Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình thầy trò ở Soklu

10:05, 31/05/2013

Mặc cho ve sầu đua nhau gọi hè từ nhiều ngày trước, cuối tháng 5 thầy trò điểm lẻ Soklu (Phân hiệu Võ Dõng 3, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) mới có dịp cùng nhau tổ chức buổi liên hoan chia tay cuối năm học.

Tình nghĩa thầy trò

Mặc cho ve sầu đua nhau gọi hè từ nhiều ngày trước, cuối tháng 5 thầy trò điểm lẻ Soklu (Phân hiệu Võ Dõng 3, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) mới có dịp cùng nhau tổ chức buổi liên hoan chia tay cuối năm học.

* Tình nghĩa thầy trò

Trời chưa kịp sáng, chị Hà còn đang loay hoay đun nồi cơm sáng ăn đi rẫy, thì bé Nhung đã lù lù sau lưng, hối thúc mẹ đưa ra điểm trường của thầy Lưu Trần Thịnh và Phạm Ngọc Bằng thật sớm để dự liên hoan cuối năm. Chị Hà khẽ mắng con: “8 giờ các thầy mới ra tới. Giờ còn sớm lắm, con đi ngủ đi”. “Mẹ nhớ chở con ra sớm đó. Hôm nay, các thầy đem vào nhiều bánh kẹo lắm. Con không ăn cơm đâu” - bé Nhung nũng nịu với mẹ.

Thầy Lưu Trần Thịnh (giữa) và thầy Phạm Ngọc Bằng (bìa phải) trao phần thưởng cho những học sinh chăm ngoan, đi học đều.
Thầy Lưu Trần Thịnh (giữa) và thầy Phạm Ngọc Bằng (bìa phải) trao phần thưởng cho những học sinh chăm ngoan, đi học đều.

Chiều con, 7 giờ kém, chị Hà đã lật đật lấy xe máy chở Nhung ra điểm trường. Tuy đến sớm hơn nửa tiếng so với thường lệ, nhưng chị Hà thấy thầy Thịnh và thầy Bằng đã có mặt tại đây cùng nhiều phụ huynh khác.

Hôm nay thật sự là ngày “trọng đại” đối với 64 học sinh là con em đồng bào Khmer và người Kinh nghèo khó ở khu dân cư 5, ấp Võ Dõng 3. Thầy Thịnh cho biết, điểm trường Soklu có 4 lớp học ghép, trong đó lớp 1 có 49 em; lớp 2 có 8 em; lớp 3 có 4 em và lớp 4 là 3 em. Thầy Bằng phụ trách lớp 1, còn thầy Thịnh phụ trách từ lớp 2-4. Điểm trường được lập trên phần rẫy của ông Nguyễn Văn Nhi vào năm 2000. Lúc ấy, chỉ có vài học sinh là con em đồng bào Khmer từ miền Tây theo cha mẹ về đây làm thuê mướn cho các chủ rẫy cà phê, thuốc lá.

Trước hoàn cảnh con em lao động nhập cư nghèo ở khu dân cư 5 (ấp Võ Dõng 3) không có điều kiện đến trường khi quá tuổi vào lớp 1, các sơ nhà dòng Phong Lan (giáo xứ Gia Tân 1) xin phép ông Nhi cho mượn góc rẫy của ông để mở lớp xóa mù chữ cho các em. “Tại gốc mít cổ thụ nơi rẫy của ông Nhi, tháng nắng thì các sơ đưa học sinh ra ngoài dạy chữ để tránh cái nóng hầm hập của mái tôn. Tháng mưa, các em được ông Nhi mời vào chòi của mình ngồi học để khỏi bị gió lùa” - thầy Thịnh nói.

Năm 2008, thấy lớp có đông con em lao động nghèo trong vùng đến học, ông Nhi bàn với các bạn bè và người dân địa phương dời điểm trường Soklu ra đầu rẫy và góp sức xây dựng nên điểm trường khang trang này.

Năm 2010, điểm trường Soklu được Phòng GD-ĐT huyện công nhận và sáp nhập vào Trường tiểu học Lê Quý Đôn. “Để có giáo viên đứng lớp (từ lớp 1-4), nhà trường phải luân phiên cử giáo viên vào thay đổi. Năm học vừa qua, tôi và thầy Bằng tiếp tục được Ban giám hiệu cử vào bám lớp” - thầy Bằng cho hay.

* Buổi tiệc chia tay

8 giờ 30, thầy Bằng phát tín hiệu khai tiệc. 50 học sinh nhanh chóng và lễ phép ngồi khoanh tay trên bàn chờ phần. Thầy Thịnh, thầy Bằng cùng hai nữ đồng nghiệp Nhung và Thương (dạy tại điểm chính vào hỗ trợ) lần lượt phát thức ăn cho các em.

“Thầy ơi, con chưa có” - bé Thạch Đa Ly (lớp 1) thắc mắc. “Các em yên tâm, các thầy đã chuẩn bị đủ cho mỗi em một hộp bún và ít bánh kẹo. Ăn xong, thầy Bằng sẽ phát thưởng cho những học sinh chăm ngoan” -  thầy Thịnh khẽ cất tiếng, rồi vội lấy thêm một phần bún cho Đa Ly.

Vừa mở hộp bún cho Thạch Sâm ăn, cô giáo Nhung hỏi Sa Rít (ngồi bên cạnh): “Ngon không em?”. Sa Rít tròn xoe mắt gật đầu, tay không ngừng gắp bún. Nhìn Sa Rít và các em ăn ngon miệng, trật tự, cô Nhung nhẹ nhàng hỏi thầy Thịnh: “Thầy mua bún ở đâu. Bao nhiêu một hộp?”. Thầy Thịnh nhoẻn miệng cười cho hay: “Giá hữu nghị, chỉ có 8 ngàn đồng/hộp thôi. Mình phải cân đối sao cho đủ số tiền mà các thầy cô tài trợ cho lớp”.

 Thầy Phạm Ngọc Bằng cho biết, kết thúc năm học 2012-2013, điểm lẻ Soklu chỉ còn 50 học sinh theo lớp (có 14 học sinh bỏ lớp). Trong đó, khối lớp 1 của thầy có 10 học sinh ở lại lớp, còn khối lớp 2-4 của thầy Thịnh được trường chiếu cố cho lên lớp 100%. Ban giám hiệu trường vẫn ưu ái dành cho điểm Soklu 6 phần thưởng cho học sinh giỏi, nhằm khuyến khích học sinh có học lực tốt, chăm ngoan, đi học đều.

Để tổ chức buổi liên hoan chia tay cuối năm, thầy Bằng và thầy Thịnh huy động được 800 ngàn đồng (trường chi 300 ngàn đồng dành cho phần thưởng học sinh chăm ngoan; 500 ngàn đồng tiền của thầy cô ở trường đóng góp và tiền túi của 2 thầy hùn vào). “Sau khi liên hoan cho lớp, mình và thầy Bằng sẽ hợp tác đãi các cô, bác Nhi và nhà báo chầu cháo vịt nhé” - thầy Thịnh đề xuất.

Chúng tôi chưa kịp vỗ tay đồng tình thì ngoài sân, chị Thạch Lên dẫn đứa cháu gái vào tìm thầy Bằng hỏi chuyện. Khi được thầy Bằng mời bà cháu vào chung vui với lớp, chị Thạch Lên khép nép hỏi thầy Bằng: “Sa May không dám sang dự tiệc với các bạn, vì nó nói do nghỉ học 2 tuần nên các thầy gạch tên rồi. Đúng vậy không thầy ?”. “Không chị à, các bạn học chỉ trêu em thôi. Thật ra, em Sa May vẫn được lên lớp 2. Tôi tưởng cháu vẫn đang ốm nên không đi dự liên hoan chia tay với các bạn được, mong chị thông cảm” - thầy Bằng khẽ giải thích.

Nhìn các em nhỏ ăn ngon miệng, ông Nguyễn Văn Nhi xúc động bày tỏ, các thầy tuy không tổ chức được tiệc linh đình, nhưng bản thân ông vẫn thấy ấm lòng khi các em được thầy Thịnh, thầy Bằng san sẻ niềm vui bằng tất cả tấm lòng của người thầy. “Tuy chỉ có hộp bún đạm bạc và ít bánh kẹo, nhưng các em vẫn hồ hởi chờ đợi các thầy mấy ngày qua khi năm học kết thúc. Có em còn đòi cha mẹ dẫn ra lớp thật sớm và nhịn ăn sáng để dành bụng ăn quà của hai thầy mang vào” - ông Nhi thổ lộ.

Hít hà vì ăn phải nước mắm có ớt cay, Thạch Quỳnh (lớp 2) vẫn cố vét hết phần bún trong hộp, rồi em vội vã đi uống nước, khi hộp thức ăn vẫn còn nguyên 2 khúc chả rán. Khi cô giáo Thương thắc mắc hỏi sao em không ăn hết, Thạch Quỳnh lễ phép thưa: “Em đem về cho em được không cô?”. Lời Thạch Quỳnh thưa chuyện làm cô Thương cay sè mắt, nói với chúng tôi: “Các em ở đây thiếu thốn nhiều thứ lắm. Chính vì vậy, bữa tiệc do thầy Thịnh và thầy Bằng tổ chức thật ý nghĩa và đây cũng là bữa tiệc liên hoan cuối năm ấn tượng mà mình được tham gia”.

Buổi tiệc chia tay kết thúc, thầy trò điểm lẻ Soklu lặng lẽ kê lại bàn ghế, vệ sinh lớp học. Mặt trời lên trên ngọn mít, lần lượt các trò nhỏ điểm lẻ Soklu chào thầy, thưa cô rồi cuốc bộ về nhà. Nhìn các em lặng lẽ đôi chân trên những con đường đất, đá gập ghềnh, lòng chúng tôi bỗng thấy nao nao. Chờ cho những học trò nhỏ khuất xa, hai thầy giáo Thịnh và Bằng mới từ tốn khóa cổng lớp học.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều