Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp có trách nhiệm trả đủ lương cho người lao động

08:06, 22/06/2021

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ). Người sử dụng lao động (NSDLĐ) nếu chậm trả lương, trả lương không đầy đủ sẽ bị chế tài.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ). Người sử dụng lao động (NSDLĐ) nếu chậm trả lương, trả lương không đầy đủ sẽ bị chế tài.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn về tiền lương cho một người lao động (ảnh chụp vào tháng 3 -2021). Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn về tiền lương cho một người lao động (ảnh chụp vào tháng 3 -2021). Ảnh: Đoàn Phú

Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH) bày tỏ, trong quá trình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn tới việc NSDLĐ chậm trả lương, nợ lương hay trả lương không đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ là khó tránh khỏi. Tuy vậy, không phải vì lý do này mà NSDLĐ không tuân thủ và chấp hành nghiêm vấn đề trả lương đủ, đúng hạn cho NLĐ.

* Không được nợ lương

NLĐ Nguyễn Văn Được (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) được Công ty TNHH X. (đóng tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Cuối năm 2020, Công ty TNHH X. chuyển nhượng vốn cho Công ty TNHH B. và ông vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty TNHH B. đến nay. Tuy nhiên, trước khi chuyển nhượng và đổi tên mới, Công ty TNHH X. vẫn còn nợ ông 2 tháng lương. Ông Được thắc mắc, ông có được quyền đòi Công ty TNHH B. trả cho ông số tiền mà Công ty TNHH X. còn nợ trước đó.

Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức cho hay, việc Công ty TNHH X. chuyển đổi pháp nhân, tên, vốn sang Công ty TNHH B. vẫn không ảnh hưởng đến các quan hệ giữa pháp nhân này đối với cá nhân, tổ chức khác trước đó. Đồng thời, việc chuyển đổi vốn cho công ty mới luôn đi kèm với việc chuyển giao trách nhiệm, khoản nợ đối với NLĐ. Do đó, khi chuyển đổi, công ty cũ còn nợ tiền lương của ông; nếu giữa ông và công ty cũ không có thỏa thuận về hình thức, cách thức thanh toán khoản nợ này thì công ty mới phải có trách nhiệm trả cho ông.

NLĐ Huỳnh Ngọc Bích (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, tháng 4-2021, công ty nơi bà làm việc chỉ trả lương cho NLĐ 70% trong tổng số tiền lương mà công ty phải trả, 30% tiền lương còn lại công ty xin được nợ NLĐ vì đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Bà Bích hỏi việc công ty chỉ trả 70% tiền lương và nợ lương NLĐ 30% tổng số tiền lương tháng như vậy được không?

Trao đổi về nội dung này, hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức cho hay, về nguyên tắc pháp luật quy định người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Chỉ cần 1 ngày chậm trả lương, nợ lương và trả lương không đầy đủ là vi phạm pháp luật lao động, vi phạm giao kết về thời gian trả lương, mức tiền lương mà doanh nghiệp (DN) ký kết với người lao động trước đó. “Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có quy định, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương” - hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức nói thêm.

* NLĐ cần biết quyền lợi khi DN chậm trả, nợ lương

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhận được nhiều cuộc điện thoại của NLĐ đang làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh nhờ tư vấn, giải đáp thắc mắc vấn đề DN, NSDLĐ chậm trả lương, còn nợ một phần lương tháng với nhiều lý do khác nhau.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn cho hay, để đòi quyền lợi, NLĐ có thể nhờ tổ chức Công đoàn hỗ trợ, viết đơn khiếu nại gửi tới Sở LĐ-TBXH hoặc Phòng
LĐ-TBXH để được giải quyết hoặc có thể thông qua hòa giải viên lao động để hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng NSDLĐ không thực hiện hay hết thời hạn giải quyết thì NLĐ có thể khởi kiện tại tòa án và trung tâm sẽ sẵn sàng hỗ trợ NLĐ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết thêm, để ngăn ngừa việc DN nợ, chậm trả lương, trả lương không đầy đủ, vào ngày 1-3-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP). Khoản 2, Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với DN, NSDLĐ trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động... là từ 5-50 triệu đồng (tùy vào số lượng NLĐ từ 1-301 người trở lên). “Mức phạt này được áp dụng với NSDLĐ là cá nhân. Trường hợp NSDLĐ là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Như vậy, DN sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương, trả lương không đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ” - luật sư Vũ Ngọc Hà nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Vũ Ngọc Hà, để giải quyết vấn đề nợ, chậm hoặc trả lương không đầy đủ, NSDLĐ và NLĐ có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận hướng giải quyết, chứ NSDLĐ không được đơn phương quyết định dẫn tới xung đột, tranh chấp. Như vậy, sẽ bất lợi cho cả đôi bên.

“NLĐ chủ yếu sống nhờ vào tiền lương, mọi chi phí sinh hoạt như: ăn, ở, nuôi con... đều dựa vào lương nên việc NLĐ chậm được trả lương, trả lương không đầy đủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cho nên, Nghị định 28/2020/NĐ-CP đưa ra mức chế tài DN, NSDLĐ trong việc nợ lương, chậm trả lương, trả lương không đầy đủ như vậy là cần thiết, bảo vệ được quyền lợi của NLĐ” - hòa giải viên Phạm Đình Đức nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều