết trang trí là những con người trung nghĩa, những anh hùng trong lịch sử. Thường thì khách hàng chọn: Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, tướng quân Trần Bình Trọng giữ khí tiết trước quân thù…” - ông Quản bắt đầu tô những nét cọ trên đường bút chì phác họa, những nhân vật trong lịch sử dần dần hiện rõ trong lòng chiếc đĩa.
* Ghi dấu thời gian
Theo lời ông Quản, ngay cả những năm hưng thịnh của nghề gốm thì cả chục lò mới có một lò có thể tự làm “mộc”, trong lò đó cũng chỉ có 1-2 người vẽ được mẫu để từ đó đúc thành “mộc”. Bởi công việc này không chỉ đòi hỏi tay nghề cao, mà còn phải có óc sáng tạo, niềm đam mê và tư duy trong việc thể hiện ý tưởng của người thợ. “Người thợ phải khắc họa được thần thái nhân vật trong bức tranh của mình. Mỗi thế đứng, cử chỉ đều phải thể hiện đặc tính của nhân vật. Ví dụ như bức tranh vẽ danh tướng Trần Bình Trọng hiên ngang khi đứng trước đoạn đầu đài, ra đến pháp trường nhưng vẫn không chịu khom mình đầu hàng giặc. Phải vẽ thế nào để khi khách hàng nhìn vào họ phải khâm phục khí tiết của vị tướng này…” - tạm dừng công việc, ông Quản lấy ảnh chụp những mẫu trang trí đĩa gốm cho chúng tôi xem.
Ông Trần Văn Quản đang khắc họa tiết bằng bút thép. |
Ông Quản tâm sự, khi những lò gốm ít dần, thợ gốm bỏ sang nghề khác, thì chỉ còn những người lớn tuổi như ông gắn bó với công việc, vì “bỏ nghề thì biết sống bằng gì”. Tuy nghề gốm không còn hưng thịnh như xưa, nhưng khách hàng tìm đến đặt mua sản phẩm không phải là không có. Họ tìm đến ông phần nhiều vì muốn có một chiếc đĩa, một chiếc bình với những họa tiết trang trí tinh xảo, đậm nét đặc trưng Việt Nam để trưng bày nơi phòng khách.
Ông Nguyễn Vân (65 tuổi, giáo viên về hưu ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) bộc bạch: “Tôi thường đi “săn” đồ gốm mỹ nghệ do những lò ở Bình Dương và Đồng Nai làm, vì qua màu men, họa tiết trên đó tôi mới có thể nói cho con cháu mình biết lịch sử đất nước được. Gốm làm ra từ đất, có những bình gốm chôn sâu trong lòng đất hàng ngàn năm mà không bị phai màu. Với tôi, chỉ có đồ gốm mới truyền đạt được cho hậu thế những suy tư, tình cảm của người đương thời. Tôi sợ một mai những lò gốm này mất đi, những đôi tay tài hoa không còn nữa, mà mình không kịp giữ lại những gì họ làm ra thì tôi thật có lỗi với hậu thế…”.
Kiểm tra lại những đường nét sau cùng trước khi giao cho khách hàng xem, ông Quản lại hướng ánh mắt về những bức tượng bám đầy bụi đặt phía cuối lò. Ông Quản cho biết: “Không biết sau này nghề gốm có được khôi phục hay không, chứ thế hệ tụi tui giờ chẳng còn mấy thời gian nữa đâu, bởi mắt mờ rồi, tay run rồi, giờ chỉ còn trông vào lớp trẻ. Đất cho chúng tôi nguyên liệu làm ra gốm, gốm lại lưu giữ tâm tư, tình cảm của chúng tôi. Thợ gốm cũng như người nông dân vậy, sống nhờ đất, chết cũng xin được về với đất…”. Nói đoạn, ông Quản đem chiếc đĩa ra phơi cho ráo mực. Trong cái nắng gay gắt buổi trưa, chúng tôi thấy trước mặt mình là hình ảnh một người đàn ông cả đời nặng lòng với gốm đang loay hoay sắp xếp lại những mảnh ghép sau cùng của cuộc đời mình.
Đăng Tùng