Chiều vừa tắt nắng, hàng ghế đá dọc hành lang Khoa Y học hạt nhân (cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) có rất nhiều mái đầu thưa tóc với nét mặt tiều tụy chụm lại chuyện trò. Đó là những bệnh nhân bị ung thư đang được điều trị tại đây.
Chiều vừa tắt nắng, hàng ghế đá dọc hành lang Khoa Y học hạt nhân (cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) có rất nhiều mái đầu thưa tóc với nét mặt tiều tụy chụm lại chuyện trò. Đó là những bệnh nhân bị ung thư đang được điều trị tại đây.
* Phải sống...
3 năm trước, ông Nguyễn Văn Th. (78 tuổi, ngụ xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) biết mình bị ung thư phổi. Tuy vậy, ông vẫn lạc quan đến bệnh viện điều trị để kéo dài thêm những tháng ngày hạnh phúc bên con cháu. Những ngày nằm viện, ông Th. luôn ôm chặt cuốn kinh Phật trong lòng và lặng lẽ đọc tới, đọc lui những lời Phật dạy. Thỉnh thoảng, ông kêu chị Lệ (con gái ông) đỡ ông ngồi dậy uống ngụm nước, hoặc đi dạo trong khuôn viên bệnh viện cho khuây khỏa.
Bệnh nhân vẫn lạc quan dù đang thở ôxy. |
Bên hàng ghế đá trước phòng bệnh, chị Lệ cho hay, khi chưa phát bệnh, cha chị rất khỏe. Hàng ngày, ông Th. vẫn quen vác cuốc ra cánh đồng phụ giúp con cháu trồng bắp, trồng lúa. Đến khi biết mình mắc phải chứng bệnh ung thư phổi, ông Th. vẫn lạc quan. Mãi đến khi bệnh trở nặng, ông mới đồng ý cho con cháu đưa đi bệnh viện. “Cha tôi bảo, tuổi ông đã cao nên con cháu đừng quá bận tâm về bệnh tật của ông, vì con người sống, chết đều có số” - chị Lệ bộc bạch.
Nhẹ nhàng đỡ em dâu nằm xuống giường bệnh, chị Tuyết (người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị T.H., ngụ xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) khẽ dặn dò cô em dâu cố gắng tịnh dưỡng. Chị Tuyết cho biết, 6 năm trước, em trai chị (chồng chị T.H.) qua đời vì chứng bệnh ung thư gan. Mẹ góa con côi, nhà thiếu trước hụt sau, nay chị T.H. lại mắc phải chứng bệnh ung thư buồng trứng, nên gia cảnh càng thêm khốn khó. “Em dâu tôi biết nó mắc bệnh hơn 1 năm và được bác sĩ khuyên nhập viện điều trị sớm để hy vọng kéo dài thời gian sống. Biết điều đó, nhưng vì không có tiền, nó chần chừ không dám đi viện” - chị Tuyết nói.
Từ ngày mẹ bệnh, đứa con trai đầu 14 tuổi của chị T.H. phải nghỉ học để đi làm thuê. Nhập viện gần 20 ngày, gia đình chị T.H. vẫn chưa chạy được số tiền 25 triệu đồng để bệnh viện tiến hành mổ khối u. Chị T.H. nặng nhọc tâm sự, lúc đầu chị giấu không cho người thân biết mình bị bệnh, vì sợ họ lo lắng. Nhưng trước những cơn đau co thắt như xé ruột gan, chị không còn sức nín chịu nên mới nhỏ to tâm sự với mọi người. “Tôi cần phải sống để lo cho các con, cho dù sự sống được tính từng ngày” - chị T.H. thổn thức.
Nhìn chị T.H. nước mắt ngắn dài trên giường bệnh chờ mổ, chờ tiền, anh Tuấn (người thân của bệnh nhân L.) chia sẻ: “Ung thư không phân biệt giàu nghèo, người có điều kiện kinh tế khi phát hiện mình mắc bệnh đã nhanh chóng nhờ bệnh viện can thiệp bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Riêng người nghèo thì chờ tiền, chờ phép màu... Ai cũng quý sự sống và khát khao khỏe mạnh khi biết mình mắc bệnh ung thư” - anh Tuấn bày tỏ.
* Và Hy vọng...
Sau những đợt hóa trị dài ngày, mái tóc của H. (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) chỉ còn vài chòm lưa thưa. H. thường tha thẩn một mình ngoài hành lang bệnh viện và kiệm lời khi tiếp chuyện với chúng tôi. Với H., bệnh tật đã làm cho em như quên mất những hoài bão của tuổi trẻ. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, H. luôn khát thèm cuộc sống vui tươi, hồn nhiên như bao bạn trẻ khỏe mạnh khác. “Mọi người động viên em hãy sống lạc quan, yêu đời và hãy tin tưởng vào những tiến bộ của y học mà hy vọng khỏi bệnh” - H. khẽ tỏ bày.
Bác sĩ Khoa y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. |
Bóng tối dần buông xuống, đèn chiếu sáng khắp hành lang bệnh viện, bệnh nhân H.L. L. (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) ngồi suy tư trên ghế đá, nhìn ra đường. Cạnh đó, bà Hòa (mẹ L.) luôn ở bên con vỗ về, động viên. Bà hy vọng vào sức trẻ của L., cùng với sự tận tâm của các y, bác sĩ và sự tiến bộ của y học, những bướu độc trên cơ thể L. sẽ dần trở nên lành tính và biến mất, L. sẽ không còn bị những cơn đau hành hạ cơ thể. “Hàng ngày, tôi luôn động viên con phải có ý chí sống mạnh mẽ, tích cực. Ung thư chưa hẳn là cuộc đời kết thúc và con tôi đã nhận ra điều đó. Vì vậy, dù bệnh tật, cháu vẫn học giỏi và sống hòa đồng với bạn bè” - bà Hòa tâm sự.
Nghe bà Hòa nói, bà Mai (mẹ bệnh nhân H.) nói thêm như để động viên con: “Khoa học ngày càng tiến bộ, cùng với những lời khuyên của các bác sĩ, tôi tin rằng, ung thư chưa hẳn là kết thúc sự sống. Nếu người bệnh được chăm sóc tốt, có thái độ sống lạc quan và thường xuyên luyện tập thể thao thì sự sống được kéo dài…”.
Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện có hơn 200 bệnh ung thư, trong mỗi bệnh lại có nhiều dạng bệnh với các phương thức điều trị khác nhau, dẫn đến các mức độ khỏi bệnh khác nhau. Chẩn đoán chính xác, tìm ra một phương thức điều trị hợp lý là một việc làm rất thận trọng, kết hợp từ nhiều chuyên khoa sâu trong chuyên ngành ung thư. |
Rời ca phẫu thuật khi trời đã tối, bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Y học hạt nhân, trao đổi nhanh với chúng tôi, hiện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có đầy đủ các thiết bị y khoa hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao trong điều trị ung thư. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca điều trị nội trú, góp phần giải quyết khó khăn cho người bệnh trong việc điều trị lẫn kinh tế. “Với người bệnh ung thư, tốt nhất là họ phải biết chấp nhận sự thật, hy vọng sống mãnh liệt và có thái độ tích cực trong việc điều trị thì hy vọng kéo dài sự sống sẽ cao hơn những người bi quan, phó mặc cho số phận” - bác sĩ Bình chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Bình, việc kháng thuốc, kháng quá trình trị liệu, hay sau khi điều trị một thời gian, bệnh nhân có những phản ứng hóa trị nghiêm trọng, dẫn đến bệnh nhân một lần nữa nhụt chí và mất niềm tin vào điều trị, đó là nguyên nhân bất lợi cho việc điều trị. Do đó, với những bệnh nhân quá bi quan và thất vọng, cần phân tích nguyên nhân, chuẩn bị tốt tâm lý và giới thiệu cho bệnh nhân những tiến triển mới trong điều trị ung thư và những ca bệnh thành công điển hình đã thành công, giúp các bệnh nhân giao lưu chia sẻ những kinh nghiệm chống lại bệnh tật của nhau, từ đó giúp người bệnh có được niềm tin chiến thắng bệnh tật.
“Khả năng và mức độ chữa khỏi của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nhân đến sớm hay muộn, dạng bệnh và giai đoạn bệnh, nhưng quan trọng nhất là người bệnh có nỗ lực sống và tích cực điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc” - bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Đoàn Phú