Báo Đồng Nai điện tử
En

Cầu Ghềnh và Rạch Cát: “Thảnh thơi” ở tuổi trăm năm

09:05, 18/05/2013

Khi 2 cầu đường bộ Bửu Hòa và Hiệp Hòa được đưa vào sử dụng cũng là lúc người đi bộ, đi xe máy và ô tô (trừ tàu hỏa)… không được phép lưu thông qua cầu Ghềnh và Rạch Cát. Nhưng với những người thường xuyên lưu thông qua 2 cây cầu 110 tuổi này, ngoài niềm vui được đi trên những chiếc cầu mới và thuận tiện, lòng họ vẫn có điều gì đó như luyến tiếc.

Khi 2 cầu đường bộ Bửu Hòa và Hiệp Hòa được đưa vào sử dụng cũng là lúc người đi bộ, đi xe máy và ô tô (trừ tàu hỏa)… không được phép lưu thông qua cầu Ghềnh và Rạch Cát. Nhưng với những người thường xuyên lưu thông qua 2 cây cầu 110 tuổi này, ngoài niềm vui được đi trên những chiếc cầu mới và thuận tiện, lòng họ vẫn có điều gì đó như luyến tiếc.

* Trong ký ức xưa

Được Pháp xây dựng vào năm 1903, cầu Ghềnh có kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cầu, ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe máy và ô tô, còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam. Dài 223,3m, cầu Ghềnh cùng với cầu Rạch Cát (dài 125,37m, cũng do Pháp xây dựng) là 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, dẫn vào Cù Lao Phố.

Từ ngày 15-5, người đi bộ và tất cả phương tiện giao thông đường bộ không được qua cầu Ghềnh.
Từ ngày 15-5, người đi bộ và tất cả phương tiện giao thông đường bộ không được qua cầu Ghềnh.

Ông Nguyễn Lâm, một người dân sống nơi chân cầu Ghềnh, cho hay, khi cầu Ghềnh được đưa vào sử dụng, hai bờ sông Đồng Nai nối cầu Ghềnh khi ấy rất hẹp và hoang sơ. Cũng như bây giờ, hai lối đi bên thành cầu ngày ấy cũng được thiết kế dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy. Ở giữa cầu có làn dành cho xe ô tô, đi chung với tàu hỏa. Hai bên đầu cầu cũng có người trực gác chắn dùng tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ (hoặc cờ) và dùng kèn làm hiệu lệnh để tránh xe đối đầu. “Thời ấy, cầu Ghềnh là công trình lớn, có tầm cỡ ở xứ Nam kỳ. Không chỉ dành cho xe lửa qua lại, nó còn là công trình quan trọng trên tuyến giao thông đường bộ thuộc quốc lộ 1. Kiến trúc cổ kính, vững chãi, trường tồn cho đến hôm nay, hình ảnh bình dị của chiếc cầu đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của đất và người Biên Hòa” - ông Lâm nói.

Công trình cầu Ghềnh có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình lịch sử lúc bấy giờ. Cầu Ghềnh ra đời không chỉ nối thông tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, mà còn giúp cho Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa ngày nay) có thể dễ dàng thông thương với Sài Gòn và Biên Hòa nhiều hơn.

Ông Huỳnh Văn Sao (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) cho biết, khi cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát chưa xây dựng, có rất nhiều bến đò được hoạt động qua lại cù lao này. Hiện nay, tại xã Hiệp Hòa vẫn còn bến đò An Hảo và bến đò Kho. Những ngày qua, cầu đường bộ Bửu Hòa và Hiệp Hòa đưa vào hoạt động, tuy góp phần giảm gánh nặng giao thông qua cầu Ghềnh và Rạch Cát già nua, nhưng với những người dân sinh sống ở Cù Lao Phố, hàng chục năm gắn bó với nó, thì vẫn thấy luyến tiếc trong lòng về một thói quen.

* Nhớ tiếng rậm rịch

Được nhân viên gác cầu đồng ý, bà Sáu Hiền hăm hở dắt xe đạp chở cháu ngoại qua cầu Ghềnh. Đến đầu cầu bên kia, bà hổn hển thở khi cặp nách chiếc xe đạp qua rào chắn. Riêng đứa cháu ngoại của bà thì được nhân viên gác chắn Hải bồng giúp. Bà Sáu Hiền tâm sự, bao năm chở cháu đi học, hoặc đi chợ Đồn (chợ Bửu Hòa), bà đều vượt sông Đồng Nai bằng cầu Ghềnh, mà lòng vẫn không cảm xúc. Từ ngày 15-5, khi cầu Ghềnh cấm người đi bộ, các phương tiện lưu thông (trừ tàu hỏa), bà mới cảm thấy tiếc nhớ từ tiếng rậm rịch dưới chân khi đi trên những tấm sắt cho đến cả những lúc kẹt xe.

Nhân viên gác cầu Hải giúp đỡ và nhắc nhở những người đi xe đạp “lỡ” quên lệnh cấm.
Nhân viên gác cầu Hải giúp đỡ và nhắc nhở những người đi xe đạp “lỡ” quên lệnh cấm.

Trao đổi với chúng tôi, nhân viên gác cầu Hải bộc bạch, việc cấm người đi bộ và phương tiện đường bộ qua cầu Ghềnh và Rạch Cát đồng nghĩa với việc xóa 4 trạm gác chắn ở 2 đầu các cây cầu tồn tại cả trăm năm này. Anh Hải nói: “Khoảng 10 ngày nữa, 16 nhân viên gác cầu Ghềnh và Rạch Cát được đơn vị bố trí nhiệm vụ khác. Trên mỗi chiếc cầu, đơn vị chỉ bố trí 1 nhân viên tuần cầu mà thôi”.

Cùng ca gác với anh Hải, nhân viên gác cầu Hiệp thổ lộ, khi thiếu bóng dáng người và phương tiện qua lại nhộn nhịp, ngồi trực cầu lòng anh cảm thấy buồn tẻ. Tuy vậy, ngành đường sắt cấm phương tiện qua lại cầu Ghềnh, Rạch Cát khi cầu đường bộ Hiệp Hòa (ngày 19-1-2012) và Bửu Hòa (ngày 30-4) được đưa vào sử dụng, người gác cầu như các anh nhàn hạ, không bị sức ép như trước.

6 giờ ngày 15-5, các phương tiện lưu thông qua cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát (trừ tàu hỏa) sẽ bị cấm vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn vài người dân sinh sống giữa 2 đầu cầu Ghềnh và Rạch Cát (thuộc xã Hiệp Hòa) và vài học sinh đi xe đạp vẫn cố nài nỉ nhân viên gác cầu cho phép đi tắt cho nhanh. “Vài ngày nữa, các gác cầu sẽ bị xóa, chúng tôi phải chuyển công tác khác và sẽ không còn ai qua lại 2 cây cầu này, ngoài nhân viên đường sắt và những chuyến tàu”- nhân viên gác cầu Nguyễn Văn Lịnh cho hay.

Nhẩn nha ly cà phê sáng trước hiên nhà, nhìn về cầu Ghềnh khi 2 đầu cầu khóa chặt và treo nhiều băng-rôn, biển báo cấm lưu thông, ông Ba Nghĩa (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) tỉ tê bày tỏ, từ ngày 15-5, ông không được cảm giác khoan khoái khi nhấm nháp cà phê tại nhà, vì không được nhìn thấy người qua lại cầu Ghềnh. “Không còn người và xe cộ qua lại nhộn nhịp, nhưng cầu Ghềnh vẫn còn đó. Tôi cũng không vì cảm xúc của bản thân mà muốn cầu Ghềnh phải tiếp tục gánh gồng lưu lượng xe cộ ngày càng nhiều và rất nguy hiểm” - ông Ba Nghĩa nói.

Từ ngày cầu Ghềnh và Rạch Cát bị cấm lưu thông, nhiều người dân (nhất là người dân xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa) thường xuyên đi lại qua 2 cây cầu này lại tỏ ra hài lòng, vì không còn gặp cảnh kẹt xe hàng ngày mỗi khi có tàu hỏa đi qua, cầu trong thời kỳ duy tu, hoặc lượng người đi quá đông vào giờ cao điểm 2 buổi sáng, chiều. Nhất là tránh được cảnh chen chúc nhau trên chiếc cầu bằng sắt đã trăm tuổi để chờ tàu hỏa đi qua.

Chị Hải Hà (người dân ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) bày tỏ, khi 2 cầu đường bộ Bửu Hòa và Hiệp Hòa được đưa vào sử dụng, nhiều người dân còn tranh thủ lúc sáng sớm (hoặc xế chiều) ra cầu ngắm sông, tập thể dục, hít thở không khí trong lành. “Trước kia, mỗi ngày qua cầu Ghềnh và Rạch Cát, ai cũng vội vã, tranh thủ chen lấn để qua thật nhanh, lòng thì âu lo gặp bất trắc vì đường cầu hẹp, xe cộ nhiều. Nay thì cầu đường bộ Bửu Hòa và Hiệp Hòa đã thật sự giải tỏa nỗi lo đó. Vì vậy, chúng tôi vui mừng khi không còn phải qua cầu Ghềnh, Rạch Cát nguy hiểm như lúc trước nữa” - chị Hải Hà tâm sự.

Thành Nhân

 

 

 

Tin xem nhiều