Báo Đồng Nai điện tử
En

Về xứ bắt vọp

09:05, 28/05/2013

Ở các bãi sông nước lợ, vọp thường tụ lại từng đàn, nằm vùi dưới lớp bùn, cát ở đáy sông, chỉ nhô lên trên một phần nhỏ. Vỏ cứng, dày, thịt dai và đầy đặn, vọp là món đặc sản ở vùng sông nước Nhơn Trạch (ở các xã: Vĩnh Thanh, Phước An, Phước Khánh…).

Ở các bãi sông nước lợ, vọp thường tụ lại từng đàn, nằm vùi dưới lớp bùn, cát ở đáy sông, chỉ nhô lên trên một phần nhỏ. Vỏ cứng, dày, thịt dai và đầy đặn, vọp là món đặc sản ở vùng sông nước Nhơn Trạch (ở các xã: Vĩnh Thanh, Phước An, Phước Khánh…).

Vào mùa hè, khi nước ở cửa sông có nồng độ mặn cao là thời điểm lý tưởng để người dân Nhơn Trạch rủ nhau đi bắt vọp.

* Những lần đi may rủi

Khoảng 5 giờ sáng, khi thủy triều hạ dần, để lộ những đoạn sông nước xâm xấp ngang nửa người là thời điểm thích hợp nhất để mò vọp. Sau khi chuẩn bị những vật dụng cần thiết, chúng tôi hào hứng cùng anh Huỳnh Văn Diễn (35 tuổi, ngụ ấp Ông Kèo, xã Vĩnh Thanh) bắt đầu cuộc đi “săn” vọp.

Ngụp lặn trong nước để bắt vọp là công việc mưu sinh của rất nhiều người vùng sông nước Nhơn Trạch.
Ngụp lặn trong nước để bắt vọp là công việc mưu sinh của rất nhiều người vùng sông nước Nhơn Trạch.

Đến đoạn cầu Đúc (đường dẫn vào Khu du lịch Bò Cạp Vàng, xã Vĩnh Thanh), chúng tôi thấy đã có 2-3 người đứng chờ. Mỗi người mang theo 1 chiếc xô lớn (hoặc bao lưới), 1 hộp cơm và 1 bình nước uống. Tất cả “đồ nghề” bắt vọp chỉ bấy nhiêu đó, đơn giản và dùng sức người là chủ yếu. Phải mất hơn nửa giờ lội sình lầy ngập đến gối, lần theo các con rạch nhỏ, vượt qua những cánh rừng mắm, đước để đến bãi sông, cuối cùng trước mắt chúng tôi là một bãi bồi rộng mênh mông. Sau vài phút chần chừ, trông theo con nước, chúng tôi lầm lũi bước thêm khoảng 5m để thăm dò nơi trú ẩn của vọp.

“Người lành nghề, quen với công việc này mới có cách phân biệt được bọt con vọp khác với tôm, còng nhả ra như thế nào. Thường bọt của vọp nổi lên mặt nước lâu hơn và chỉ quanh quẩn một chỗ, ít khi chạy từ chỗ này sang điểm kia. Có điểm, vọp nằm dọc theo các mé sông, nhưng cũng có nơi nằm lọt thỏm giữa một vùng quanh năm ngập nước. Nơi nào cũng đều lý tưởng cho chúng trú ngụ và sinh sản” - anh Diễn kể.

Nói xong, anh Diễn ngụp mình xuống nước, hai tay quờ quạng trong lớp bùn sâu. Cứ thế, phải mất 2-3 lần mò mẫm, anh mới thu được “chiến lợi phẩm” là gần 5 con vọp to bằng ¼ bàn tay. Ném chúng vào trong thùng nhựa, anh Diễn quay sang phía chúng tôi cười, nói phấn khởi: “Làm công việc này đòi hỏi phải nhanh và khéo. Có người thích mò bằng chân, nhưng tôi túm vọp bằng tay nhanh hơn, dù bắt bằng cách này đôi khi phải ngụm vài hớp nước. Năm nay, do độ mặn nước biển chậm tăng cao nên vọp không ngon, sản lượng xem ra cũng ít hơn năm trước”.

Theo anh Chín Quân (29 tuổi), một thanh niên bắt vọp có tiếng ở cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch), công việc này đầy sự may rủi. Cùng cách thức bắt, trên cùng một dòng kênh, nhưng ăn thua là ở chính kinh nghiệm của người làm nghề trong việc nhìn thời tiết, nhìn thủy triều... mà đón luồng vọp ẩn nấp. Vậy nên, kết thúc một ngày hì hục lặn mò dưới nước, có người trúng lớn, nhưng cũng có người ra về gần như tay không.

“Vọp sống nhiều nhất theo những dòng kênh quanh năm bồi lắng phù sa. Ngày xưa, do có ít người bắt nên vào mùa nước cạn, dòng sông để lộ ra cả một bãi vọp nằm, con nào con nấy chắc mẩy, to gần bằng nửa bàn tay người. Buổi sáng, chỉ vài tiếng đồng hồ, người nào khỏe, nhanh nhẹn cũng bắt cả 20-30kg. Bây giờ, mỗi ngày kiếm chục ký vọp là ngon ăn lắm rồi” - anh Chín Quân cho biết.

* Đặc sản vùng nước lợ

Đến trưa, khi con nước bắt đầu lên cao, những người đi mò vọp lần lượt đem chiến lợi phẩm bán cho những mối mua dọc hai bên đường. Cơm nước xong, họ nghỉ ngơi tạm bợ dưới những tán cây dừa nước ven chân cầu, rồi lại chờ con nước hạ sau đó vài giờ để tiếp tục mò vọp. Những người làm nghề cho biết, công việc này cần phải có sức khỏe dẻo dai, đôi tay rắn rỏi và đôi chân chắc mới có thể ngâm mình vài giờ trong làn nước lạnh. Làm lâu, tay chân ai cũng chai sạn, nhiều vết trầy xước do vỏ vọp cứa vào.

Anh Nguyễn Văn Nhật (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh), cho biết gần 10 năm qua cứ đến mùa, anh cùng với mấy người bạn trong xóm cùng lặn hụp dưới bùn, nước để bắt từng con vọp một. Nhằm lúc vọp tập hợp thành từng đám, mỗi người có thể thu về 10-12kg/ngày, bán được gần 200 ngàn đồng. Anh Nhật trần tình: “Mùa nước rút, vọp nhiều vô số. Nhờ nghề này mà tôi đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”.

Một sạp bán vọp ven đường ở ấp Bến Ngự, xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch).
Một sạp bán vọp ven đường ở ấp Bến Ngự, xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch).

Là vùng “giáp nước”, nên những dòng kênh ở đây luôn chứa đựng một lượng lớn sinh vật phù du nước ngọt lẫn nước mặn. Đây là nguồn thức ăn vô tận, thu hút nhiều chủng loại thủy sản theo dòng nước ngọt xuống, dưới biển lên, trong đó có loài vọp, nên chúng được coi như đặc sản của vùng nước lợ Nhơn Trạch, được nhiều người thích thú.

Dọc theo con đường ở ấp Bến Ngự (xã Phú Đông) dẫn ra xã Đại Phước, hướng về bến phà Cát Lái, hay những ngôi chợ gần mé sông ở các xã: Đại Phước, Phước An, Vĩnh Thanh…, các sạp bán vọp có nhiều người mua. Nhất là dịp cuối tuần, khách hàng tìm đến mua vọp khá đông, người nào cũng mua cho mình vài ký làm quà. “Vào dịp cuối tuần, vọp bán rất chạy, mỗi ký ở đây giá từ 20-35 ngàn đồng. Con này có nhiều cách chế biến đơn giản nhưng lại ngon, như: luộc gừng, xào hẹ, kho sả, nấu canh chua, làm gỏi với bắp chuối, nướng chấm muối tiêu…” - chị Mai Thu Lan, người bán vọp dọc đường ở xã Phú Đông nói.

Những người chuyên đi mò vọp cho biết vọp chắc, sinh sản nhiều vào mùa hè. Muốn bắt được vọp cũng không phải đơn giản, người có kinh nghiệm đi bắt cho dù nước còn xâm xấp chưa cạn hết, họ vẫn tìm được vị trí vọp nhờ nhìn bọt sủi trên mặt nước.

Rửa sạch đất rồi đổ vọp vào túi ny-lông cho một người khách ở TP.Hồ Chí Minh, chị Lan tiếp lời: “Chế biến cầu kỳ một chút là vọp nướng. Cho từng con lên vỉ than hồng, khi vọp nóng há miệng ra, bỏ một chút muối tiêu vào, chờ cho vọp chín vàng là ăn được. Nhưng ăn vọp đơn giản nhất là món luộc. Vọp rửa sạch, cho vào nồi, đổ ít nước và bỏ củ gừng giã dập vào. Đun sôi, vọp vừa hé miệng thì nhấc xuống (để lâu trên bếp thịt vọp sẽ teo lại). Gỡ thịt từng con vọp còn nóng hôi hổi, chấm muối tiêu chanh ăn để cảm nhận vị ngon ngọt… hết ý”.

Vọp có quanh năm, nhưng theo đúng “lý thuyết” của người miền kênh rạch Nhơn Trạch thì mùa hè mới là thời điểm lý tưởng để người dân rủ nhau đi bắt vọp. Chúng sống trong môi trường tự nhiên nên thịt ngọt, săn và đượm mùi bùn đất quê hương khiến không ít thực khách nao lòng. Vì vậy, vọp đang là một trong những món ăn hấp dẫn số một tại các nhà hàng.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều