Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Điệp khúc hư đường và những kiến nghị

09:02, 08/02/2012

Xe quá tải né trạm cân đi vào các tuyến đường liên huyện, xã không chỉ phá nát đường sá, mà còn gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Để ngăn xe quá tải né trạm đi vào, thị trấn Trảng Bom đã cho lập một barie tại tuyến đường nối thị trấn với xã Đồi 61. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục tuyến đường liên huyện, xã khác bị xe tải né trạm cân cày phá, điệp khúc hư đường vẫn tiếp tục diễn ra.

Xe quá tải né trạm cân đi vào các tuyến đường liên huyện, xã không chỉ phá nát đường sá, mà còn gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Để ngăn xe quá tải né trạm đi vào, thị trấn Trảng Bom đã cho lập một barie tại tuyến đường nối thị trấn với xã Đồi 61. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục tuyến đường liên huyện, xã khác bị xe tải né trạm cân cày phá, điệp khúc hư đường vẫn tiếp tục diễn ra.[links(left)]

* Trạm cân hoạt động, đường vẫn hư

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại nhiều địa phương cho thấy, các tuyến đường liên huyện, xã (như: tỉnh lộ 767, 768, 769… đi qua các huyện Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu) có xe tải né trạm cân đi qua tình trạng mặt đường bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Để sửa chữa, dặm vá những đoạn đường hư hỏng, nhiều địa phương đã chi ngân sách tiền tỷ. Thế nhưng, tình trạng xe quá tải né trạm cân lưu thông trên các tuyến đường này vẫn diễn ra hàng ngày và… đường sá tiếp tục bị cày nát.

Người đi đường liên tục gặp những đoạn đường hư như thế này trên tuyến hương lộ 24 (thuộc địa bàn hai huyện Trảng Bom - Thống Nhất).
Người đi đường liên tục gặp những đoạn đường hư như thế này trên tuyến hương lộ 24 (thuộc địa bàn hai huyện Trảng Bom - Thống Nhất).

Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 7-2, tại tuyến đường 762 (nối từ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất sang thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), tình trạng xe tải trọng lớn né trạm vẫn tiếp tục lưu thông, khiến nhiều đoạn của tuyến đường bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, hương lộ 24 (nối hai huyện Trảng Bom - Thống Nhất) đã bị xe tải trọng lớn cày nát. Dọc tuyến đường này, cứ khoảng 500 mét lại xuất hiện một ổ voi, có nơi là cả một đoạn đường vài ba chục mét bị hư hỏng hoàn toàn. Không chỉ bong tróc hết thảm nhựa, nhiều đoạn đường bị xe tải nặng làm lún đường, tạo ra những ụ nổi hay hố sâu trơ trọi đá. Ông Đỗ Văn Đông (ngụ tại ấp Lợi Hà, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho biết: “Trước đây, mỗi đêm có hàng trăm xe tải chở sắt, thép, xi măng… đi vào đường này để né trạm cân. Đến nay, lượng xe có giảm nhưng mỗi đêm vẫn có hàng chục xe chạy qua đường này”.

Tương tự, việc xe tải trốn trạm cân thường xuyên đi vào con đường nối xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) - xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) những năm gần đây khiến con đường liên huyện này xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn tạo thành những ao sâu rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chính quyền địa phương và người dân đã rất nhiều lần phản ánh, kiến nghị các ngành chức năng ngăn chặn xe quá tải qua đây, đồng thời sửa chữa, nâng cấp con đường…

Tình trạng xe quá tải đi vào các con đường liên huyện, xã để né trạm cân có thể chấm dứt nếu các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý triệt để. Thế nhưng, qua quan sát, chúng tôi thấy việc xuất hiện của lực lượng tuần tra kiểm soát tại các chốt trực cũng không làm giảm tình trạng xe quá tải né trạm. Ban ngày, hầu như các xe quá tải không chạy vào các tuyến đường tránh, mà nằm chờ đến giữa đêm mới bắt đầu hoạt động. Anh T. (ngụ ở khu phố 4, thị trấn Trảng Bom) nói vẻ mỉa mai: “Từ 24 giờ trở về sáng, hàng chục chiếc xe tải nặng lặc lè lại nối đuôi nhau chạy ầm ầm qua đây. Chúng tôi nghe tiếng xe riết thành “ghiền”, đêm đến không có tiếng xe khó ngủ lắm!”. Nhiều người dân địa phương tỏ vẻ băn khoăn, không biết đám tài xế xe tải có thủ thuật gì mà lần nào vắng bóng lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông lại thấy đoàn xe lần lượt kéo nhau chạy qua!

* Những kiến nghị từ Đồng Nai

Trong văn bản đánh giá công tác thí điểm hoạt động trạm cân Dầu Giây trên địa bàn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông - vận tải (GTVT), UBND tỉnh ủng hộ việc duy trì hoạt động của trạm cân. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã chỉ ra những tồn tại, bất cập xảy ra tại khu vực trạm cân trong thời gian qua, như: ở hai đầu trạm cân đã xuất hiện một lực lượng “cò” dẫn đường né trạm cho các tài xế chở quá tải; một số đối tượng lập các điểm tăng bo sang tải đối phó với trạm cân; xe quá tải cố tình đi sai làn đường quy định để tránh sự quan sát của camera…

UBND tỉnh cũng đã có những kiến nghị với cấp trên, như: phải hoàn thiện và hiện đại hóa các trang thiết bị tại trạm cân; thiết kế lại các làn đường để buộc các loại xe tải đi vào một làn đường riêng theo quy định… Đặc biệt, trong những kiến nghị này, UBND tỉnh cũng đã xác định, nên có những sửa đổi trong quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại trạm cân. Riêng các cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm cần phải được tuyển dụng và đào tạo theo một tiêu chuẩn cụ thể cả về nghiệp vụ và đạo đức cho từng chức danh. Về vấn đề này, ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra Sở GTVT (Thanh tra giao thông) cho biết, sau khi Bộ GTVT và UBND tỉnh ban hành quy chế tạm thời về việc phối hợp các lực lượng trong hoạt động của trạm cân Dầu Giây thì các lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra giao thông tham gia thực hiện. Tuy nhiên, theo quy chế này, Thanh tra giao thông chỉ là lực lượng phối hợp với Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam trong việc thực hiện một số nhiệm vụ tại trạm cân (như: căn cứ kết quả kiểm tra để xác định hành vi vi phạm, mức độ vi phạm của người điều khiển xe; lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tài xế vi phạm; phát hiện và kịp thời phản ảnh với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi trái quy định của pháp luật trong hoạt động của trạm cân…). Đối với việc xử lý các phương tiện quá tải đi qua các tuyến đường huyện, xã để né trạm, ông Hưng cho rằng, để giải quyết những bất cập này, các lực lượng chức năng (trong đó có Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông) phải tổ chức chốt chặn liên tục trên những tuyến đường để kiểm tra, xử lý. Để làm được điều này thì phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các ngành cùng phối hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải sử dụng mọi biện pháp để dẹp bỏ nạn “cò” dẫn đường ở khu vực quanh trạm cân mới có thể làm giảm tình hình phức tạp tại khu vực này.

Trong khi những bất cập ở trạm cân vẫn diễn ra hàng ngày, nội dung quy chế phối hợp quản lý trạm cân tồn tại một số điều, khoản không còn phù hợp, thì tình trạng xe quá tải cày nát đường vẫn diễn ra hàng ngày. Cho rằng lực lượng còn thiếu, các cơ quan chức năng gần như bó tay trước hàng trăm km đường đang hàng ngày bị xe quá tải né trạm cân phá nát. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan liên quan phải ngồi lại để có những giải pháp tối ưu, kịp thời giải quyết những bất cập xung quanh vấn đề này.

Nhóm PV

 

 

Tin xem nhiều