Báo Đồng Nai điện tử
En

“Cứu tinh” trên xa lộ

10:05, 15/05/2013

Để thuận tiện cho người đi đường, trải dọc trên các tuyến đường qua địa bàn tỉnh, dịch vụ vá xe lưu động cứu hộ hiện mọc lên ngày càng nhiều...

Để thuận tiện cho người đi đường, trải dọc trên các tuyến đường qua địa bàn tỉnh, dịch vụ vá xe lưu động cứu hộ hiện mọc lên ngày càng nhiều...

* Gọi 5 phút là có mặt

Khoảng 22 giờ, khi đang đi trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), chiếc xe máy của chúng tôi bỗng bị xì hơi. Tuy tiệm vá xe trên đoạn đường này khá nhiều, nhưng giờ này tất cả tiệm đều đã đóng cửa im lìm. Nhìn thấy số điện thoại vá xe lưu động dán trên cột điện, chúng tôi liền nhấn nút gọi thử. 5 phút sau, một người đàn ông trạc 40 tuổi chạy tới giúp đỡ.

Anh Đoàn Văn Thừa cặm cụi vá vỏ xe tải bị thủng bánh.
Ông Lê Lương Đống đang vá xe cho khách.

Tấp vào vỉa hè, trong bóng tối lờ mờ của đèn đường, ông Lê Lương Đống (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhanh chóng lấy ra từ chiếc hộp đựng đồ nghề mớ keo dán, tờ giấy nhám, đồ cạy vỏ xe và chiếc bơm cá nhân. Cạy chiếc vỏ xe ra, ông Đống bơm thật căng ruột, rồi đưa kề sát một bên má. Chẳng kịp để chúng tôi hỏi về hành động lạ này, ông vừa làm vừa giải thích: “Thường thì người ta dùng nước để thử xem lỗ thủng nằm ở đâu, nhưng để đồ nghề gọn nhẹ khi di chuyển, tôi thường bơm ruột xe thật căng rồi kề lên má để xem chỗ nào làm mát má mình là chỗ đó có lỗ thủng! Làm nghề vá xe lưu động phải có thủ thuật riêng để phù hợp với việc di chuyển nhanh, cơ động”.

Cứ khoảng 6 giờ mỗi ngày, với chiếc xe đạp chở bộ đồ nghề vá xe cột ở ba-ga, ông Đống chạy khắp các ngả đường của TP.Biên Hòa và các khu vực lân cận để tìm khách. Ông cho biết, tiền công vá mỗi lỗ thủng xe đạp 10 ngàn đồng, còn xe máy từ 15-20 ngàn đồng. Nguồn thu nhập một ngày làm việc lưu động đến sau 22 giờ 30 cũng đủ để ông trang trải cuộc sống gia đình...

Thấy chúng tôi dừng xe máy trước tiệm, anh Đoàn Văn Thừa (chủ tiệm vá xe Văn Thừa, trên quốc lộ 51, đoạn thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) tưởng chúng tôi đến vá xe, liền nói vọng ra: “Em ơi, ở đây chỉ vá ô tô, chứ không vá xe máy”. Khi biết chúng tôi định tìm hiểu về nghề vá xe lưu động, anh Thừa đã mời chúng tôi vào tiệm trò chuyện.

Thế nhưng, khi vừa đặt ly nước mời chúng tôi, anh lại nhận được một cuộc điện thoại của khách hàng gọi nhờ vá vỏ ô tô bị thủng cách tiệm chừng 5km. Tiện thể, chúng tôi đề nghị được theo chân anh. Chỉ khoảng hơn 10 phút sau chúng tôi đã đến địa điểm khách hàng gọi. Tranh thủ lấy đồ nghề từ trên xe xuống, anh Thừa tâm sự, trước đây từng là một tài xế xe tải, mỗi khi bị thủng vỏ, anh phải tháo ra rồi lăn đến tiệm vá xe. Đó là lý do anh chuyển sang nghề vá xe lưu động và được các đồng nghiệp cũ gọi là “chàng cứu tinh xa lộ”.

Nói đoạn, anh dùng cục đội đẩy nhíp của chiếc xe tải lên, rồi hì hục lấy đồ nghề tháo từng chiếc tắc-kê ra, tháo rời bánh xe sang một bên và lôi mạnh ruột xe ra để vá. Anh Thừa nói: “Công đoạn vá chẳng có gì phức tạp, chỉ có điều thao tác tháo từng bộ phận lại vất vả và nguy hiểm”. Rồi anh kể chuyện bác Hai (tên anh thường gọi một người vá xe lưu động tại huyện Cẩm Mỹ), trong lúc đang đẩy tắc-kê ra đã bị nó bắn vào người và mất mạng.

Anh Nguyễn Hữu Minh (tài xế xe tải bị nổ vỏ) cũng kể chuyện ông chủ một tiệm vá xe ở huyện Long Thành, cách nay 2 tháng, khi đã vá vỏ xong, trong lúc bơm hơi, do chiếc kiềng giữ vỏ quá cũ nên bất ngờ bị gãy, bắn ra và cắt mất đôi chân của ông. “Nhưng không có dịch vụ vá xe lưu động hoạt động 24/24 giờ thì tài xế chúng tôi cũng khổ sở lắm, nhất là lúc bị nổ vỏ giữa đường vào ban đêm” - anh Minh tâm sự.

* Hành nghề phải có cái tâm

Ngoài việc chạy xe ôm, ông Trần Xuân Luận (ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) còn kiêm thêm dịch vụ vá xe lưu động. Ông Luận cho hay, làm nghề vá xe lưu động phải có mặt nhanh chóng, kịp thời mọi nơi mọi lúc, nếu không rất dễ mất khách.

Tiếp chuyện với chúng tôi bên trong chiếc bạt được căng tạm bợ ven đường, ông Luận kể, có đêm, vừa chạy về đến nhà, chuẩn bị đi tắm rửa để ngủ thì có khách lại gọi ra vá xe. Dù giữa đêm và mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc, nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời vá xe giúp khách hàng. Có trường hợp người đi đường chẳng may dính bẫy của bọn “đinh tặc” mà trong túi không có sẵn tiền, ông sẵn sàng vá xe giúp họ mà chẳng lấy tiền công. “Công việc vá xe vừa mang lại cho tôi thêm phần thu nhập, vừa giúp đỡ được nhiều người đi đường lỡ bị xui rủi thủng bánh xe” - ông Luận giãi bày.

Hiện nay, bọn “đinh tặc” hoạt động mạnh trên các tuyến đường để thu lợi bất chính, nên nhiều người hành nghề chân chính bị “vơ đũa cả nắm” là không thể tránh khỏi.

Ông Lê Lương Đống đang vá xe cho khách.
Anh Đoàn Văn Thừa cặm cụi vá vỏ xe tải bị thủng bánh.

Thợ vá xe lưu động Trần Sỹ Quang (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) kể, một lần chạy đến khu vực cầu Đồng Nai tìm khách, ông được một người đi đường nhờ vá xe. Khi vừa cạy vỏ ra, ông phát hiện chân van bị gãy. Chưa kịp mở lời, ông đã bị người khách sừng sộ mắng: “Ông cố tình làm gãy chân van để buộc tôi thay ruột mới hả?”. Thế là, anh ta bắt ông đền ruột xe khác cho mình. Trong giọng nói pha lẫn sự tức giận, ông Quang kể: “Cuối cùng, tôi mạo hiểm đưa ra giải pháp với khách: khi bơm lên thấy có thêm lỗ thủng khác ngoài chân van bị gãy thì đúng là tôi cố tình làm gãy chân van, còn không thì tôi bị oan. Sau đó, tôi vá tạm đoạn chân van bị rách, rồi bơm hơi vào để kiểm chứng và không phát hiện thêm lỗ thủng khác. Lúc này, người khách không nói gì”. Nói rồi, ông Quang thở một hơi thật dài như vừa trút được một sự tức giận và những buồn phiền trong quá trình mưu sinh vất vả.

 Anh Nguyễn Hoàng, chủ tiệm vá xe Nguyễn Hoàng (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết, dù có rất nhiều tiệm vá xe lưu động, nhưng không phải ai cũng có cái tâm nghề nghiệp. Bởi có nhiều người, vì thấy khách hàng “sa cơ lỡ bước” nên cứ tha hồ chặt chém, chứ đúng giá hiện nay thì vá vỏ ô tô lưu động chỉ 250 ngàn đồng/lỗ. Đó là chưa kể tới việc có nhiều đối tượng “đinh tặc” chuyên làm hại người đi đường để hưởng lợi. “Hành nghề phải có cái tâm mới vững bền được” - anh Hoàng thổ lộ.

Đã mở dịch vụ được gần chục năm, nhưng tiệm của anh Hoàng luôn được xếp vào danh sách có uy tín nhất trong khu vực. Nhờ đó, tiệm anh ít khi nào vắng khách. Vì quá bận rộn nên đang làm việc, chốc chốc anh mới ngẩng mặt lên để tiếp chuyện với chúng tôi được.

Trời bắt đầu nhá nhem tối, nhưng trước cửa tiệm của anh Hoàng còn đến 4 chiếc ô tô đang chờ vá vỏ. Tài xế quen thì cứ để xe đó rồi về nhà ăn tối, hẹn sáng mai tới lấy, cũng có người ngồi chờ vá và tranh thủ “tán dóc” với anh cho đỡ buồn. Những giọt mồ hôi thi nhau chảy dài trên khuôn mặt dính đầy bụi bẩn, nhưng anh Hoàng và các học trò vẫn say sưa với công việc. Công việc dẫu vất vả, nhưng điều khiến những người vá xe lưu động, như: anh Hoàng, anh Thừa, ông Đống… tự hào về nghề của mình là họ đã giúp được nhiều người và trở thành “cứu tinh xa lộ” .

Tố Tâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều