Nghề thiến gà với nhiều người nghe chừng lạ lẫm, nhưng nó đã có từ bao đời nay. Với giá tiền công 8 ngàn đồng/con, mỗi ngày một người thợ thiến được 100-150 con, thu nhập cả triệu đồng. Hầu hết những người gắn bó với công việc độc đáo này đều có tuổi nghề đến vài chục năm kinh nghiệm, động tác điêu luyện đến thuần thục.
Nghề thiến gà với nhiều người nghe chừng lạ lẫm, nhưng nó đã có từ bao đời nay. Với giá tiền công 8 ngàn đồng/con, mỗi ngày một người thợ thiến được 100-150 con, thu nhập cả triệu đồng. Hầu hết những người gắn bó với công việc độc đáo này đều có tuổi nghề đến vài chục năm kinh nghiệm, động tác điêu luyện đến thuần thục.
Gà trống thiến nuôi chóng lớn, cân nặng từ 3-4kg, thịt lại ngon nên được nhiều người hỏi mua, hoặc đem gà nhà đi tìm thợ thiến. Từ thời điểm bị cắt 2 quả tinh hoàn (còn gọi là ngọc kê), gà sẽ hết hung hăng, không còn tiếng gáy…
* Đi xem thiến gà
Ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom), những người chuyên nuôi gà trống thiến đều biết đến ông Vy Quan Bảo, người nổi tiếng với nghề thiến gà từ mấy chục năm nay. Người ta tìm đến ông không chỉ muốn tước đi công năng truyền giống của một chú trống choai oai vệ, mà còn muốn chứng kiến công việc của một thợ thiến gà ra sao. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề thiến gà, ông Bảo cười khà khà tỏ ý thích thú.
Người phụ nữ này cho biết: “Muốn thiến gà phải hẹn trước hoặc đến “chợ” thiến từ sáng sớm”. |
Gần 60 tuổi đời thì ông Bảo đã có trên 40 năm tuổi nghề, biết thiến gà từ thuở chưa lấy vợ. Mỗi tháng 2 lần, ông Bảo sẽ quay lại địa điểm mà bấy lâu nay ông quen hành nghề. Vị trí ông ngồi thường nằm sát đường lớn, người người qua lại đông đúc. Với bộ đồ nghề giản đơn, bằng những động tác thuần thục, điêu luyện, chỉ vài phút ông đã hoàn thành xong công việc của một “bác sĩ triệt sản” cho gà.
Theo kinh nghiệm của ông Bảo, thiến gà có 2 cách: thiến bụng (cách hậu môn khoảng 4cm) và thiến sườn (gần dưới cánh gà). Tùy vào tay nghề của mỗi người mà chọn lựa chỗ thiến thích hợp. “Xưa nay, tôi quen thiến sườn thôi. Cách này gà ít mất máu, thời gian phục hồi nhanh, nhưng có cái nhược là khó tìm ra tinh hoàn gà. Sau khi dùng dao chọc thủng lớp da, tôi sẽ dùng “đũa” vừa dò tìm vừa gắp nó ra” - ông cho biết.
Đưa bộ “đồ nghề” ra, ông Bảo chỉ “nhiệm vụ” của từng thứ: “Một con dao mỏng được mài sắc một đầu để rạch mảnh thịt. Ba đôi “đũa” mỗi đôi dài khoảng 10cm dùng gắp tinh hoàn, được buộc 2 đầu bởi 1 sợi cước. Miếng kẹp luồn vào vết mổ để tạo khoảng hở đưa đũa vào gắp tinh hoàn…”. Nhìn ông Bảo thiến gà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cứ 4-5 phút lại xong một con. Điều đặc biệt là, ông không cần khâu chỉ (vì vết mổ rất nhỏ), mà vặt ngay nhúm lông gà dán trực tiếp vào đó. Con gà mới bị thiến thở hổn hển rồi nhanh chóng đi lại bình thường.
Nếu ở huyện Trảng Bom, ông Bảo nổi tiếng với ngón nghề thiến cánh, thì tại xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ), anh Lý Niềm (46 tuổi) thành thạo ngón nghề thiến bụng: Gập 2 cánh con gà trống choai nặng xấp xỉ một ký, anh Niềm nhanh tay lần tìm kẽ hở giữa hai xương sườn con gà. Sau đó, anh đưa lưỡi dao rạch một vết nhỏ. Lát sau, hai quả ngọc kê bằng đầu ngón tay dính chặt vào sống lưng gà dần lộ ra dưới kẹp banh, anh Niềm nhét đầu móc dây vào kéo lên xuống như sợi quay ròng rọc.
“Nói không khoe chứ, thời buổi này kiếm đâu ra thợ thiến gà. Cứ mỗi lần mình đi thiến dạo, người ta đem gà đến rất nhiều. Thời điểm nhu cầu tìm thiến gà nhiều nhất là trước tết khoảng 3-4 tháng. Gà thiến xong, nuôi một thời gian đem đi biếu là quý lắm” - anh Niềm tâm sự.
Anh Niềm tiết lộ, nghề này không phải ai muốn học cũng được và số người thành thợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước kia, anh phải lên vùng Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) học kỹ thuật thiến của một ông lão người Hoa. Sau vài tháng tìm hiểu, anh về nhà tự mày mò và phát triển thêm nghề. “Thiến gà cũng có nhiều chuyện bi hài lắm. Học xong, tôi thường bắt gà nhà làm thử. Khoảng 10 con thì chỉ 1-2 con sống thôi, do chưa quen nên cắt sót tinh hoàn” - anh Niềm tếu táo nói.
* Công nghệ thiến gà
Thiến gà trở thành công việc cho thu nhập cao, một khi thành thạo người thợ có thể sống khỏe với nghề. Trước khi lui về ngơi nghỉ tuổi già, ông Bảo cũng đã kịp truyền dạy ngón nghề thiến gà cho đứa con trai lớn Vy Quốc Bình (29 tuổi). Theo cha học nghề từ thời thiếu niên, đến nay mọi động tác, kỹ thuật thiến gà anh Bình đều đã thành thạo. “Học không khó, nhưng phải cẩn thận, không được nóng vội. Sơ sẩy là giết con gà như chơi” - anh Bình kể.
Các thợ thiến gà tiết lộ, thời gian triệt sản gà cũng quan trọng. Gà nuôi khoảng 3-4 tháng, khi mào gà nhú lên khoảng 1 phân, tinh hoàn bằng hạt đậu phộng là thích hợp cho việc thiến. Thiến sớm trứng nhỏ như hạt gạo, dễ sót, khó cho người thợ. Nhưng để đến khi gà biết gáy, đá nhau, đạp mái thì trọng lượng tăng chậm, thịt lại không ngon.
Thợ thiến gà hơn 40 năm tuổi nghề Vy Quan Bảo thành thạo từng động tác. |
Ngoài chuyện cúng giỗ tâm linh, nhiều người thích gà trống thiến, vì thịt ăn ngon hơn gà thường, nên nhu cầu thiến gà khá nhiều. Thường thì phải mời người về thiến, hoặc chờ đến phiên “chợ” mỗi tháng để các “bác sĩ triệt sản” cho gà. Mỗi lần đem gà ra “chợ” thiến, nhà nào cũng gom gà từ tờ mờ sáng, người dân quanh vùng lại háo hức gồng gánh, đưa gà đến đây. Người đem vài con, người chở cả lồng hơn chục con gà để nhờ thiến.
“Mỗi lần hai cha con đi làm ở một nơi nào đó, mình chưa tới mà người dân đã đem gà tập trung đến đấy hết rồi. Nhiều người sốt ruột còn gọi điện thoại hẹn trước nữa. Ở nhà, nhiều chủ trại gà lớn cũng đánh xe hơi, đón cha tôi lên tận trang trại nhờ thiến đàn gà. Gà trống thiến để riêng cho thầy mà ai cũng tranh giành hết” - anh Bình nói vui.
Ngọc kê (tinh hoàn gà) là món ăn vừa ngon, vừa bổ, nên được dân nhậu săn lùng nhiều. Mỗi ký ngọc kê bán ra có giá từ 300-500 ngàn đồng, nhưng không có để cung cấp cho khách hàng. |
Đứng chờ gần 2 giờ đồng hồ ở “chợ” thiến gà di động ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) nhưng chưa đến lượt, cả người và số gà gần 20 con của chị Bùi Ngọc Thủy (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đều thấm mệt. “Ông thợ thiến không về chỗ mình, nên từ sáng sớm phải mang gà đến đây. May mà trước khi đi cho chúng ăn uống đầy đủ, chứ chờ kiểu này thì sau khi thiến, gà kiệt sức mất. Đây là cái chợ lạ lùng nhất từ trước đến nay, phải xếp hàng mới tới lượt, nhiều người không chờ được bỏ về rồi” - chị Thủy kể lại.
Còn bà Nguyễn Thị Thạo (56 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), cho biết: “Gia đình tôi quen dùng gà trống thiến làm quà biếu, giỗ chạp, nên cứ đến các ngày 2 và 16 âm lịch hàng tháng, tôi lại mang gà ra “chợ” thiến. Lứa gà này, nhà có hơn chục trống choai nên đem thiến luôn. Ăn không hết có thể đem bán, mỗi ký chừng 150-200 ngàn đồng. Nếu ai đã ăn nhiều loại thịt gà, thì đều phải công nhận gà trống thiến ngon khỏi chê. Thịt thơm, ngọt, da lại giòn, ngon hơn nhiều lần gà bình thường”.
Võ Nguyên