Vì nền độc lập của dân tộc, có những bà mẹ đã gạt ngang dòng nước mắt tiễn đưa những người con thân yêu ra tiền tuyến. Ngày đất nước thống nhất cũng là lúc các mẹ hay tin những “núm ruột đẻ đau” của mình vĩnh viễn không trở về...
Vì nền độc lập của dân tộc, có những bà mẹ đã gạt ngang dòng nước mắt tiễn đưa những người con thân yêu ra tiền tuyến. Ngày đất nước thống nhất cũng là lúc các mẹ hay tin những “núm ruột đẻ đau” của mình vĩnh viễn không trở về...
Ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Mao (SN 1924, ngụ ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) nằm khuất sâu trong khu dân cư thưa người qua lại. Từ lúc chồng và các con hy sinh bởi bom đạn của kẻ thù, mẹ chỉ còn lại người con dâu là chỗ dựa tinh thần trên cõi đời...
* Cả gia đình tham gia cách mạng
Trong hồi ức của mẹ Nguyễn Thị Mao, quá khứ chiến tranh là quãng thời gian vô cùng gian khổ, nó không chỉ cướp mất của mẹ tuổi thanh xuân và hạnh phúc, mà còn lấy đi hai đứa con mà mẹ yêu quý nhất trên đời.
Chồng mất, hai con hy sinh, mẹ Nguyễn Thị Mao chỉ còn lại người con dâu hiếu thảo và hai cô cháu gái chăm sóc lúc về chiều. |
Theo sự sắp đặt của gia đình, mẹ kết hôn khi tuổi đời chưa tròn 19. Hạnh phúc đơn giản cứ thế trôi nhanh cùng với sự khôn lớn và trưởng thành của hai đứa con, món quà mà tạo hóa đã ban cho mẹ. Lúc này, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng, bởi những trận càn khốc liệt của kẻ địch. Chứng kiến đất nước trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, đôi vợ chồng trẻ tình nguyện tham gia đội du kích của địa phương để bảo vệ sự bình yên cho xóm làng. Mẹ hồi tưởng lại: “Lúc trước cực lắm, vừa tham gia cách mạng tại địa phương, vừa phải tăng gia sản xuất nên đời sống rất khó khăn. Dù vậy, ai nấy đều hăng hái hoạt động cách mạng mà chẳng hề so đo gì cả”.
Lúc hai người con đến tuổi trưởng thành và có ý định tham gia cách mạng, chính mẹ là người động viên các con lên đường bảo vệ đất nước. Để rồi, khi hay tin các con nằm xuống trước họng súng quân thù, mẹ đau biết mấy, bởi cảnh tượng “lá vàng khóc lá xanh rơi”. Không lâu sau ngày thống nhất đất nước, chồng mẹ cũng ra đi vì những cơn bệnh hành hạ. May thay, cuộc đời chưa lấy hết của mẹ tất cả, bởi mẹ vẫn còn người con dâu và hai cháu gái nhỏ. Trong ngôi nhà cô quạnh, một mẹ già, một nàng dâu trẻ, cùng hai đứa cháu nhỏ cứ vậy nương tựa nhau cho đến tận bây giờ.
Gạt dòng nước mắt trên gương mặt đầy những vết nhăn của thời gian, mẹ Mao cho biết: “Nỗi đau của mẹ chẳng là gì so với những mất mát mà con dâu mẹ đã gánh. Tội lắm, mới 22 tuổi, một nách hai con thơ, vậy mà nó đã phải chịu cảnh góa phụ...”.
Người con dâu lớn của mẹ, cô Đặng Thị Sương (SN 1945) tâm sự, những ngày đầu về làm dâu của mẹ, cô lo lắng không nguôi. Nghe người ta rỉ tai nhau: “Mẹ chồng, nàng dâu sống cùng mái nhà chẳng bao giờ êm chuyện”, cô cũng cảm thấy lo lắng. Cô Sương cho biết: “Ban đầu, tôi sống khép kín, ít chuyện trò cùng mẹ. Sau khi chồng mất, tôi hụt hẫng chẳng biết bấu víu vào ai. Lúc này, mẹ luôn bên cạnh động viên và vực dậy tinh thần để tôi có đủ nghị lực sống mà nuôi con khôn lớn”.
Khoảng thời gian sau đó, chính người dâu thảo này trở thành trụ cột lo kinh tế trong gia đình mẹ Mao. Một mình cô thay chồng nuôi con, chăm lo cho mẹ chồng để vẹn câu vợ hiền, dâu thảo và người mẹ mẫu mực. Khi ấy, cô còn rất trẻ, lại mặn mà sắc vóc nên dù đã 2 mặt con, vẫn còn nhiều người ngấp nghé hỏi cưới. Cô Sương cho biết: “Hay tin đó, mẹ không ngăn cản mà còn động viên tôi lấy chồng, vì sợ trở thành gánh nặng cho tôi. Nhưng tôi không đành lòng đi thêm bước nữa”.
* Nỗi đau của mẹ
Kể từ ngày sống cùng mẹ Mao, chứng kiến những giọt nước mắt chảy dài của mẹ chồng vào những ngày giỗ chồng, giỗ con…, cô Sương thêm yêu hơn tấm lòng của mẹ. Cô tâm sự: “Mình còn có hai đứa nhỏ để thủ thỉ, mẹ thì chẳng còn ai cả. Nhiều lúc thấy mẹ cứ trầm ngâm nhìn sang nhà hàng xóm, tôi hiểu khi ấy mẹ đang tủi thân...”.
Mẹ Nguyễn Thị Thanh Vân bên những tấm di ảnh và bằng khen. |
Còn mẹ Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1927, ngụ tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đã phải mất chồng, mất luôn cô con gái duy nhất trong khói lửa chiến tranh. Dù đã có một người bạn đời chia sẻ những vui buồn mỗi ngày, nhưng trong ngôi nhà tường rộng thênh thang hiện nay, mẹ vẫn thấy lạnh lẽo. Mẹ xúc động nói: “Thỉnh thoảng, mọi người đến thăm nom và trò chuyện, nhưng họ về rồi mình buồn lắm. Lúc giao thừa, nhà ai cũng quây quần đông đúc, nhà mình quanh đi quẩn lại chỉ có 2 người già”. Mẹ kể rằng, con gái mẹ xinh lắm, nếu còn sống ắt giờ chị cũng lập gia đình và sinh cho mẹ những đứa cháu kháu khỉnh. Lúc chị hy sinh, mẹ đau hơn ai hết. Những năm sau đó, mẹ cũng bị tù đày, bị tra tấn bởi những đòn roi của giặc. Ngày hòa bình, mẹ chẳng biết đi đâu về đâu, vì người thân yêu đã mất hết...
Mẹ khoe với chúng tôi những tấm bằng khen, những huân - huy chương kháng chiến với đầy vẻ tự hào. Mẹ bảo rằng, ngày ấy dù bị tra tấn rất dã man nhưng mẹ và các đồng đội nhất quyết không tiết lộ thông tin bất lợi cho cách mạng. Giờ đây, tuổi tác đã cao nên sức khỏe mẹ không còn như trước, nhưng trong từng lời kể của mẹ, chúng tôi vẫn hình dung ra sự khốc liệt của chiến tranh, sự đau thương, mất mát vô bờ của những người mẹ, người vợ khi có chồng, con hy sinh vì đất nước.
Thấy người quen dẫn khách đến chơi, mẹ Lê Thị Cơ (SN 1928, ngụ tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) mừng lắm. Mẹ bảo rằng, dẫu được chăm lo đầy đủ nhưng mẹ vẫn thấy buồn, vì mỗi ngày chỉ lủi thủi ở nhà với 4 bức tường. Hai đứa con và cả người chồng của mẹ đều đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Một mình mẹ gồng gánh cả gia đình, với biết bao sức nặng nghĩa tình trên vai. Mẹ cho biết: “Tôi sinh đứa út được vài tháng thì chồng mất. Mấy năm sau đó, hai đứa con lớn cũng lần lượt ra đi. Lúc ấy khổ lắm, nhưng phải ráng sống và tiếp tục chiến đấu”. Sự kiên cường của mẹ đã được bù đắp bằng sự hiếu thảo và thành công trong công việc của những người con may mắn sống sót.
Câu chuyện vẫn còn dang dở, dang dở như cuộc đời của chính các mẹ, dù rằng các mẹ đã được bù đắp bằng sự quan tâm chăm sóc của con cháu và xã hội. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể bù đắp được những đau thương, mất mát mà các mẹ từng nếm trải...
Tùng Minh