Đồng Nai đề xuất xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025, còn Sở GT-VT TP.HCM lại đề xuất triển khai sau năm 2030, khiến nhiều người thắc mắc khi nào cầu Cát Lái mới được xây dựng?
Đồng Nai đề xuất xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025, còn Sở GT-VT TP.HCM lại đề xuất triển khai sau năm 2030, khiến nhiều người thắc mắc khi nào cầu Cát Lái mới được xây dựng?
Sau hơn 20 năm quy hoạch, đến nay thời điểm xây cầu thay phà Cát Lái vẫn chưa được thống nhất. Ảnh: P.Tùng |
Dự án Xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối H.Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai với Q.2, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã được quy hoạch thực hiện từ hơn 20 năm trước.
* Chưa thống nhất thời điểm xây cầu Cát Lái
Ngày 7-3 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản về việc góp ý các phương án kết nối TP.HCM với Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất bổ sung vào quy hoạch thêm 2 vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối 2 địa phương gồm: cầu kết nối TP.Thủ Đức (TP.HCM) với xã Tam An, H.Long Thành (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2) và cầu kết nối khu vực phía Nam TP.HCM với H.Nhơn Trạch (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2).
Cũng tại văn bản này, đối với dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cầu thay phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào quy hoạch GT-VT TP.HCM. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cập nhật trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22-3-2016 và quy hoạch sử dụng đất H.Nhơn Trạch. Theo đó, cầu thay phà Cát Lái có quy mô xây dựng trước năm 2025. Văn bản của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký nêu rõ giai đoạn đầu tư trước năm 2025 nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái.
Tại thông báo số 49/TB-SGTVT ngày 28-2-2023, Sở GT-VT Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng cầu thay phà Cát Lái trước năm 2025, nhằm chia sẻ lượng phương tiện lưu thông với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối sân bay Long Thành và đảm bảo việc lưu thông được an toàn hơn. |
UBND tỉnh cũng đề nghị UBND TP.HCM cập nhật vị trí cầu thay phà Cát Lái theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, đề xuất này của UBND tỉnh đã có sự chênh lệch về thời điểm triển khai đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái so với đề xuất của Sở GT-VT TP.HCM vào cuối năm 2022.
Cụ thể, tại thông báo số 14231/TB-SGTVT ngày 30-12-2022 thông báo nội dung kết luận cuộc họp của Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM về các phương án quy hoạch cầu kết nối TP.HCM với Đồng Nai, với phương án hướng tuyến cầu Cát Lái theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị này đề xuất dự kiến triển khai thực hiện sau năm 2030. Cụ thể, cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau khi đường vành đai 3-TP.HCM và đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 - TP.HCM hoàn thành, đưa vào khai thác. Đồng thời, phù hợp với kế hoạch, lộ trình di dời, sắp xếp các cảng biển.
* Ùn tắc giao thông ngày càng tăng
Anh Phạm Tuấn Kiệt, một người dân sống gần phà Cát Lái, bờ xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) cho hay, trước đây ở khu vực phà Cát Lái thường chỉ xảy ra tình trạng kẹt xe vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều hàng ngày. Thời điểm này, lượng công nhân đi làm và tan ca đông nên thường xảy ra kẹt xe trên tuyến đường dẫn vào phà Cát Lái. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe đã xảy ra thường xuyên và căng thẳng hơn.
Bến phà Cát Lái hiện hữu trên sông Đồng Nai nối đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và đường Lý Thái Tổ (đường tỉnh 769, H.Nhơn Trạch) nằm ở hạ lưu Tân cảng Cát Lái có quy mô bến phà cấp IV.
Tuyến đường dẫn vào phà Cát Lái thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe |
Năm 2021, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI) đã nghiên cứu và đưa ra đánh giá về hiện trạng phà Cát Lái. Theo TEDI, dù bến phà Cát Lái đã được UBND TP.HCM đầu tư mở rộng và nâng cấp, nhưng do mặt bằng bến bãi chật hẹp nên tối đa cùng lúc chỉ có 6-8 phà hoạt động để đảm bảo an toàn, đảm nhận khối lượng vận chuyển trung bình 50 ngàn lượt phương tiện và hành khách/ngày.
Số liệu thống kê các năm qua cho thấy, vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, lượng phương tiện tăng cao trên 80 ngàn lượt/ngày, xếp hàng chờ lên xuống dài 2-3km, thời gian chờ và lưu thông qua bến hơn 1 giờ 30 phút đã vượt quá công suất của bến, gây tình trạng ùn tắc ở 2 đầu bến. Năng lực vận tải của phà bị hạn chế, dẫn tới dòng xe chờ rất dài trên đường ra phà, ùn tắc giao thông ở các bến. Đường Nguyễn Thị Định là tuyến đường chính ra vào cảng Cát Lái thường xuyên ùn tắc, lại đảm nhận thêm lượng giao thông qua phà Cát Lái dẫn tới tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Dựa trên nhu cầu thực tế, việc xây dựng cầu Cát Lái để thay thế cho phà Cát Lái hiện tại là rất cần thiết. Sau khi xây dựng, cầu Cát Lái sẽ hình thành nên tuyến giao thông kết nối tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu thay thế bến phà hiện hữu đã quá tải, không đảm bảo năng lực thông hành. Từ đó, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc biệt, việc sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái cũng là yêu cầu cấp thiết để có thể khai thác tối đa hiệu quả của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi “siêu” dự án này hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Phạm Tùng