Nhu cầu thế giới sụt giảm, các nhãn hãng lớn, tập đoàn quốc tế cũng tồn kho nhiều và giảm sản lượng đặt hàng gia công nên ngành sản xuất giày dép ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD như đã định.
Nhu cầu thế giới sụt giảm, các nhãn hãng lớn, tập đoàn quốc tế cũng tồn kho nhiều và giảm sản lượng đặt hàng gia công nên ngành sản xuất giày dép ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD như đã định.
Sản xuất tại Công ty TNHH Giày Tuấn Việt. Ảnh: V.GIA |
Các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã liên tục cắt giảm lao động, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng phải hết sức nỗ lực, linh hoạt, tìm đường thích ứng với những biến động của thị trường.
* Xuất khẩu giảm, khó khăn nhiều mặt
Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt gần 8,2 tỷ USD. Giày dép là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD nhưng đã giảm hơn 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Với Đồng Nai, xuất khẩu trong 5 tháng của năm nay đạt gần 1,7 tỷ USD, chỉ đạt gần 80% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giảm phản ánh một thực tế là nhu cầu trên thế giới đang co hẹp lại khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do các tác động của lạm phát, xung đột thương mại thế giới kéo theo thu nhập giảm sút. Điều này khiến cho ngay cả các nhãn hàng lớn trên thế giới như: Adidas, Nike… cũng có hàng tồn kho nhiều, từ đó giảm sản lượng đặt hàng từ các nhà máy sản xuất gia công trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Tại Đồng Nai, giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Đồng thời, đây là ngành có xuất siêu cao nhất. |
Hệ quả là nhiều DN, nhà sản xuất quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài đã liên tục cắt giảm lao động. Từ đầu tháng 2-2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (ở TP. HCM) đã phải cắt giảm hàng ngàn lao động. Dù DN đã cố gắng sắp xếp, nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được, buộc phải giải thể một số dây chuyền sản xuất. Trong tháng 4 vừa qua, PouYuen Việt Nam lại tiếp tục cắt giảm thêm số lượng lớn nhân sự. Sự suy giảm của PouYuen Việt Nam là tin buồn với ngành da giày xuất khẩu trong năm 2023, bởi đây là doanh nghiệp FDI đầu tàu trong khối sản xuất của ngành giày dép, đóng góp doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Không chỉ PouYuen gặp khó, ngay tại Đồng Nai, nhiều đơn vị trong ngành thời trang, giày dép lớn có vốn đầu tư nước ngoài như Taekwang Vina, Changshin, Pouchen... cũng đã buộc phải điều tiết lại sản xuất, thậm chí giảm số lượng lao động nhất định do thiếu đơn hàng. DN FDI quy mô lớn khó khăn, các DN, nhãn hàng nội địa cũng gặp khó khi sức mua giảm. Theo các DN, trong tình hình như hiện nay, cần có giải pháp trung và dài hạn, còn trong ngắn hạn cần ưu tiên giảm bớt khó khăn cho DN để duy trì hoạt động bởi tổng cầu của thị trường thế giới đang rất yếu trong hiện tại. Bên cạnh đó, cần giảm lãi suất ngân hàng, giảm chi phí về logistics, đặc biệt là chi phí cầu cảng, hoàn thuế VAT, thuế đất… trong giai đoạn hiện nay.
* Thương hiệu nội tìm cách thích ứng
Đối với các DN giày dép nội địa có hoạt động xuất khẩu, việc thị trường thế giới co hẹp lại đặt DN trước những sự lựa chọn khó khăn, buộc phải linh hoạt để tiếp tục tồn tại, phát triển.
Theo bà Vưu Lệ Quyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), để giữ được việc làm cho 10 ngàn người lao động trong tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất giày dép trong thời điểm này rất khó khăn, dù qua 40 năm phát triển, Biti’s đã trở thành thương hiệu quốc dân. Hiện DN đang tập trung vào phân khúc giới trẻ, mở rộng thêm các kênh phân phối ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, công ty cũng nỗ lực để hướng tới phát triển bền vững với việc nghiên cứu, tái chế các vật tư dư thừa, góp phần xanh hóa sản xuất. Biti’s cũng chủ động tìm thêm đối tác cung ứng nguyên liệu và mở rộng đầu ra để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Với Công ty CP Nam Bình Minh (H.Vĩnh Cửu) chuyên sản xuất thương hiệu Prowin thì trong thời kỳ dịch bệnh sản xuất vẫn giữ được nhịp ổn định, nhưng từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra thì khó khăn nhiều hơn, hàng xuất khẩu giảm dần. Hiện tại, công ty tập trung vào thị trường nội địa và đã xây dựng được 600 đại lý trên cả nước.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, bên cạnh chăm chút cho sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng ở phân khúc trung bình, DN đang tính toán để mở thêm một công ty con chuyên sản xuất, cung cấp các loại khuôn mẫu, khuôn đế cho ngành giày dép.
Tương tự, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch) cũng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm ở thị trường nội địa thông qua hợp tác sản xuất giày cho các nhà bán lẻ, trung tâm thương mại, trường học. Đồng thời, DN tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm giày lưu hóa, balo, túi xách, phấn đấu trở thành nhà máy sản xuất giày lưu hóa hàng đầu của Việt Nam.
Văn Gia