Báo Đồng Nai điện tử
En

Về với đời thường

09:05, 12/05/2013

Trở về đời thường với bao khó khăn, người thương binh 4/4 Nguyễn Mạnh Đàm (Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Hưng Nghĩa 1, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) phải lăn lộn đủ thứ nghề, như: chẻ đá thuê, phụ hồ, thợ mộc… để mưu sinh. Khi cuộc sống ổn định, ông vẫn không quên nghĩa tình đồng đội.

Trở về đời thường với bao khó khăn, người thương binh 4/4 Nguyễn Mạnh Đàm (Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Hưng Nghĩa 1, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) phải lăn lộn đủ thứ nghề, như: chẻ đá thuê, phụ hồ, thợ mộc… để mưu sinh. Khi cuộc sống ổn định, ông vẫn không quên nghĩa tình đồng đội.

* Lặng lẽ người lính

Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi, ông Nguyễn Mạnh Đàm rời mái trường trung học để tòng quân khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt. Từ năm 1973-1981, người lính Nguyễn Mạnh Đàm trải qua nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường miền Đông Nam bộ, biên giới Tây Nam và sau đó làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia…

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đàm (bìa trái) trò chuyện cùng đồng đội trong chợ Hưng Nghĩa, do Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1 vận động tiền xây dựng.
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đàm (bìa trái) trò chuyện cùng đồng đội trong chợ Hưng Nghĩa, do Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1 vận động tiền xây dựng.

Đến tháng 6-1982, ông Đàm rời quân ngũ khi tuổi đời mới 29. Ông kể lại, ngày về lại quê nhà Hưng Yên, ông được địa phương cấp 1 sào ruộng làm kế sinh nhai. 6 tháng sau, ông cùng bà Bá Thị Sáu nên duyên chồng vợ và lần lượt sinh được 2 trai, 1 gái.

Quê nhà đất chật, người đông, để tìm tương lai khi các con khôn lớn, năm 1988, ông Đàm quyết định chuyển gia đình vào xã Hưng Lộc sinh sống. Tại quê hương mới, ông phải mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, như: làm thợ chẻ đá, phụ hồ, thợ mộc và quần quật với ruộng đồng không chút ngơi nghỉ. “Đến năm 2000, kinh tế gia đình tôi mới được ổn định. Lúc này, tôi mới có điều kiện tham gia sinh hoạt và đóng góp cho công tác ở Hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Hưng Nghĩa”.

Sau 2 năm tham gia tổ chức Hội CCB xã Hưng Long, tháng 3-2002, CCB Đàm được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1 (ấp Hưng Nghĩa có 2 chi hội CCB, trực thuộc Hội CCB xã). Ngày mới nhận trách nhiệm, nhận thấy nhiều hội viên trong tổ chức Hội vẫn còn chật vật với chuyện cơm áo, gạo tiền, nhất là khi hội viên qua đời mà gia đình không chăm lo ma chay được chu đáo, Chi hội trưởng CCB Đàm đã mạnh dạn đề nghị hội viên của mình góp quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo hội viên khi ốm đau, lúc qua đời... CCB Đàm bộc bạch: “Trong chiến đấu, người lính không ngại hy sinh tính mạng để cứu nguy cho đồng đội. Nay đất nước thanh bình, người lính càng không thể dửng dưng trước cảnh khó khăn, cơ nhỡ của đồng đội”.

Trong vai trò chi hội trưởng, ông Đàm từng bước củng cố, kiện toàn lại tổ chức Hội. Sau vài năm, Chi hội CCB Nhân Nghĩa 1 đã chuyển biến thành một chi hội mạnh, với nhiều cái nhất, như: có nguồn quỹ Hội lớn nhất trong các chi hội cơ sở của huyện, kỷ luật nghiêm trong sinh hoạt và xây dựng được đội kèn đồng để đưa tiễn các hội viên trong chi hội mình và chi hội bạn lúc qua đời... “Chi hội của mình có đủ các thế hệ CCB thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và cả tham gia chiến tranh biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế. Dù tuổi tác và công lao của từng hội viên có khác nhau, nhưng trong mái nhà chung của Hội, tất cả hội viên CCB đều đồng lòng, nhất trí cao trong mọi phong trào và tham gia xây dựng chính quyền ở cơ sở rất tâm huyết” - ông Đàm bày tỏ.

* Góp tiền làm chợ cho dân

Trong lúc CCB Đàm say sưa kể chuyện đời, chuyện Hội thì lần lượt các hội viên: Đỗ Bá Trụ, Nguyễn Thành Tâm, Triệu Quang Sáu ghé thăm ông. Các CCB Hưng Nghĩa 1 tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện họ tự bỏ tiền nhà xây dựng chợ Hưng Nghĩa để nhân dân địa phương có nơi họp chợ.

CCB Trụ thổ lộ, khi Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1 được UBND xã Hưng Lộc giao khu đất công rộng 400m2 nằm dọc quốc lộ 1, các CCB trong chi hội đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây chợ. “Chúng tôi lên kế hoạch huy động vốn trong hội viên, tự vẽ thiết kế nhà lồng chợ và sau đó thuê thầu xây dựng… Chúng tôi triển khai theo phương án xây dựng chợ tiết kiệm, chất lượng, một đồng bỏ ra đều phải được đầu tư cho công trình, chứ không để rơi rụng” - CCB Trụ bày tỏ.

Còn CCB Triệu Quang Sáu thì cho biết, khu đất công xã giao nhiều năm liền để cho cỏ mọc và người dân vứt rác bừa bãi. Địa phương cũng từng giao khu đất cho nhiều đơn vị để quy hoạch làm nơi buôn bán cho dân, nhưng dự án vẫn chưa triển khai được. Trước tình hình đó, UBND xã Hưng Lộc giao khu đất cho Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1. “Được chính quyền tin tưởng giao trọng trách, chúng tôi nhận ngay. Để có tiền xây chợ, các hội viên trong chi hội CCB cùng nhau đóng góp được 400 triệu đồng” - CCB Sáu nói.

Ông Bùi Đình Hạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho rằng: “Rời tay súng về với đời thường, nhiều người lính còn khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, với bản chất người lính Cụ Hồ, các cựu chiến binh đã không chấp nhận cuộc sống đói nghèo, luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Ngoài chăm lo kinh tế gia đình, giáo dục con cái trưởng thành, nhiều người còn xông xáo tham gia mọi phong trào ở địa phương, nhất là công tác của Hội Cựu chiến binh ở cơ sở”.

Chi hội CCB Hưng Nghĩa 1 có 22 hội viên, khi triển khai dự án xây dựng chợ, chi hội chỉ vận động được 19 hội viên có điều kiện đóng góp. CCB Triệu Quang Sáu cho hay, ban đầu các ông chỉ nghĩ mình đóng vai trò là người vận động bà con tiểu thương chung vốn lại để các ông xây dựng chợ, nào ngờ bà con khó khăn quá, không có tiền để góp. Cho nên, chi hội chuyển sang phương án tự bỏ tiền túi ra làm, sau đó phân sạp bán lại cho bà con để thu hồi vốn. “Ngày triển khai xây chợ, chúng tôi luôn cắt cử người bảo vệ công trình để kẻ xấu không thể phá hoại. Đến khi hoàn thành chợ, chúng tôi tiếp tục cắt cử người ra bảo vệ lòng, lề đường cho bà con họp chợ. Khi chợ buôn bán ổn định, chúng tôi vẫn còn bị bà con tiểu thương nợ 180 triệu đồng, giờ không biết đòi ra sao” - CCB Sáu tâm sự.

Theo tâm sự của các CCB Chi hội Hưng Nghĩa 1, toàn bộ công trình chợ Hưng Nghĩa đều do các hội viên CCB đóng góp kinh phí xây dựng. Các hội viên bỏ tiền xây chợ (vài chục triệu đồng/hội viên) không nhằm mục đích đầu tư kiếm lợi, mà vì trọng trách địa phương giao cho chi hội và vì trách nhiệm của người lính với xã hội, với nhân dân nơi mình sinh hoạt. “Dù không được Nhà nước hỗ trợ tiền, bị dân nợ tiền đầu tư, các hộ dân chiếm dụng khu đất tìm cách phá hoại công trình và nhất là bị các bà vợ chất vấn “về việc lấy tiền nhà ra làm việc chung…, nhưng chúng tôi cũng quyết làm cho bằng được” - CCB Đàm giải thích.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều