Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha con cùng hiến máu (Bài 3)

10:05, 24/05/2013

Đến kỳ cho máu, anh Nguyễn Huy Hoàng (ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) lại xin công ty được nghỉ phép một ngày để đến trung tâm huyện hiến máu.

Đến kỳ cho máu, anh Nguyễn Huy Hoàng (ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) lại xin công ty được nghỉ phép một ngày để đến trung tâm huyện hiến máu.

* Giọt máu từ trái tim yêu thương

Mân mê chiếc huy chương đồng (ghi nhận thành tích người hiến máu nhân đạo từ 10-15 lần) do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh trao tặng, anh Hoàng bộc bạch, lần đầu tiên đến với phong trào hiến máu nhân đạo do Hội CTĐ xã Bắc Sơn phát động, anh cũng hồi hộp như những bạn trẻ khác khi được các kỹ thuật viên của Trung tâm huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy chích kim vào tay.

Anh Nguyễn Huy Hoàng đang chở cha lên trung tâm huyện Trảng Bom để hiến máu nhân đạo.
Anh Nguyễn Huy Hoàng đang chở cha lên trung tâm huyện Trảng Bom để hiến máu nhân đạo.

Khi được cha anh (ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ tịch Hội CTĐ xã Bắc Sơn) vận động đi hiến máu, anh vẫn chưa có nhận thức sâu sắc về hành động nhân đạo cho máu để cứu người. Nhưng sau lần hiến máu đầu tiên, anh hiểu ra rằng, đây là một việc làm có ích cho xã hội. Hàng ngày, xã hội có rất nhiều người không may mắn đang rất cần được tiếp máu để duy trì sự sống. Mỗi giọt máu cho đi, không chỉ cứu sống người bệnh trong lúc nguy nan, mà còn thể hiện được tình yêu thương cao cả giữa con người với con người. Và từ đó đến nay, anh Hoàng đã tham gia hiến máu 13 lần.[links(right)]

Không những tích cực hiến máu, anh Hoàng còn vận động 5 người bạn thân (làm chung công ty) và người yêu (sau này là vợ anh), mỗi người đi hiến máu 4-5 lần. Anh Hoàng cho biết, lúc đầu chưa hiểu chuyện, bạn bè anh sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên còn băn khoăn, ngần ngại. Nhờ sự tư vấn của cha, anh Hoàng đã kiên trì phân tích để bạn bè hiểu rằng, hiến máu không chỉ cứu mạng người, mà còn góp phần tăng cường sức khỏe cho chính người hiến máu. Chỉ sau khi hiến máu một thời gian ngắn, lượng máu trong cơ thể người hiến sẽ nhanh chóng được phục hồi và trẻ hóa, nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Ngay bản thân anh Hoàng, mỗi lần cho máu xong, anh thấy lạc quan, yêu đời hơn, vì mình đã làm được một việc thiết thực để cứu giúp người bệnh trong cơn nguy kịch.

Cũng vì vậy, mỗi lần có đợt vận động hiến máu, nếu rơi vào ngày làm việc, anh Hoàng xin công ty cho nghỉ phép không lương. Sau khi cho máu, anh Hoàng chỉ cần nghỉ ngơi vài giờ là có thể làm việc bình thường. “Qua thông tin đại chúng và từ cuộc sống, mình có dịp tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo. Từ đó, mình luôn mong muốn được góp sức cứu người bằng chính giọt máu trong cơ thể mình” - anh Hoàng tâm sự.

* Động lực từ người cha

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quang (cha anh Hoàng) chia sẻ, người hiến máu có các quyền lợi như: bồi hoàn máu miễn phí (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu); được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị giúp người hiến được bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu hiến tặng.

Rồi ông Quang từ tốn tiếp lời, do ông có tuổi nên khi Hội CTĐ xã Bắc Sơn phát động phong trào hiến máu nhân đạo trong hội viên, bản thân ông cảm thấy mình đứng ngoài cuộc thì khó chấp nhận. Chính vì vậy, ông đã vận động con trai (anh Hoàng) thay mình tình nguyện hiến máu. “Thật may, con trai và con dâu tương lai đều ủng hộ đề nghị của tôi. Nhờ vậy, khi tuyên truyền, vận động hội viên, thanh niên ở địa phương tham gia hiến máu, tôi không cảm thấy ngại” - ông Quang tâm sự.

Là cán bộ tham gia công tác Hội CTĐ xã Bắc Sơn, ông Quang và Chủ tịch Hội CTĐ xã Nguyễn Nghĩa Hùng rất hiểu tầm quan trọng của máu đối với con người, với những người bệnh cần máu. Với họ, không có máu sẽ đồng nghĩa với cái chết. Vì thế, năm 2008, khi phong trào hiến máu nhân đạo ở xã vừa được phát động, các ông đã nhiệt tình kêu gọi con trai và hội viên tham gia, hưởng ứng.

Anh Hoàng (phải) và cha ngồi chờ kỹ thuật viên gọi tên để vào hiến máu.
Anh Hoàng (phải) và cha ngồi chờ kỹ thuật viên gọi tên để vào hiến máu.

Để mọi người tin và làm theo, chỉ có cách là phải đi đầu làm gương, ông Hùng tình nguyện hiến máu được 9 lần thì không thể cho máu được nữa, vì ông đã quá tuổi. Cho nên, ông Hùng vận động con trai thay ông tiếp tục góp sức cho phong trào và con trai của ông đã hiến tặng được 7 lần. Riêng 25 hội viên khác, mỗi người hiến được 5-7 lần. “Hiện vẫn còn rất nhiều người bệnh cần được truyền máu, chúng tôi sẽ thành lập tổ hiến máu đột xuất khi các bệnh viện cần, có thể từ 7-8 hội viên nòng cốt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường vận động mọi người tham gia hiến máu nhân đạo nhằm giúp cho những người bệnh cần truyền máu có cơ hội được điều trị, duy trì sự sống” - ông Quang bày tỏ.

Ông Nguyễn Nghĩa Hùng cũng cho biết thêm, để vận động người dân, nhất là các bạn trẻ trên địa bàn xã tham gia hiến máu, Hội CTĐ xã luôn chú trọng việc tuyên truyền, với các thông điệp: “Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp”; “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”; “Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng”; “Kết nối trái tim, kết nối sự sống”; “Hiến máu cứu người, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà quản lý”…

Ông Quang thì cho biết, xác định hiến máu phục vụ nhu cầu cấp cứu trong những tháng hè, Hội CTĐ xã Bắc Sơn luôn bám sát sự chỉ đạo của huyện, tỉnh về tập trung xây dựng kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện dịp hè 2013; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu; tổ chức các điểm hiến máu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh; đẩy mạnh việc phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện...

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều