Những tán cây tỏa bóng râm ở Trung tâm Bảo trợ người già, người khuyết tật và tâm thần (ở khu phố 11, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn chưa đủ che dịu đi cái nắng gắt của tiết trời tháng 3. Dọc hành lang của những dãy nhà chăm sóc đặc biệt, nhiều cụ già không ngớt phe phẩy cây quạt giấy để xua đi cái nóng hầm hập ngoài trời đang dội vào.
Những tán cây tỏa bóng râm ở Trung tâm Bảo trợ người già, người khuyết tật và tâm thần (ở khu phố 11, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn chưa đủ che dịu đi cái nắng gắt của tiết trời tháng 3. Dọc hành lang của những dãy nhà chăm sóc đặc biệt, nhiều cụ già không ngớt phe phẩy cây quạt giấy để xua đi cái nóng hầm hập ngoài trời đang dội vào.
* Những mối tình ngây ngô...
Từ Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa chuyển về, Phan Thị Kiều (18 tuổi, bị bệnh tâm thần nhẹ) vẫn sinh hoạt bình thường như bao người đang ở Trung tâm bảo trợ người già, người khuyết tật và tâm thần. Ở được vài tháng, Kiều nảy sinh tình cảm cùng một thanh niên có hoàn cảnh như mình và cả hai quyết định “đào tẩu” khỏi nơi này để sống đời lang bạt. Cuộc trốn chạy thành công, nhưng không lâu sau đó, do không chịu nỗi sự khắc nghiệt của cảnh đời, “bạn đồng hành” của Kiều đành quay về trung tâm và từ bỏ giấc mơ đi… lang thang cùng cô. Vài tháng sau, người ta tìm thấy Kiều sống vất vưởng nơi công viên nên báo trung tâm mang cô về chăm sóc. Cô Hoàng Thị Thảo, Trưởng phòng Chăm sóc đặc biệt của Trung tâm bảo trợ người già, người khuyết tật và tâm thần, cho biết: “Lúc Kiều về chúng tôi lo lắm, sợ em bị kẻ xấu lợi dụng rồi có thai hoặc nhiễm HIV. Bởi vậy, chúng tôi lập tức cho em đi xét nghiệm nhằm có biện pháp phòng tránh kịp thời. May mắn thay, điều lo ngại ấy đã không xảy ra...”.
Những cụ già neo đơn đang nương náu tại Trung tâm Bảo trợ người già, người khuyết tật và người tâm thần. |
6 năm công tác tại đây không phải là dài, nhưng cũng đủ lâu để cô Thảo chứng kiến biết bao tình huống ép le, dở khóc dở cười của “những người lớn mang tâm hồn trẻ nhỏ”. Kể cho chúng tôi nghe về mối tình tay ba không kém phần gay cấn và lãng mạn như chuyện phim, cô Thảo nhẹ giọng: “Tôi đã từng thấy nhiều người phụ nữ ghen tình, nhưng thực sự chưa thấm vào đâu so với kiểu ghen của những người mắc bệnh tâm thần ở đây”.
Đó là cuộc tình tay ba giữa Hà Tiến Dũng cùng hai người phụ nữ ở trung tâm. Lúc mới vào trung tâm, Dũng bướng bỉnh và sống khép kín. Được chị Ổ quan tâm và dành cho mình những tình cảm đặc biệt nên Dũng có vẻ cũng xiêu lòng. Mối quan hệ “chị em” ấy đang tiến triển tốt đẹp thì Trang xuất hiện, khiến Ổ vô cùng tức tối. Thấy Dũng chăm sóc, chiều chuộng Trang, Ổ giận lắm. Dù không nói được, nhưng để “tố cáo tình địch”, Ổ đã dùng chiến thuật dọa nhịn ăn, hoặc tự tử nếu các nhân viên ở đây không ngăn cản “chuyện tình giữa Dũng và Trang”.
Cô Thảo cho hay: “Sự ga lăng của Dũng không khác gì người bình thường. Dù ở cách ly nhưng để chứng tỏ tình cảm của mình, cả hai không ngại ngùng bày tỏ tình cảm khiến chúng tôi bao phen hú vía”. Nói rồi, cô kể cho chúng tôi nghe về những tình huống khó xử mà chỉ có người trong cuộc mới có thể gỡ rối. “Lần đó, Dũng nhặt được chú vịt con, chúng tôi không cho nuôi nên tìm mọi cách xin lại. Dũng quyết không chịu, nhưng sau đó cũng chấp nhận bán lại chú vịt với giá 20 ngàn đồng, với thái độ rất hậm hực. Sau đó, cậu ấy bỏ lên sân phơi quậy phá, ai nói gì cũng mặc kệ. Giận là vậy, nhưng khi Trang xuất hiện với những lời nói nhẹ nhàng, ngay lập tức Dũng bước xuống, nói cười vui vẻ” - cô Thảo kể lại.
* Để cuối đời bớt đơn độc
Không chỉ có những tình yêu son trẻ nảy nở tại nơi tưởng chừng như khô khan về tình cảm, trung tâm còn là nơi để những người già neo đơn tựa vào nhau sống, để tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần vào cuối đời.
Từ ngày cụ Nguyễn Văn Tâm ra đi vĩnh viễn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc (74 tuổi) cứ ngồi thờ thẫn bên dãy nhà dành cho người già neo đơn nom thật buồn bã. Ngày trước, lúc cụ Tâm còn sống, mỗi khi ông mua cho thứ gì, bà luôn mang khoe khắp nơi như đứa trẻ mới được cha mẹ cho quà. Giờ có được thuốc tiên hay bánh vàng bà cũng im lặng chẳng buồn nói năng gì. Có lẽ sự ra đi của cụ Tâm phần nào đó đã cướp mất của bà niềm an ủi, hy vọng vào một người thân duy nhất còn sót lại trên cõi đời.
Chính tại nơi này, nhiều người đã tìm được cho mình nguồn động viên tinh thần để sống tiếp những ngày còn lại. |
Theo lời các nhân viên ở đây, bà Ngọc không lập gia đình, thỉnh thoảng bà có người quen đến thăm và cho ít tiền để dùng khi cần. Ông Tâm thì khác, vốn không thân thích với ai nên từ ngày vào đây cho đến lúc về lòng đất, chỉ có mình bà Ngọc ngó ngàng đến ông. Từ sự chăm sóc, hỏi han, hay khi mua cái bánh, gói xôi cho nhau, dần dần họ tìm thấy những điểm chung và thường tìm đến nhau chia sẻ chuyện vui buồn mỗi ngày. Cô Thảo chia sẻ: “Ngày cụ Tâm mất, theo thông lệ, chúng tôi phải niêm phong tủ và kiểm kê lại vật dụng cá nhân của ông. Nhưng, khi bà Ngọc hỏi xin những món đồ của ông để làm kỷ niệm, chúng tôi đã đồng ý vì không kiềm được lòng”.
Sống tại trung tâm, ai cũng có những hoàn cảnh éo le riêng, nên những người còn tỉnh táo thường tụm lại trò chuyện, để tuổi già bớt cô đơn. Có không ít trường hợp trước đây đối đãi bạc bẽo với vợ con, đến lúc già chẳng biết nương tựa vào ai, phải sống rày đây mai đó và nơi đây là chốn dừng chân cuối đời của họ. Trong căn phòng của những người già, một cụ già nằm bó gối, giọng thều thào: “Nghe tiếng chim cú kêu sợ lắm cô à! Chẳng biết tới lượt ai đây nữa…”. Ở giường cạnh bên, một bà lão nằm úp mặt vào tường hát theo bài hát cải lương trong radio nghe thật não nùng. “Lúc nhắm mắt xuôi tay có ai để tang đâu mà trăn trối chi”, câu nói của một cụ dẫu là bâng quơ nhưng nó cũng phản ánh sự cô đơn đến của những người không nơi nương tựa.
Bên ngoài sân, cạnh những tán cây lớn, những cụ ông đang ngồi chơi cờ và không ngớt miệng tươi cười, dẫu cuộc sống của họ diễn ra trong chuỗi ngày hiu quạnh. Không ít người trong số đó đã tìm được cho mình những người để bầu bạn, để lỡ mai này nằm xuống còn nhớ đến một gương mặt, một cái tên, bởi không ai thân thích đến tiễn đưa...
Tùng Minh