Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam (Bài 2)

10:12, 17/12/2012

Với chiến dịch Linebacker II, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức ra lệnh sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô lớn hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc. Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ) chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B.52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa hơn 4 ngàn máy bay Mỹ và quân dân thủ đô Hà Nội bắt đầu.

Bài 2: Cuộc chiến đấu không cân sức

Với chiến dịch Linebacker II, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức ra lệnh sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô lớn hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc. Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ) chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B.52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa hơn 4 ngàn máy bay Mỹ và quân dân thủ đô Hà Nội bắt đầu.

 QUYẾT TÂM ĐÁNH MỸ

Để đối phó với mưu đồ của Mỹ, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lường trước được sự tấn công bằng không lực của Mỹ trên bầu trời Hà Nội từ những năm 1964. Đầu xuân 1968, Bác Hồ triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PKKQ đến báo cáo tình hình. Tại đây, Bác dự báo rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị...  Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Ga Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá.
Ga Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá.

Ngày 24-11-1972, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã phê chuẩn kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ và chỉ thị: “Quân chủng PKKQ phải hoàn thành công tác chuẩn bị trước ngày 3-12-1972… Trước ngày Nixon nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, phải nắm chắc địch, tuyệt đối không để bị bất ngờ..., tập trung mọi khả năng để tiêu diệt B.52”.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PKKQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B.52. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội, quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PKKQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu của chúng”.

ĐÓN MÁY BAY MỸ TRONG NIỀM TIN THẮNG LỢI

Mặc dù đã chuẩn bị tất cả những phương án chiến đấu, song bom Mỹ thả xuống phố trong lòng Hà Nội quá khủng khiếp, trong đó phố Khâm Thiên, cầu Long Biên, Cửa Nam là những địa điểm Mỹ trút bom nhiều nhất. Những người lính canh bầu trời Hà Nội đón máy bay Mỹ trong niềm tin: “Sẵn sàng nhả đạn, Hà Nội chiến đấu đến cùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.[links(right)]

18 giờ 50 ngày 18-12-1972, toàn Quân chủng PKKQ chuyển trạng thái chiến đấu vào cấp 1. 19 giờ 15, Chỉ huy Trung đoàn 291 báo cáo về Sở chỉ huy: “B.52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 25, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ ở Tam Đảo, Việt Trì. Máy bay F.111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... Từ 19 giờ 20 đến 20 giờ 18, nhiều tốp máy bay B.52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Hầu hết các địa bàn trọng yếu, các mục tiêu quân sự của ta đều bị bom Mỹ ném bom. Cả miền Bắc sôi sục căm thù trong lửa đạn chiến tranh.

Không thể để máy bay Mỹ làm càn, 19 giờ 44, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 257 được phóng lên bầu trời Hà Nội. Ngay sau đó, Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn tên lửa Phòng không 261 phóng 2 quả đạn hạ gục một máy bay B.52. Đây là chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa gần 10km.

Bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội, Mỹ điên cuồng tăng cường sức mạnh quân sự. Trong đêm 18 và rạng sáng 19-12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống Hà Nội, 8 lần chiếc F.111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm thương vong 300 người. Quân và dân ta bắn rơi 6 máy bay, trong đó có 2 máy bay B.52 rơi tại chỗ.

Từ đêm 19 đến 29-12, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác trong toàn miền Bắc bằng máy bay chiến lược B.52, máy bay F.111 “cánh cụp cánh xòe”, máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không hiện đại khác. Trong 12 ngày đêm oanh liệt đó, không có ngày nào quân dân ta không bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ. Ngày 25-12, lấy cớ nghỉ lễ Noel, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần và tìm thủ đoạn đánh phá mới.

Cao điểm nhất là ngày 26-12, lúc 22 giờ 5, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và tập trung vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực: Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Trận chiến đấu đêm 26-12 diễn ra trong hơn một giờ, ta đã bắn rơi 8 máy bay B.52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Chiến thắng này đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà Trắng và giặc lái Mỹ.

Đến đêm 29-12, máy bay B.52 của Mỹ chỉ dám đánh vào khu gang thép Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú), mà không dám tập trung lực lượng ở tọa độ lửa Hà Nội nữa.

CUỘC TẬP KÍCH THẤT BẠI HOÀN TOÀN

Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 7 giờ ngày 30-12, Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến 29-12-1972, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F.105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. Trong hồi ký của mình, có đoạn Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”.

Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu thêm tổn thất về người lái. Để đào tạo được 1 phi công, đặc biệt là phi công chiến lược B.52, phi công F.111 phải tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công (bị chết và bị bắt). Đây đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công có hơn 6 ngàn giờ bay.

Thông thường, trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công khoảng 1-2%. Vậy mà, trong cuộc tập kích không quân chiến lược cuối tháng 12-1972 ở Hà Nội, tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B.52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc), thực sự là sự tổn thất khủng khiếp.

Mai Thắng

 

 

Tin xem nhiều