Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần gỡ vướng trong xác định tội chiếm giữ tài sản trái phép

09:03, 11/03/2020

Vì là chỗ quen biết, ông N.V.U.E. (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà N.T.V. (ngụ TT.Tân Phú) nhằm mục đích nhờ bà thế chấp QSDĐ trên vay tiền ngân hàng để làm ăn. Tuy vậy, ông E. vẫn được ở căn nhà này.

Vì là chỗ quen biết, ông N.V.U.E. (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà N.T.V. (ngụ TT.Tân Phú) nhằm mục đích nhờ bà thế chấp QSDĐ trên vay tiền ngân hàng để làm ăn. Tuy vậy, ông E. vẫn được ở căn nhà này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể vào năm 2010, ông E. chuyển QSDĐ diện tích 237,5m2  cùng nhà và tài sản trên đất cho bà V. Hai bên thỏa thuận, chuyển nhượng xong bà V. thế chấp QSDĐ vay ngân hàng số tiền 250 triệu đồng cho ông E. mượn mở quán ăn. Do làm ăn thua lỗ, ông E. còn mượn bà V. thêm số tiền 219 triệu đồng nữa, tổng cộng 469 triệu đồng.

* Nhà của ai?

Năm 2012, bà V. đòi tiền, ông E. nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả nên bà V. nhờ Công an xã Trà Cổ can thiệp. Tại Công an xã, ông E. cam kết 2 tháng sau nếu không bán được nhà và đất (dù nhà, đất này trên thực tế mang tên bà V.) thì sẽ giao nhà cho bà V.

Tuy nhiên, ông E. tiếp tục thất hứa nên vụ việc được hai bên đưa ra TAND H.Tân Phú giải quyết. Theo Quyết định 64/2013/QĐST ngày 18-9-2013 của TAND H.Tân Phú về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự thì ông E đồng ý thanh toán cho bà V. tổng số tiền 469 triệu đồng vay mượn. Đồng thời, QSDĐ và tài sản gắn liền trước đây được ông E. chuyển nhượng cho bà V. giao cho cơ quan THADS bán đấu giá. Nếu bán đấu giá được thấp hơn hoặc nhiều hơn số tiền nợ 469 triệu đồng thì ông E. phải thanh toán phần tiền chênh lệnh hoặc được hưởng.

Qua 2 lần bán đấu giá, tài sản không có người mua nên được hạ xuống còn 307 triệu đồng. Do đó, bà V. tự nguyện mua lại căn nhà do bà đứng tên với giá trên. Tuy vậy, ông E. vẫn cương quyết không giao nhà cho bà nên ngày 1-7 -2016, cơ quan THADS huyện cưỡng chế giao nhà cho bà V. Ông E. ra khỏi nhà được vài ngày thì phá niêm phong dọn vào ở cho đến nay. Bà V. cho rằng, ông E. chiếm giữ tài sản trái phép, ông E. thì cho rằng nhà ông thì ông ở.

* Vì sao không xử lý dứt điểm?

Quá bức xúc vì vụ việc kéo dài nhiều năm, ông E. không tuân thủ pháp luật và những gì cam kết nên bà V. làm đơn tố cáo đến công an, VKSND huyện về tội chiếm giữ tài sản trái phép. Tuy nhiên, bà được các cơ quan này trả lời rằng, vụ việc trên dù đủ yếu tố cấu thành tội chiếm giữ tài sản trái phép nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Về vấn đề này, luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, nhận định của các cơ quan chức năng là đúng. Theo luật sư Khanh, việc cơ quan tố tụng trả lời bà V., trường hợp của ông E. chưa đến mức cần phải xử lý hình sự về tội chiếm giữ tài sản trái phép là có cơ sở.

Theo luật sư Khanh, chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Thời điểm hoàn thành tội phạm tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật mà người chiếm hữu tài sản vẫn cố tình không trả lại.

“Kể từ khi thời điểm yêu cầu giao trả tài sản kết thúc thì việc chiếm giữ tài sản nêu trên trở thành bất hợp pháp. Đáng tiếc là vụ việc chiếm giữ tài sản trái phép của ông E. chưa bị cơ quan có thẩm quyền nào xử phạt hành chính nên sự việc cứ vậy kéo dài, thiếu hướng xử lý dứt khoát” - luật sư Khanh nói.

Trước bức xúc của bà V. và để giải quyết vụ việc ổn thỏa, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, ngày 6-3, UBND xã Trà Cổ đã mời các bên có liên quan lên giải quyết. Tại buổi làm việc, ông E. cho rằng, đó là nhà của ông, ông không chiếm giữ trái phép nên không đồng ý điều kiện của bà V. đưa ra.

Điều kiện của bà V. tại buổi làm việc này là, nếu ông E. lấy lại căn nhà thì căn cứ theo Quyết định 64/2013/QĐST của TAND H.Tân Phú về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự, ông phải trả cho bà đúng 469 triệu đồng cùng lãi suất ngân hàng từ năm 2013 tới nay. Đồng thời, khi ông E. trả lại nhà thì bà sẽ hỗ trợ ông số tiền 110 triệu đồng để tạo lập chỗ ở mới.

Do ông E. không thỏa thuận được với bà V. nên UBND xã Trà Cổ đã báo cáo về UBND H.Tân Phú và đề xuất hướng giải quyết. “Do ông E. chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép nên địa phương rất khó xử lý về tội chiếm giữ tài sản trái phép theo yêu cầu của bà V.” - một cán bộ tham gia giải quyết nói.

Bà V. trình bày, điều bà mong muốn là ông E. tuân thủ các quyết định của tòa, cơ quan THADS và những gì đã cam kết, chứ không muốn làm khó ông và cơ quan pháp luật”.

Luật sư Lưu Hồng Khanh cho rằng, để sự việc được giải quyết dứt điểm, cơ quan có thẩm quyền (UBND xã Trà Cổ hoặc Công an huyện) cần kiên quyết xử lý hành chính về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của ông E., không thể để ông mặc nhiên chiếm giữ tài sản trái pháp luật của bà V. kéo dài và đưa ra nhiều lý do bất hợp lý.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều