Nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều bà con nông dân đã lần lượt bỏ đất, phá vườn để chuyển sang kinh doanh nhà trọ. Có người tìm việc làm ở các khu công nghiệp nhưng vẫn có người quay về với ruộng vườn, mướn đất trồng rau. Làm nông giữa thời buổi công nghiệp thật lắm gian truân. Vì vậy, để có thể gắn bó với cây rau, những người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều bà con nông dân đã lần lượt bỏ đất, phá vườn để chuyển sang kinh doanh nhà trọ. Có người tìm việc làm ở các khu công nghiệp nhưng vẫn có người quay về với ruộng vườn, mướn đất trồng rau. Làm nông giữa thời buổi công nghiệp thật lắm gian truân. Vì vậy, để có thể gắn bó với cây rau, những người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn.
* Quay về với ruộng vườn
So với chăn nuôi, trồng rau không cần nhiều vốn, ít gặp rủi ro và cho thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân. Từ những mảnh đất bỏ hoang được phân lô chờ ngày bán, qua bàn tay chai sần, sức lao động bền bỉ của người nông dân, giờ đã có màu xanh của các loại rau củ.
Trồng rau đem lại thu nhập cao hơn trồng lúa. |
Tham quan vườn rau rộng gần 5 sào của anh Trần Văn Quang ở xã Long Đức (huyện Long Thành), mới thấy đất không phụ lòng người. Những khoảnh đất gieo khổ qua, dưa leo, rau bí… xanh mướt được gia đình anh Quang chăm bón kỹ lưỡng chỉ chờ ngày thu hoạch. Tài sản của anh là mảnh vườn gần 2 sào được bố mẹ để lại. Gia đình anh Quang là người Bắc, vào đây từ những năm 1980, nhờ vậy mà ruộng vườn mênh mông. Tuy nhiên, “cơn bão” đô thị hóa ập đến, đất đai bỗng có giá, nên anh em trong nhà anh Quang người bán, người để lại chờ cơ hội. Vốn sinh ra đã gắn chặt với đồng ruộng, khi nhìn đất bỏ hoang anh tiếc. Không biết nên bắt đầu từ đâu, làm gì để có hiệu quả, cuối cùng anh Quang và vợ quyết định đi lên từ nông nghiệp.
Ban đầu, anh Quang trồng các giống rau, cải đơn giản. Lâu dần, làm ăn thấy có lãi nên anh quyết định trồng thử nghiệm vài giống mới, như: khổ qua, bầu, bí... Càng trồng càng có hiệu quả, anh nghĩ cần mở rộng thêm diện tích. Sau đó, những mảnh đất xung quanh, dù đã cắm cọc gắn chủ nhưng anh Quang vẫn mạnh dạn mướn lại để mở rộng khu vườn. “Đất của anh em bà con mình mượn, còn người lạ thì thuê. Giá cũng hữu nghị, từ 2-3 triệu đồng/2.000m2/năm. Thực ra, thuê đất trồng rau lợi cả đôi đường, người cho thuê đất có thêm thu nhập, còn người đi thuê có một công việc tạm ổn” - anh Quang giải thích.
Cách không xa vườn của anh Quang là đám ruộng trồng rau hơn 3 sào của ông Minh (61 tuổi). Tuy đã lớn tuổi nhưng ông vẫn say mê với đồng ruộng. Đất của ông Minh chỉ có hạn, đủ để xây căn nhà nhỏ, nhưng kế bên đó là khu vườn để hoang của người bà con nhờ giữ hộ. Con cái đã trưởng thành, chỉ có hai ông bà lủi thủi với nhau lắm lúc cũng buồn. Thấy đất để không xót lòng, vợ chồng ông nhanh chóng mướn đất, thuê người cày xới trồng rau. Cây rau gặp đất mới và được chăm sóc bởi bàn tay giàu kinh nghiệm của ông Minh đã phát triển rất tốt.
Còn chị Liễu (quê ở Nam Định) quyết định tha phương vào Đồng Nai thuê nhà trọ đi làm công nhân. Phải chắt chiu, dành dụm mãi chị mới mua được nền đất ở huyện Long Thành, nhưng nhà chưa xây, đất đã nằm trong diện giải tỏa. Tiền đền bù không được bao nhiêu, con cái đang tuổi học nên chẳng mấy chốc mà cạn sạch. Thế là, cả nhà 5 người của chị Liễu quay lại kiếp ở trọ. Đến nay, gia đình chị đã 2 lần thay đổi chỗ ở, không phải vì không hợp đất mà để phát triển nghề trồng rau. Chị kể, đồng lương công nhân bây giờ không ổn định, có biết bao khoản phải lo, từ tiền nhà đến chuyện ăn học của các con, nên không thể dựa hết vào đó được. Vì vậy, chị tận dụng vườn tược bỏ hoang, chẳng có cây gì giá trị để trồng rau. Và cơ duyên chị Liễu gắn bó với rau cải cũng bắt đầu từ đó.
* Khó khăn vô vàn
Tận dụng đất bỏ hoang hay mướn đất trồng rau và chủ yếu mạnh ai nấy làm nên thu nhập của người trồng rau rất bấp bênh. Bởi thế mà cây rau chất chứa biết bao nỗi niềm của người nông dân.
Giống như chị Liễu từng tâm sự: “Mỗi lần chuyển chỗ trọ là mỗi lần phải thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như các giống rau trồng sao cho thích ứng với từng môi trường sống khác nhau”. Thời gian đầu, tuy địa điểm chuyển đi không cách xa nhau là bao, nhưng do đặc thù thổ nhưỡng khác nhau nên chị Liễu gặp không ít khó khăn. Hiện tại, diện tích rau trồng tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) mỗi ngày mang về cho gia đình chị Liễu từ 200-500 ngàn đồng. Rau được thu hoạch luân phiên, loại rau này vừa xong thì lại trồng vào đó loại rau khác, nào là khổ qua, dưa leo, cải xanh, dịp Tết Nguyên đán có thể trồng thêm bông cải.
Vợ con anh Quang thu hoạch khổ qua trong vườn rau của gia đình. |
Với 3,5 sào rau màu, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Quang Thái (khu 12, xã Long Đức, huyện Long Thành) cũng thu về gần 60 triệu đồng, lãi hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, người trồng rau như ông phải đối mặt với rất nhiều khó khăn - nào giá vật tư phân bón tăng cao, rồi đến sản phẩm rau quả phải cạnh tranh về giá với các loại rau từ các tỉnh khác tràn về. Trồng đã khó khăn, đến khi tiêu thụ cũng thật vất vả, không có gì đảm bảo nên rau sạch vẫn phải “bói” chung với các loại rau khác. Ngày nắng như ngày mưa, hôm nào vợ chồng ông cũng phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị rau để đem ra chợ thị trấn Long Thành bán, giá cả bấp bênh, đắt rẻ cũng phải bán cho bằng hết để về. “Hàng ngày, sau khi bỏ mối cho các sạp, vợ tôi vẫn để lại một ít ngồi bán ở góc chợ, kiếm thêm đôi đồng. Sắp tới, chợ được xây mới, chắc chắn sẽ còn nhiều vất vả nữa” - ông Thái buông lời não nề.
Dù diện tích trồng rau không nhỏ, nhưng nhờ biết cách phân phối nên chưa có khi nào rau củ của anh Châu (xã Phước Thái, huyện Long Thành) lo ế. Hàng ngày, gia đình anh cung cấp cho các mối ở chợ huyện trên dưới 1,5 tạ, chưa kể từ 50-60 kg ngọn rau bí cho một mối ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Anh Châu nói, người Sài Gòn rất thích loại khổ qua, ngọn bí của nông dân mình. Nhiều lần, anh muốn mở thêm diện tích nhưng sợ nay mai đất sốt giá, nhiều người sẽ thu hồi. Quả thật, với những nông dân hay thuê, mượn đất trồng rau, điều mà họ lo sợ nhất chính là sự bấp bênh trong vốn đất. Cứ mỗi lần tìm đất mới là mỗi lần họ phải thay đổi cách thức canh tác. Làm nông giữa thời buổi công nghiệp cũng lắm truân chuyên. Vì vậy, để có thể gắn bó với cây rau, bản thân những người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Võ Nguyên