Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội “nhà trệt”

09:03, 16/03/2012

Anh Nguyễn Oai Hùng, Phó chủ tịch Hội Người mù TX.Long Khánh ví von, hội của anh là hội của những người thích ở nhà trệt hơn “lầu son gác tía”. Nơi đây, các hội viên luôn tìm được niềm vui, sự sẻ chia và đồng cảm.

Anh Nguyễn Oai Hùng, Phó chủ tịch Hội Người mù TX.Long Khánh ví von, hội của anh là hội của những người thích ở nhà trệt hơn “lầu son gác tía”. Nơi đây, các hội viên luôn tìm được niềm vui, sự sẻ chia và đồng cảm.

Không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Hùng vẫn cảm nhận được hạnh phúc khi có người vợ đảm đang, yêu thương chồng con.
Không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Hùng vẫn cảm nhận được hạnh phúc khi có người vợ đảm đang, yêu thương chồng con.

Ánh sáng tình yêu

Mở đầu câu chuyện, anh Hùng cho biết, “Hội nhà trệt” của anh có 87 hội viên. Phần lớn hội viên đã lập gia đình với người cùng cảnh hoặc sáng mắt. “Xét về tiêu chí hộ nghèo với thu nhập dưới 600 ngàn đồng/tháng, hiện chúng tôi chỉ còn 7 hộ hội viên nghèo và cận nghèo. Còn xét về gia cảnh thực tế, trên 50% số hộ hội viên vẫn còn chật vật, khó khăn về kinh tế. Đó cũng là đặc trưng đời sống của các cặp gia đình nhà trệt”- anh Hùng lần tay tìm ly nước mời khách và nói.

Mặc dù sắp hết giờ làm việc trưa, anh Hùng và chị Xuân (cán bộ văn phòng hội) vẫn nhiệt tình nhận lời đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn, chốn ở của các gia đình hội viên tại 17 xã, phường trên địa bàn thị xã. Theo chị Xuân, của cải vật chất luôn là thứ xa xỉ đối với người mù. Với họ, tình yêu mới là thứ dễ thấy, dễ gặp và đủ đầy trong ngôi nhà của họ. “Nhờ mái ấm của hội, nhiều cặp gia đình trẻ được hạnh phúc bên nhau, xóa bỏ mặc cảm, sự ngăn cản quyết liệt từ người thân”- chị Xuân nói.

Biết chị Xuân bận việc, chúng tôi ngỏ ý muốn được thay chị đưa anh Hùng đi cơ sở. Anh Hùng đồng ý ngay và cho biết, dù đôi mắt anh không nhìn thấy đường, nhưng anh đã thuộc lòng từng ngã ba, ngã tư, đường lô cao su dẫn đến nhà các hội viên của mình. “Đôi mắt của mình không còn nhìn thấy được nữa, nhưng mình vẫn cảm nhận được cái nghèo khó hay sự sung túc mỗi khi đến thăm nhà hội viên. Chỉ cần chạm tay vào vách tường, đồ vật mình sẽ biết nơi ở của hội viên mình tươm tất hay chưa”- anh Hùng bộc bạch.

Lầm lủi trên đường vào giữa trưa tháng 3, chúng tôi như quên hẳn cái nắng chói chang trên đầu nhờ câu chuyện tình kết thúc có hậu của đôi vợ chồng Trần Văn Thúy và Nguyễn Thị Côi (ấp Núi Đỏ, xã Hàng Gòn) được anh Hùng tỉ tê kể. Theo lời anh Hùng, trong một lần hội tụ về văn phòng hội học chữ nổi, anh Thúy và chị Côi gặp và nảy sinh tình cảm. Khi gia đình hai bên biết chuyện chị Côi có thai thì họ cấm đoán rất quyết liệt. Đến lúc chị Côi sinh con, gia đình hai bên vẫn không cho hai người gặp mặt, nhận con. Trước tình cảnh đó, hội phải đứng ra can thiệp, khuyên nhủ hai gia đình chấp thuận cho đôi bạn được sớm tối bên nhau, bỏ đi thành kiến tật nguyền của họ để nên nghĩa vợ chồng. “Ngoài bị khiếm khuyết về đôi mắt, người mù còn chịu thiệt về chuyện lứa đôi. Họ luôn bị gia đình, xã hội thành kiến khi đến với nhau”- anh Hùng bày tỏ và khép lại câu chuyện khi xe vừa đến nơi ở của gia đình anh Thúy.

Nghe tiếng chó sủa văng vẳng ngoài sân, anh Thúy - chị Côi lần bước ra sân mời chúng tôi vào nhà. Bé Ngọc Điệp (10 tuổi, con của anh chị) cũng vội vã theo cha mẹ ra ngoài đón khách. Anh Thúy xúc động nói: “Nhờ hội mà tụi em nên vợ thành chồng, được chính quyền xây tặng nhà tình thương. Chúng em luôn xem hội là mái nhà, nơi cưu mang và vun vén cho tình yêu của mình”.

Mái nhà vui

Bên ly trà ấm của đôi vợ chồng mù Thúy và Côi, anh Hùng cho biết, hiện có 22 hội viên được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 125 triệu đồng. Các hội viên không đủ điều kiện vay nguồn quỹ này được hội giới thiệu vay vốn từ quỹ SIDA để hành nghề bán vé số. Trong những năm qua, có 7 hộ hội viên khó khăn về nơi ở, được hội giới thiệu địa chỉ để địa phương ưu tiên xây tặng nhà tình thương và hỗ trợ tiền để sửa chữa nhà cho nhiều hội viên khác. “Thời gian qua, hội luôn nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, mạnh thường quân trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho hội viên với số tiền gần 800 triệu đồng. Hội viên bệnh tật, qua đời được hội đến thăm hỏi, tặng quà... Vì vậy, các hội viên luôn xem hội là điểm tựa tinh thần, mái nhà chung của những người cùng cảnh”- anh Hùng cho biết.

Từ ngày tìm lại được ánh sáng, ông Ý không còn dò dẫm đôi chân khi chia sẻ công việc cùng vợ và con cháu.
Từ ngày tìm lại được ánh sáng, ông Ý không còn dò dẫm đôi chân khi chia sẻ công việc cùng vợ và con cháu.
Sau 40 năm bị mù lòa hai mắt, ông Nguyễn Văn Ý (ở phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) được Hội Người mù thị xã giới thiệu đi mổ mắt nhân đạo và đã tìm được ánh sáng. Ông cho hay, mắt trái của ông chỉ nhìn thấy lờ mờ sau phẫu thuật, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để ông tự hào và đem lại hy vọng cho các hội viên khác trước khi lên giường mổ.

Chia tay vợ chồng anh Thúy - chị Côi, chúng tôi cùng anh Hùng đến thăm gia đình các hội viên Tùng (phường Xuân Thanh), Ý (phường Xuân Bình), Thương (xã Bàu Trâm)..., đồng thời không quên ghé nhà anh Hùng để nhìn thấy sự đảm đang, tháo vác của chị Hiền (vợ anh Hùng). “Sáng mình đưa các con đi học, đưa chồng đi làm. Sau đó, mình đi mua ve chai. Trưa lo cơm nước, rước các con về và đi mua ve chai tiếp. Chiều đón chồng, con về nhà và tối thì đi bán vé số kiếm thêm thu nhập” - chị Hiền bộc bạch. Còn theo anh Hùng, ngoài việc xoay xở với cuộc mưu sinh, chăm lo cho gia đình, chị Hiền còn tham gia công tác phụ nữ, hội chữ thập đỏ của ấp, xã và vừa được kết nạp Đảng.

Trở về văn phòng hội khi trời ngả chiều, anh Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch Hội Người mù TX.Long Khánh) vẫn còn nán lại để tiếp chuyện chúng tôi. Anh Bình chia sẻ, mái ấm của các hội viên thêm rộn rã tiếng cười khi họ tìm được hạnh phúc cùng bạn đời sáng mắt hoặc đôi vai mạnh bạo của bạn đời khiếm thị như mình. “Tổ chức hội luôn mở rộng vòng tay đón nhận những người khiếm thị tham gia tổ chức hội. Chúng tôi luôn phấn đấu xây dựng tổ chức hội trở thành mái nhà chung, là nơi để những người khiếm thị đến học tập, tìm sự giúp đỡ, giao lưu văn nghệ - thể thao và chia sẻ niềm vui trong cuộc sống...” - anh Bình tâm sự.

Trời đổ về chiều, văn phòng hội đã sáng ánh điện để chị Xuân hoàn tất công việc trong ngày. Trong khi đó, anh Bình và anh Hùng chỉ cảm nhận trời sắp tối qua tiếng chuông đồng hồ điểm báo 5 giờ chiều. “Mọi hoạt động của chúng tôi nhờ vào đôi mắt của hai cán bộ “sáng” là Xuân và Hòa. Vì vậy, chúng tôi rất hiểu và luôn tìm mọi cách để gắn kết những cảnh đời khiếm thị đến với nhau, để họ tìm cho mình một mái ấm hạnh phúc và những đứa trẻ - đôi mắt sáng của những người khiếm thị”- anh Bình thổ lộ khi chúng tôi xin phép ra về.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều