Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Trẻ em nghiện ma túy, trách ai?

09:06, 18/06/2012

Trước tác động của cuộc sống và sự thiếu quan tâm của gia đình, nhiều trẻ sớm vướng vào ma túy và trở thành tội phạm… Ngăn ngừa trẻ nghiện ma túy, hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này là vấn đề đặt ra không chỉ cho mỗi gia đình có trẻ nghiện, mà cho cả cộng đồng và những người có trách nhiệm.

 

Trước tác động của cuộc sống và sự thiếu quan tâm của gia đình, nhiều trẻ sớm vướng vào ma túy và trở thành tội phạm… Ngăn ngừa trẻ nghiện ma túy, hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này là vấn đề đặt ra không chỉ cho mỗi gia đình có trẻ nghiện, mà cho cả cộng đồng và những người có trách nhiệm.

Bà T.H. (ngụ ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), một người mẹ có con nghiện ma túy và đã nhiễm HIV đau đớn thừa nhận: “Con vướng vào nghiện ngập, lỗi chính là do cha mẹ. Tôi đã phạm sai lầm khi nghĩ, cứ đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con là đủ, mà thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ và giám sát con…”.

* Trẻ nghiện ma túy: thực trạng buồn

Giờ đây, khi đứa con trai duy nhất (16 tuổi) đã vướng vào bệnh AIDS, bà H. đã vứt bỏ hết mọi công việc kinh doanh để đưa con về quê sống những ngày còn lại. Bà H. nói trong nước mắt: “Giờ đây, tôi làm giàu bao nhiêu cũng xem như thất bại, vì không thể giành lại được đứa con của mình từ ma túy, từ HIV/AIDS…”.

Học viên Trường giáo dưỡng Số 3 nói lên ước mơ của mình về một cuộc sống không có ma túy và tệ nạn xã hội.                                            Ảnh: V. LINH
Học viên Trường giáo dưỡng Số 3 nói lên ước mơ của mình về một cuộc sống không có ma túy và tệ nạn xã hội. Ảnh: V. LINH

Câu chuyện của bà H. không phải trường hợp cá biệt. Đã có nhiều bậc cha mẹ vô cùng đau khổ khi biết con mình sa vào con đường nghiện ngập, bị nhiễm HIV, trở thành tội phạm… Con đường mà họ không ngờ là nó quá ngắn, khi con cái thoát khỏi sự quan tâm, giáo dục của gia đình.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 900 đối tượng nghiện ma túy, trong đó có khoảng 30% ở độ tuổi thanh thiếu niên. Còn theo đánh giá của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh, số trẻ nghiện ma túy vẫn gia tăng hàng năm và độ tuổi đang ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động của ma túy nhất, bởi suy nghĩ còn nông cạn và thường hành động theo cảm tính. Vì thế, không khó để tìm nguyên nhân của tình trạng ngày càng nhiều trẻ em bị vướng vào con đường nghiện chích ma túy.

Theo khảo sát của Sở Lao động - thương binh và xã hội, có 4 nguyên nhân dẫn trẻ đến với ma túy, gồm: hoàn cảnh gia đình của trẻ; sự tác động của môi trường xung quanh; sự tác động từ bạn bè và nguyên nhân do các em thích thể hiện sự “sành điệu”, “trải đời” của mình trước mặt bạn bè…

Theo đó, những trẻ sống trong gia đình có quan hệ phức tạp, như: cha mẹ ly thân, ly hôn; trẻ bị gia đình bạo hành; gia đình có thành viên vướng vào tệ nạn xã hội hay tiêm chích ma túy; gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, nuông chiều con quá mức..., thường có xu hướng nghiện ma túy cao hơn trẻ em trong những gia đình bình thường.

Những tác động của môi trường xung quanh, như: phim ảnh, sách báo, game online, các trang mạng trên internet với nội dung xấu đang tràn lan, còn  sân chơi lành mạnh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các em…, dẫn đến tình trạng các em ít được tiếp cận với môi trường giao tiếp lành mạnh.

Độ tuổi trẻ em thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi giao tiếp bạn bè. Việc tiếp xúc với nhóm bạn xấu, các trẻ sẽ bắt chước những hành vi xấu. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn trẻ em nghiện ma túy có nhóm bạn cũng bị nghiện, hoặc người có tiền án, tiền sự và người có những thói xấu khác. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là tình trạng trẻ nghiện ma túy do bản thân các em muốn được nếm trải cảm giác mạnh, thích được thể hiện sự “sành điệu”, “trải đời” của mình trước mặt bạn bè…

Theo đánh giá của PC47, nếu trước kia đối tượng trẻ em sử dụng ma túy chỉ tập trung những gia đình có kinh tế khá giả, cha mẹ lo làm ăn, thiếu sự quản lý và chủ yếu ở đô thị thì nay, ma túy xâm nhập vào cả những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, có đến 80% đối tượng mua bán ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên; đối tượng nghiện cũng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Trước đây, phần lớn trẻ ở độ tuổi 16-18, nay đã thấp hơn với 12-15 tuổi, có những trẻ mới 11-12 tuổi đã sử dụng ma túy, tham gia vận chuyển và bán ma túy lẻ.

* Những hệ lụy về thể chất và trí tuệ

Ma túy để lại nhiều tác hại đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em – với cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng kém, thì những tác hại của “cái chết trắng” là rất lớn đối với thể chất, trí tuệ, tinh thần. Không ít em trở nên tàn tạ thân xác chỉ sau một thời gian nghiện ma túy và cuối cùng là đi đến “án tử” HIV/AIDS.

Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh (Sở Y tế), có đến 80% số trẻ nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh bị nhiễm HIV từ việc dùng chung kim tiêm với người có HIV, quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng nhiễm HIV, xăm mình… Trong đó, khoảng 30% trẻ nghiện ma túy có quan hệ tình dục sớm (ở độ tuổi trên dưới 13). Phần lớn những trẻ nghiện ma túy có quan hệ tình dục sớm này đều không biết hoặc không sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc bạn cùng nhóm tiêm chích ma túy có HIV.

Ngoài ra, ở những thời điểm nhạy cảm như thiếu thuốc hoặc phê thuốc, các em dễ bị người lớn xâm hại thân thể hoặc lạm dụng tình dục, gây thương tích nặng nề. Mới đây, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cấp cứu một em gái 16 tuổi bị hiếp dâm tập thể trong lúc phê thuốc. Với những tổn thương vùng kín nặng nề, trong đó có tổn thương làm thủng tử cung, gây xuất huyết ồ ạt, em gái này đã bị cắt bỏ tử cung, sẽ vĩnh viễn không được làm mẹ.

Nghiện ma túy còn là nguyên nhân tạo ra trạng thái rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi và hành động thường mang tính bộc phát. PC47 cho biết, đã có rất nhiều vụ phạm pháp hình sự do đối tượng trẻ nghiện ma túy gây ra. Trong đó, có những vụ án mang tính chất nghiêm trọng, như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… và phần nhiều xảy ra ở đối tượng vã thuốc, cần tiền mua ma túy. Những hành động này bộc phát, bởi phần lớn trẻ nghiện ma túy có tâm lý bất ổn, dễ bị kích động, hành động thường thiếu suy nghĩ và mang tính chất côn đồ… Vì thế, trẻ nghiện ma túy chính là nguồn bổ sung tội phạm án hình sự.

Trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 3 ngàn vụ vi phạm pháp luật với hơn 4 ngàn lượt đối tượng là trẻ chưa thành niên tham gia. Trong đó, có đến phân nửa số vụ việc mà đối tượng gây án là trẻ nghiện ma túy.

Vĩnh Linh

 

 

 

Tin xem nhiều