Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép ở Định Quán

08:12, 13/12/2012

Định Quán đang là “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép. Vì lợi nhuận của việc khai thác cát trộm đem lại rất lớn nên các đối tượng “cát tặc” ngày càng lộng hành, công khai bơm hút, quần nát những dòng sông chảy qua địa bàn huyện.

Định Quán đang là “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép. Vì lợi nhuận của việc khai thác cát trộm đem lại rất lớn nên các đối tượng “cát tặc” ngày càng lộng hành, công khai bơm hút, quần nát những dòng sông chảy qua địa bàn huyện.

Dù bị cơ quan chức năng tăng cường xử phạt nhưng xem ra mức phạt chưa đủ nặng để khiến những kẻ trộm cát sợ. Hiện hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Định Quán diễn ra khá nhộn nhịp mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

* Rầm rập đêm ngày

Ngày 25-11, ven theo con đường liên xã, từ thị trấn Định Quán vào xã Thanh Sơn, qua khỏi bến phà, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng khai thác cát diễn ra rầm rập, công khai. Đoạn sông chảy qua đây “ăn” sát vào hai bên bờ đất, bên này là xã Thanh Sơn, phía đối diện thuộc xã Ngọc Định. Điểm khai thác cũng như nơi tập kết các ghe hút trộm cát thuộc bãi đất (bị sạt lở do khai thác) của xã Ngọc Định. Từng nhiều lần bị Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Định Quán xử phạt, nhưng nguồn lợi thu được từ việc trộm cát ở đây rất lớn nên bọn “cát tặc” vẫn hoạt động.

Khai thác cát công khai trên sông La Ngà.
Khai thác cát công khai trên sông La Ngà.

Được trang bị những chiếc ống hút có đường kính khoảng 15cm, dài 20-30m, các ghe hút trộm cát quần thảo, cày nát dòng sông, tạo ra những lỗ xoáy sâu thăm thẳm. Dưới lòng sông, tiếng máy nổ hút cát vẫn diễn ra đêm ngày. Khi phát hiện người lạ hay nghi ngờ cơ quan chức năng, các đối tượng khai thác trộm cát luôn bố trí người theo dõi nhất cử, nhất động để đối phó. Nếu là người đi phà bình thường, họ chỉ ngẩng mặt lên thăm dò đầy khả nghi, thấy không có vấn đề gì lại tập trung hút cát. Đến khoảng hơn 5-6 giờ chiều, hầu hết các ghe đã “ăn no” cát, bắt đầu nhổ neo và xuôi theo con nước đi về phía xã Ngọc Định. Một số vẫn cố nán lại “ăn” tiếp cho đủ hàng. Cứ như thế, cát từ đáy sông được đổ trực tiếp vào ghe, vừa để tận thu cát, lại vừa dễ dàng và nhanh chóng rút lui, cũng như chạy trốn nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Đi về phía ấp 10, xã Thanh Sơn, chúng tôi được người dân chỉ nơi “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát, vốn diễn ra ồ ạt từ lâu. Vì nằm khuất sau những đồi ngô, thưa nhà dân, lại ít có lực lượng chức năng nào thăm hỏi nên sự xuất hiện của chúng tôi không khiến các đối tượng “cát tặc” quan tâm. Tiếp cận những chiếc ghe đang luồn “vòi rồng” xuống lòng sông hút cát, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, dọc theo cả một khúc sông dài, có nhiều ghe lớn, nhỏ với đầy đủ các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác trộm cát.

Đúng vào lúc rạng sáng, mấy chiếc ghe cỡ lớn tiến vào vùng khai thác để chuẩn bị “ăn hàng”. Khi những chiếc ống đồng loạt thúc vào hai bên bờ sông, từng khối đất lở ầm ầm rơi xuống sông. Tại khúc sông này, mỗi ngày còn có vài ba ghe nhỏ cũng tham gia, làm cho đoạn sông càng tăng phần sôi động. Chiếc nào đầy cát là "cát tặc" nổ máy đi ngay, hoặc bấm điện thoại gọi í ới thông tin cho chủ tàu.

* Ngang nhiên khai thác

Ngoài 2 điểm khai thác cát ở xã Thanh Sơn và Ngọc Định, tại huyện Định Quán còn nhiều “điểm nóng” khác, như: ấp 10, Trạm Thủy văn (xã Gia Canh), thác Ba Giọt (xã Phú Hòa), xã La Ngà. Những điểm này được tổ chức khai thác một cách công khai. Chiều một ngày cuối tháng 11, trời chưa dứt nắng, mặt đường vẫn nóng hầm hập, lần lượt từng xe tải ben vào bãi cát ở khu vực Trạm Thủy văn “ăn hàng”. Vượt qua những cánh đồng mía rộng hàng chục hécta, phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể đến được quãng sông nơi khai thác chính của các đối tượng trộm cát.

Ống hút cát vương vãi, những bãi cát lồ lộ cao bằng mái nhà.
Ống hút cát vương vãi, những bãi cát lồ lộ cao bằng mái nhà.

Tại đây, đúng như người dân phản ánh, tình trạng khai thác cát dưới lòng sông gần như hoạt động một cách công khai. Hàng loạt bến cát tạm bợ được lập trái phép, chạy dọc theo bờ sông. Tại những bến cát này, không khó để ghi lại cảnh tượng tiếng máy bơm, máy hút cát, tiếng xe tải ben gầm rú trườn lên từ dưới bến sông. Ở đây, không chỉ có một vị trí khai thác, mà có đến 4-5 chỗ. Chúng được chia theo từng lô khác nhau và do từng chủ quản lý, khai thác. Trong đó, nhiều nhất vẫn thuộc về đơn vị C., với 3 điểm, mỗi nơi đều bố trí vài ba ghe hút loại lớn, máy xúc hàng chục tấn và gần 10 con người đang ngày đêm khai thác cật lực. Với lực lượng hùng hậu như thế, mỗi ngày đơn vị này có thể bơm hút cả trăm khối cát. Từ cát đen đến cát vàng (loại cát chất lượng tốt được nhiều chủ xây dựng ưa chuộng), tất cả đều được tận dụng triệt để.

Ở vị trí ấp 10, xã Gia Canh, chiều 26-11, chúng tôi ghi nhận hai chiếc ghe đang ầm ầm hút cát. Từ trên ghe, 2 ống hút được chọc thẳng xuống dòng sông, moi từng khối cát đen đưa lên bờ. Điểm đặc biệt ở đây, cát không cần phải vận chuyển đi nơi khác, mà được phơi trên bãi đất trống, chờ ráo nước rồi dùng máy xúc đưa lên xe tải ben. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, một chiếc ghe loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên 100-200m3 cát. Anh T., người trực tiếp đứng máy ở đây cho biết: “Tôi chỉ là người làm thuê. Cát được hút lên để đó, chủ sẽ cho xe đến chở đi sau. Nhưng đi đâu thì tôi không biết được”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hồng Phúc, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Định Quán cho biết: “Tất cả các điểm khai thác cát trên sông thuộc địa bàn huyện đều làm “lậu”, khai thác không phép; ngoại trừ 3 điểm trên sông La Ngà, giáp với huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) của đơn vị Thành Công được cấp phép, nhưng đã hết hạn. Chúng tôi đã thường xuyên tăng cường các biện pháp ngăn chặn, truy quét, nhưng do thiếu phương tiện, con người… nên các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng kiểm tra”.

Tại bìa sông (giáp với bến phà đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận), những ống hút cát dài vài chục mét nối từ đáy sông lên bãi để vương vãi. Dù lúc này ghe máy không còn “móc” cát, nhưng những đống cát khô cao bằng mái nhà lồ lộ. Xung quanh nhiều lán, nhà lá dành cho những người làm thuê nằm san sát nhau. Theo chúng tôi được biết, ngoài đơn vị khai thác cát C. (đã hết phép khai thác từ cuối tháng 10-2012), còn có các cơ sở mua bán vật liệu xây dựng, nhiều đầu nậu cát tự do hoạt động.

 Ngoài ra, khu vực thác Ba Giọt (xã Phú Hòa), bãi cát gần bờ sông La Ngà (xã La Ngà), là những địa điểm lý tưởng cho “cát tặc” lộng hành mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Phải chăng “cát tặc” có sự nương tay của chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành chưa siết chặt quản lý?

Võ Nguyên

 

Tin xem nhiều