Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều địa phương đề xuất bổ sung bến thủy nội địa

08:03, 06/03/2023

Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các bến thủy nội địa mới.

Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các bến thủy nội địa mới.

Hoạt động vận chuyển hành khách tại bến đò Trạm, P.Bửu Long, (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng
Hoạt động vận chuyển hành khách tại bến đò Trạm, P.Bửu Long, (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng

Các bến thủy nội địa được đề xuất bổ sung chủ yếu nhắm đến mục tiêu phục vụ phát triển du lịch và vận chuyển vật liệu xây dựng.

* Hoàn thiện quy hoạch bến thủy nội địa

Theo Sở GT-VT, trên địa bàn Đồng Nai có mạng lưới sông, kênh với chiều dài hơn 2,5 ngàn km, trong đó có khoảng 200km có thể khai thác vận tải thủy. Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án quy hoạch phát triển kết cấu giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GT-VT cho hay, thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, qua công tác rà soát, sắp xếp, hiện nay, trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia và tuyến đường thủy nội địa địa phương trên địa bàn tỉnh có 90 cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và dọc sông được cấp phép hoạt động.

Trên thực tế, qua hơn 3 năm phê duyệt phương án quy hoạch phát triển kết cấu giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhiều địa phương đã có nhu cầu bổ sung các bến thủy nội địa.

Theo UBND H.Nhơn Trạch, trên địa bàn địa phương hiện có 4 cụm bến thủy nội địa với 15 bến đang hoạt động. Theo phương án quy hoạch phát triển kết cấu giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được phê duyệt năm 2019, sau khi rà soát, có 3 bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Đại Phước không nằm trong quy hoạch nên phải ngưng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện rất lớn. Chính vậy, H.Nhơn Trạch cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét để bổ sung lại 3 bến thủy nội địa này vào quy hoạch.

Đối với H.Định Quán, địa phương này cũng có nhu cầu bổ sung quy hoạch các bến thủy nội địa để phục vụ phát triển du lịch trong thời gian tới. Cụ thể, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2025-2030, H.Định Quán đã quy hoạch phát triển khai thác ven sông Đồng Nai đối với địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc. Mục tiêu là phát triển mô hình du lịch sinh thái nên địa phương cũng có nhu cầu bổ sung các bến thủy nội địa.

Một số huyện đề xuất chuyển mục đích sử dụng của bến thủy nội địa cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử, H.Tân Phú đề nghị, chuyển mục đích sử dụng bến thủy nội địa ở Tà Lài vì cầu Tà Lài đã được xây dựng nên nhu cầu vận chuyển hành khách của bến thủy này không còn cấp thiết.

* Nâng hiệu quả các bến thủy phục vụ du lịch

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, năm 2019, tỉnh đã phê duyệt phương án quy hoạch các bến thủy nội địa. Tuy nhiên, đến nay, nhu cầu của các địa phương cũng có sự thay đổi nên cần thiết phải bổ sung quy hoạch. Do đó, các địa phương phải rà soát kỹ và có báo cáo để xem xét bổ sung quy hoạch. Riêng Sở GT-VT có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu của các địa phương cũng như ý kiến của các cơ quan chức năng báo cáo UBND tỉnh làm cơ sở để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN-MT, Sở VH-TTDL rà soát lại các bến du lịch, bến đò ngang, đò dọc có thể phát triển để phục vụ mục đích công cộng thì đưa vào danh mục đầu tư công và giao cho các địa phương quản lý. Đặc biệt, đối với các bến du lịch, cần rà soát để thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Sau khi đầu tư xong các bến thủy trên thì giao cho địa phương quản lý, khai thác trên cơ sở phục vụ nhu cầu của các đơn vị có nguyện vọng khai thác để phát triển du lịch. 

Dự báo, trong những năm tới, khi giao thông kết nối thuận lợi, du lịch Đồng Nai sẽ có những bước phát triển nhanh. Trong đó, du lịch đường sông, hồ có rất nhiều tiềm năng đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác. Vì thế, quy hoạch và xây dựng sẵn các bến thủy phục vụ du lịch sẽ giúp các dự án du lịch của tỉnh xây dựng nhanh và đi vào khai thác hiệu quả hơn.

Theo Sở GT-VT, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có 8 bến hành khách có phần kết cấu cầu dẫn và phao nổi nằm trên vùng đất mặt nước chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho thuê nên khó khăn trong việc công bố hoạt động.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều