Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì tiền bất chấp lương tri...

10:01, 16/01/2013

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan (46 tuổi, ngụ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn tạo cho mình bộ dạng khốn khó, khiến mọi người khó tin bị cáo đã lừa đảo nhiều người số tiền cả chục tỷ đồng.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan (46 tuổi, ngụ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn tạo cho mình bộ dạng khốn khó, khiến mọi người khó tin bị cáo đã lừa đảo nhiều người số tiền cả chục tỷ đồng.

* Bỏ nghề giáo để lừa người

Là giáo viên tiểu học, thu nhập hàng tháng vài triệu đồng nên bà Kim Loan nhận thấy không thể làm giàu từ công việc gõ đầu trẻ. Năm 2000, bà Kim Loan từ bỏ viên phấn, bục giảng để về nhà mở vựa buôn bán ve chai nuôi giấc mộng đổi đời. Từ một chủ vựa thu mua ve chai nhỏ, cọc cạch thu gom hàng từ những người mua bán ve chai dạo trong xóm, bà Loan dần trở thành một chủ thu mua phế liệu có tiếng ở phường Hố Nai. Nhờ công việc mua bán phế liệu ngày càng khấm khá, bà Loan đã xây dựng được căn nhà trị giá hàng tỷ đồng. Để giàu nhanh hơn nữa, tháng 5-2005, bà Loan đã thế chấp căn nhà của mình cho vợ chồng bà Cậy (ngụ cùng phường) để vay 300 triệu đồng (lãi suất 3%/tháng), nhằm mở rộng kinh doanh.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan tại phiên xét xử ngày 14-1.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan tại phiên xét xử ngày 14-1.

Sau đó, bà Loan đề nghị vợ chồng bà Cậy hùn với mình mua tôn về bán với hình thức: tiền vốn và lãi trả lại bà Cậy, lời chia đôi. Tin lời bà Loan, vợ chồng bà Cậy đã đưa 4,5 tỷ đồng hùn vốn. Một tháng sau, họ được bà Loan thanh toán sòng phẳng cả lãi vay, tiền gốc và phần lợi nhuận được chia theo thỏa thuận.

Tháng 8-2005, bà Loan lại đề nghị bà Cậy mở đại lý bán tôn cho Công ty P.N., với điều kiện phải đóng tiền “thế chân” 2,1 tỷ đồng. Theo lời bà Loan, khi trở thành đại lý của công ty, bà Cậy sẽ được mua tôn loại B, bán ra sẽ kiếm lời nhiều hơn. Để vợ chồng bà Cậy tin tưởng, bà Loan giả giọng kế toán (tự xưng) Công ty P.N. gọi điện cho bà Cậy gợi ý, nếu bà Cậy muốn mở đại lý thì đem tiền đến công ty nộp gấp.

Tin lời, ngày 24-8-2005, vợ chồng bà Cậy mang 2,1 tỷ đồng đến Công ty P.N. nộp. Nhưng khi thấy vợ chồng bà Cậy vừa đến trước cổng, từ trong công ty, bà Loan giả giọng “kế toán công ty” điện thoại dặn dò bà Cậy: “Không được vào công ty vì bà Loan đang cãi nhau với một người tên Lan. Đứng đó đợi để bà Loan ra lấy tiền nộp”. Vợ chồng bà Cậy tưởng thật nên đã đưa số tiền trên cho bà Loan.

Bằng thủ đoạn đó, từ ngày 22-5-2005 đến 20-1-2006, “kịch sĩ” Loan đã lừa thêm vợ chồng bà Cậy số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Loan đã nhiều lần vay mượn của vợ chồng bà Cậy tổng cộng 6,6 tỷ đồng (sau đó cấn trừ vào ngôi nhà của bà Loan để trừ nợ).

* Ôm tiền tỷ sống khắc khổ

Theo cáo trạng, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt của vợ chồng bà Cậy hơn 10 tỷ đồng, bà Loan còn nợ vợ chồng bà Cậy hơn 6,6 tỷ đồng và 5 người khác số tiền gần 5,5 tỷ đồng mà không có khả năng thanh toán. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, bà Loan đã không còn nhà để ở nên trốn về huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) sinh sống bằng nghề làm bánh tráng. Sau khi bị bắt và được cho tại ngoại điều tra (do mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi), bị cáo Loan vẫn giấu kỹ số tiền tỷ và chấp nhận cuộc sống khắc khổ bằng nghề làm bánh tráng của mình và nghề phụ hồ của chồng để nuôi 5 con.

Lý giải cho việc bị vỡ nợ, bị cáo Loan khai lấy tiền của các bị hại để chi trả lãi, gốc và chia lãi trong quá trình hùn hạp làm ăn. Tuy nhiên, theo trình bày của bị cáo và các bị hại tại tòa, bị cáo chỉ chi ra một phần nhỏ trong tổng số tiền lừa đảo và vay mượn của nhiều người. Số tiền còn lại, bị cáo Loan không khai rõ đã chi dùng vào việc gì. Mặc dù không khai nhận rõ việc chi tiêu số tiền chiếm dụng của các bị hại, nhưng suốt quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Loan luôn thành khẩn thừa nhận hành vi lừa đảo để chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của vợ chồng bà Cậy.

“Bị cáo và người thân không cờ bạc, chơi hụi, không bị người khác chiếm dụng vốn trong lúc hùn hạp làm ăn, không bị mất trộm…, nhưng không nhớ và không biết đã chi dùng số tiền lớn trên vào việc gì thì quả là khó hiểu” - Hội đồng xét xử nhắc nhở trước thái độ im lặng của bị cáo Loan. Tuy nhiên, mặc Hội đồng xét xử xét hỏi, mặc vị đại diện Viện Kiểm sát truy tố hay luận tội, bị cáo Loan vẫn dửng dưng đến mức khó hiểu. Bị cáo không tranh luận hay nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, nhất là khi bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 16-18 năm tù.

19 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng là mức án mà Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Loan sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Rời phiên tòa, các bị hại phân vân đặt câu hỏi: “Liệu mức án ấy có nằm trong sự tính toán hơn thiệt của một con người tham tiền hơn tự do, nhân phẩm và tình người như bị cáo Loan (!?)”.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều