Mùa khô hạn đã vào thời kỳ cao điểm. Vậy mà, đồi 57 (ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) hiện vẫn đậm màu xanh của tiêu, điều, cà phê và rừng trồng. Chỉ tay về hướng khu đồi, trưởng ấp Suối Râm Nguyễn Văn Tiến nói: “Nhờ sự quyết tâm của cấp trên và nhân dân đồi 57 trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc nên nguồn nước ngầm dần hình thành và khu đồi đang hồi sinh”.
Mùa khô hạn đã vào thời kỳ cao điểm. Vậy mà, đồi 57 (ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) hiện vẫn đậm màu xanh của tiêu, điều, cà phê và rừng trồng. Chỉ tay về hướng khu đồi, trưởng ấp Suối Râm Nguyễn Văn Tiến nói: “Nhờ sự quyết tâm của cấp trên và nhân dân đồi 57 trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc nên nguồn nước ngầm dần hình thành và khu đồi đang hồi sinh”.
* Câu chuyện tìm nước
Cách đây vài năm, khi chúng tôi vừa đặt chân trên triền đồi 57, nông dân nơi đây không ngừng phản ảnh: đồi 57 không có đường giao thông; mùa nắng đến người dân phải mua từng can nước về sinh hoạt; nhiều nông dân rơi vào cảnh nghèo và nợ nần do dốc hết tiền bạc vào chuyện đào giếng tìm nước; bao giờ địa phương triển khai dự án di dời dân ra khỏi khu đồi để họ được hưởng điện - đường - trường - trạm…
Nông dân đồi 57 đã khoan giếng sâu trên 120m để tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt cho những hộ lân cận. |
Theo phản ảnh của lãnh đạo địa phương lúc đó, đồi 57 có độ cao khoảng 250m (so với mặt nước biển), rộng hơn 600 hécta, cây trồng chủ lực gồm tiêu, điều và cây màu. Trong vô số khu đồi cao thấp ở đây, khu đồi thuộc tổ dân cư số 5 và số 4 vào mùa khô không có nước sinh hoạt, người dân phải dùng can nhựa, thùng sắt để mua nước từ các hộ dân lân cận hoặc ra bên ngoài khu đồi mua về sinh hoạt với giá cao. Do mùa khô khu vực đồi 57 thiếu nước trầm trọng, nông dân không chuyển đổi được cây trồng vật nuôi nên xã Long Giao đã có kế hoạch di dời các hộ dân vùng thiếu nước ra bên ngoài.
Trong dáng vẻ phờ phạc lúc ấy, nông dân Năm Thơm chỉ vào ngôi nhà tồi tàn và miệng giếng khô khốc trước sân nói: “Bao nhiêu tiền của mang vào đây lập nghiệp tui đều dành trọn cho việc đào giếng tìm nước. Cả 6 cái giếng tui đào trong vườn, cái thì không có nước, cái chỉ đủ dùng vài tháng khi mùa mưa hết. Nhà không có, vườn tược xác xơ nên nghèo là vậy”. Còn nông dân Tư Năng thì cầm vòi nước đục màu đưa vào bể mà chua chát phân trần: “Nước đục như vậy nên cà phê không phát triển nổi. Nước hiếm đến nỗi người không có để tắm giặt, nói gì để cho bò uống vào mùa khô mà nuôi”.
Hôm ấy, chúng tôi được các nông dân đồi 57 nhiệt tình dẫn đi xem hết miệng giếng này đến miệng giếng khác trong vườn. Theo nhẩm tính của nông dân, hộ nghèo nhất cũng cất công, dốc tiền thuê công đào ít nhất 2 miệng giếng. Mỗi miệng giếng sâu 25-30m tiêu tốn gần chục triệu đồng và sau đó phải tốn công lắp giếng. Do bằng mọi giá để tìm nước nơi đồi cằn 57 nên đã có không ít nông dân mê tín mời thầy địa lý về thăm dò mạch, để rồi tiền mất, nước vẫn biệt tăm hơi. “Nước ở dưới lòng đất khan hiếm một lẽ, nông dân tụi tui còn bế tắc trong việc mua nước về sinh hoạt. Bởi đường vào đồi 57 quanh co, nhỏ hẹp, chỉ lưu thông bằng xe máy, xe công nông không vào được”- nông dân Phạm Minh than thở và diễn tả lại cảnh nông dân gánh nước bằng quang gánh, xe máy ngược xuôi chở nước mùa nắng hạn để chúng tôi cảm nhận cái khổ thiếu nước của cư dân đồi 57.
* Màu xanh trở lại
Là người sống lâu năm tại khu đồi, ông Hai Nghĩa nhớ lại, trước kia nơi đây là rừng già, cây cối xanh tốt. Mùa khô, một vài nơi trên đồi vẫn có suối chảy róc rách, đủ cung cấp nước cho một bộ phận nhỏ dân cư vào đây khai hoang lập nghiệp. Từ ngày dân cư đổ xô vào đồi 57 phá rừng làm rẫy, rừng nơi đây mất dần và được thay thế bằng những rẫy bắp, lúa, màu, mì… Rồi theo năm tháng, đồi 57 chuyển thành rẫy vườn, đất đai dần bị xói mòn, kiệt qụy, nguồn nước ngầm dần biến mất. Những nông dân khá giả từ các xã lân cận nhảy vào trồng cà phê, chăn nuôi bò đàn được vài năm thì điêu đứng, vì không có nước tưới, giá cả lại bấp bênh nên chuyển sang trồng điều, màu. “Đồi 57 dần trở thành đồi trọc, đất đai khô cằn. Mùa nắng cây trồng trở nên xơ xác, nông dân phải bỏ đi nơi khác làm thuê kiếm cái ăn. Mùa mưa họ mới quay lại trồng trọt. Hồi đó, nhà nào có con đi làm công nhân thì tự hào vì đã thoát khỏi đồi 57. Bây giờ khác rồi, nhà nào có nhiều đất thì mới ngon”- ông Hai Nghĩa tủm tỉm nói.
Do đồi 57 khan hiếm nước, huyện Cẩm Mỹ và tỉnh đã từng cử đoàn cán bộ địa chất về thăm dò nguồn nước ngầm, nhưng không có kết quả. Tiếp theo đó, phương án đề xuất tích nước trên đồi cũng phá sản, vì tầng đất ở đây quá mềm. Trong sự thất bại của khoa học, người nông dân đồi 57 vẫn kiên nhẫn bám trụ. Nay, họ thật sự vui mừng vì nguồn nước ngầm xuất hiện nhờ chủ trương chuyển đổi cây trồng, phủ xanh đồi trọc đúng hướng của chính quyền địa phương. |
Quay lại đồi 57 hôm nay, chúng tôi bon bon xe máy cùng trưởng ấp Tiến theo các triền đồi, thỏa thích nhìn ngắm màu xanh của điều, cà phê, tiêu, chuối và cây rừng. Ấp trưởng Tiến cho biết, dân cư đồi 57 giờ có hơn 160 hộ, trong đó hộ nghèo hiện còn 40 hộ. Nguyên do nghèo là vì thiếu đất sản xuất, bệnh tật, đông con, chứ không phải vì thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Các khu dân cư tại khu đồi kiệt nước như khu đồi tổ 5, tổ 4 dần có nước ngầm, giếng khoan, mở mang thêm nguồn nước tưới tiêu. Còn các khu đồi tại những tổ khác thì nước tương đối dồi dào, không khan hiếm như trước kia nữa. “Nông dân giờ biết tích nước trên đồi; dùng bạt, thùng phuy để chứa nước sinh hoạt. Giếng khoan đã phát huy được thế mạnh trong việc tìm kiếm nguồn nước và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhất là nhờ chủ trương đúng hướng của địa phương trong việc tuyên truyền nông dân đồi 57 chuyển đổi trồng cây lâu năm, trồng rừng để che phủ, chống xói mòn nên nguồn nước ngầm ở đây dần xuất hiện. Hiện cây lâu năm và rừng trồng đã chiếm 90% diện tích khu đồi. Chúng tôi giờ chỉ “khát” kế hoạch đầu tư đường giao thông, điện lưới cho khu đồi của huyện, tỉnh. Có hai thứ đó, nông dân đồi 57 sẽ đẩy mạnh việc khoan giếng tìm nước và đồi 57 dần hồi sinh, quanh năm đậm màu xanh của cây trồng giá trị cao”- ông Tiến hồ hởi bày tỏ.
Trong niềm vui nguồn nước ngầm dần xuất hiện bên dưới những rẫy điều, tiêu, cà phê, rừng trồng… ở khu đồi 57, ông Nguyễn Tuấn Sửu, Chủ tịch UBND xã Long Giao cho biết thêm, hiệu quả của việc phủ xanh cây công nghiệp, cây rừng trên đồi 57 đã xóa bỏ chủ trương di dời dân ra bên ngoài mà địa phương đã trình cấp trên trước đó. Hiện đồi 57 đã được huyện, tỉnh duyệt kế hoạch triển khai đầu tư làm đường, kéo điện để tạo động lực cho nông dân phát triển kinh tế, tăng giá trị sử dụng đất và chống hạn mùa khô. Ông Sửu khẳng định: “Nguồn nước ngầm đang dần hồi sinh đồi 57 và trong tương lai nông dân nơi đây sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phủ xanh khu đồi bằng những cây trồng chiến lược, có giá trị kinh tế và chống xói mòn đất khi được cấp trên quan tâm đầu tư về vốn sản xuất, điện, đường”.
Đoàn Phú