Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề tuyển hoa, nhặt nụ

09:01, 13/01/2014

Những ngày này, không khí làm việc tại các vườn hoa luôn nhộn nhịp, đông vui.  Tỉa cành, nhặt nụ, hái lá… để tập trung dưỡng chất cho những bông hoa thêm tươi đẹp là công việc của nhiều người khi cây cảnh, hoa tươi chuẩn bị bước vào vụ tết. Nghề này được nhiều người ví von bằng cái tên: "tuyển hoa, nhặt nụ".

Những ngày này, không khí làm việc tại các vườn hoa luôn nhộn nhịp, đông vui.  Tỉa cành, nhặt nụ, hái lá… để tập trung dưỡng chất cho những bông hoa thêm tươi đẹp là công việc của nhiều người khi cây cảnh, hoa tươi chuẩn bị bước vào vụ tết. Nghề này được nhiều người ví von bằng cái tên: “tuyển hoa, nhặt nụ”.

Nhiều lao động đang tuyển hoa, nhặt nụ trên vườn hoa cúc.
Nhiều lao động đang tuyển hoa, nhặt nụ trên vườn hoa cúc.

Làng hoa Phúc Nhạc (ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) nổi tiếng với các giống hoa cúc. Để hoa nở to và đẹp, thời điểm gần một tháng trước tết, nhiều nhà vườn đã bắt đầu thuê người đi “tuyển hoa, nhặt nụ”. Để tập trung dưỡng chất cho nụ hoa trên cây đạt chất lượng, người trồng chỉ để lại một nụ to nhất trên cành, những nụ còn lại được nhặt bỏ. Vì thế, trên mỗi vườn hoa luôn có hàng chục lao động tham gia công việc này.

* Có hoa là có việc

 “Năm nay, tôi trồng chủ yếu cúc Đà Lạt. Giống này hoa nở nhiều và đẹp, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao, nhưng phải tốn công chăm sóc. Từ giữa tháng 10 âm lịch, tôi đã thuê hàng chục nhân công túc trực trên vườn để tiến hành xới đất, chọn giống… Đến cuối tháng 11, hoa cho nụ, tôi lại mướn người nhặt nụ, bón phân. Nói chung, công việc kéo dài từ lúc trồng đến xuất bán, có hoa là có việc…” - ông Trần Quốc Việt (ngụ ấp Phúc Nhạc 2) cho hay.

Mùa hoa này, ông Việt thuê 20 người làm, trong đó quá nửa chỉ để làm công việc tuyển hoa, nhặt nụ. “Khi nghe nhặt nụ hoa giữa vườn rộng mênh mông, bát ngát này, nhiều người tưởng vất vả, mệt nhọc lắm, nhưng bắt tay vào việc mới thấy cũng không khó mấy. Nghề này rất cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng động tác” - chị Đỗ Thị Hòa (ngụ ấp Phúc Nhạc 1) tâm sự về công việc của mình.

Ông Phạm Tấn Tài, chủ vườn mai Đồng Khởi (đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa), cho biết: “Hàng năm, vào thời điểm này, tôi lại kiếm người hái lá. Công việc dễ dàng, cho thu nhập cao, phù hợp với người lao động tự do, nhưng vào những ngày giáp tết lại khó tìm người làm. Để kéo họ về làm ở vườn nhà mình, tôi phải ứng trước tiền công cho từng người. Hái lá ra tiền mà sao khó kiếm người quá”.

Hàng ngày, chị Hòa cùng những người khác có mặt tại vườn hoa của chủ từ sáng sớm. Mỗi luống hoa kéo dài hàng chục mét, 2 người cặm cụi nhặt nụ giữa cái nắng nóng khó chịu của tiết trời mùa khô. Thêm nữa, khi nhặt nụ, họ vừa bắt sâu, vừa cắm nan tre để cây thẳng đứng, dáng đều tăm tắp. Sau khi nhặt bỏ những nụ hoa kém chất lượng rồi vuốt từng chiếc lá một, chị Hòa hồ hởi nói: “Không giống các cây trồng khác, việc trồng hoa đòi hỏi phải mất nhiều công sức, chăm sóc từng ly, từng tí mới mong cây phát triển đẹp. Sơ sẩy không tập trung là cây bị gãy ngọn, vì thân hoa cúc khá giòn. Thêm nữa, nếu mình nhặt không kỹ, để sót nụ và xấu thì chủ vườn thất thu, sang năm không mướn mình làm nữa”.

Theo chị Lê Thị Hằng (ngụ ấp Gia Yên), một người có kinh nghiệm làm nghề này, thời gian cúc kết nụ và cho hoa chừng 25 ngày, nên các chị phải làm nhanh để cây tập trung dưỡng chất nuôi một bông hoa còn lại. Nếu nhặt nụ quá sớm, tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn. Chậu hoa cúc loại 10 cây, nếu 2-3 cây không có hoa, người trồng buộc phải bỏ đi vì không đạt chất lượng. Cái khó của người nhặt nụ là phải chọn làm sao để khi nở mười cây có hoa đẹp cả mười. “Không phải lao động chân tay nặng nhọc, nhưng rất mỏi chân vì phải đứng cả ngày. Sợ nhất là thời tiết, mùa này trời khô và nắng gắt rất khó chịu, chị em người nào người ấy đều kín bưng từ đầu đến chân. Mỗi nhà vườn, mình làm khoảng 1-2 ngày, xong việc lại kéo sang nhà khác. Công việc như chạy đua với thời gian để hoa nở trúng tết” - chị Hằng thổ lộ.

* Hái lá ra tiền

Vịn cành mai, ve vuốt từng chiếc lá, ông Phạm Tấn Tài, chủ vườn mai Đồng Khởi (đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa) lẩm nhẩm như nói một mình: “Đã gần rằm tháng Chạp, mùa hái lá mai rồi đây. Việc hái lá ảnh hưởng rất lớn đến việc nở hoa đúng tết của mai. Thời gian để hái lá không nhiều, giải quyết xong trong ngày mới tốt, nếu kéo dài mai nở không đúng ngày”.

“Hễ ông Tài gọi là tôi đến ngay, vì mình làm công việc này gần chục năm rồi, tiền công mỗi ngày từ 150-170 ngàn đồng, kiếm tiền rất dễ. Muốn cây mai trổ hoa nhiều thì phải hái sạch hết lá non lẫn lá già, miễn đừng gãy ngọn, cành là được...” - anh Nguyễn Văn Bảo (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Hái lá mai đúng thời điểm giúp cây nở trúng dịp tết.
Hái lá mai đúng thời điểm giúp cây nở trúng dịp tết.

Với kinh nghiệm của mình, anh Bảo cho hay: Có 2 cách hái lá mai là cầm lá lặt ngược ra sau và cầm lá kéo theo chiều của chiếc lá. Hái lá theo cách cầm lá lặt ngược ra sau có ưu điểm tốn ít sức, làm nhanh, nhưng có nhược điểm là dễ kéo theo một đoạn dài vỏ cành cây, làm hư hại nụ hoa và cành hoa. Cách cầm lá kéo theo chiều của chiếc lá lại tốn nhiều sức, đối với những đọt non dễ bị đứt đọt do kéo quá sức.

Đôi tay thoăn thoắt hái lá cho gốc mai trên 10 năm tuổi, anh Bảo cho biết thêm: “Làm việc này khỏe re à, con nít còn làm được, huống chi người lớn. Tùy theo cây, chủ vườn sẽ thuê người hái trong vòng một ngày, hay kéo dài. Ngoài ra, do biến động bất thường của thời tiết, nhiều nơi mai đã bung nở, thậm chí một số vườn hoa đã tàn. Không để mất trắng, nhiều chủ vườn thuê người nhặt hoa đã nở để nuôi những nụ còn lại với hy vọng cứu vãn tiền của và công sức của năm qua”.

Từ khoảng ngày 12 tháng Chạp trở đi là vào mùa, các chủ vườn mai cần nhiều lao động hái lá mai, bứng gốc cho vào chậu đem đi bán tết. Người làm công việc này luôn có mức thù lao cao. “Làm xong vườn nhà này, chạy ngay sang nơi khác để đảm bảo thời gian như đã hứa trước. Nghề này bỗng dưng có giá khi thu về hơn 2 triệu đồng chỉ để hái lá mai trong vòng một tuần lễ. Nếu ai không đặt trước, tôi buộc phải từ chối vì sợ làm không kịp” - chị Huỳnh Y Nữ (ngụ phường Long Bình) thổ lộ.

Từ ngày cây hái hết lá, trên các cành mai đã bắt đầu xuất hiện những nụ hoa nhỏ bằng hạt gạo. Mỗi nụ như vậy lớn dần lên thành một bông hoa cái có lớp vỏ lụa bao kín bên ngoài. Như vậy, nếu thời tiết trong những ngày cuối năm ấm áp, mà vỏ lụa của hoa bung ra đúng ngày 23 tháng Chạp thì có hy vọng đúng đêm giao thừa hoa mai bắt đầu nở đồng loạt.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tìm hiểu genz là gì