Vài năm trở lại đây, từ Trung ương đến các địa phương đều đặt mục tiêu thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản, nhất là chế biến rau, củ, quả tươi. Mục tiêu nhằm hạn chế tình trạng được mùa mất giá, nâng cao giá trị cho nông sản.
Vài năm trở lại đây, từ Trung ương đến các địa phương đều đặt mục tiêu thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản, nhất là chế biến rau, củ, quả tươi. Mục tiêu nhằm hạn chế tình trạng được mùa mất giá, nâng cao giá trị cho nông sản.
Chế biến các mặt hàng trái cây tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, ngành chế biến vẫn loay hoay chưa thoát khỏi thực trạng công nghệ sản xuất lạc hậu. Trong năm 2023, thu hút đầu tư chế biến tiếp tục có nhiều nét mới khi có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
* Còn yếu và thiếu
Theo báo cáo của Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường đầu tư chế biến (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có hơn 7,5 ngàn doanh nghiệp (DN) chế biến nông lâm thủy sản; tập trung vào 13 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như: lúa gạo, cà phê, tiêu, đường, rau trái, thủy sản… Trung bình mỗi năm, Việt Nam có thể chế biến 120 triệu tấn nguyên vật liệu nông sản. Tuy có một số ngành hàng chế biến có công nghệ ngang tầm thế giới nhưng đa số còn nhỏ lẻ, lạc hậu với khoảng 95% cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ.
Công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch của nước ta còn rất lớn từ 10-25% tùy từng ngành hàng, lĩnh vực. Đặc biệt, mặt hàng rau trái, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch có thể lên đến 25-30% do thời gian thu hoạch ngắn, các điều kiện từ khâu vận chuyển thu hái đến chế biến máy móc, thiết bị còn thô sơ. Các sản phẩm sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ lớn từ 70-80%, các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao còn ít.
Ông Phạm Minh Thắng, đại diện Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường đầu tư chế biến nhận xét, một số ngành chế biến có quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn trong đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật xuất khẩu. Năng suất lao động trong ngành chế biến còn thấp, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ nên khi gặp biến động như dịch Covid-19, một số ngành hàng rất bị động, lúng túng, khó khăn trong ứng phó.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, thị trường vốn dễ tính Trung Quốc đang nâng cao các tiêu chuẩn về nông sản tươi và chế biến không thua gì các thị trường khó tính. Năm 2021, Trung Quốc kiểm tra, phát hiện gần 2,9 ngàn lượt hàng hóa vi phạm các tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia có lượt hàng hóa xuất khẩu vào nước này bị cảnh báo. Các nhóm hàng hóa bị cảnh báo nhiều nhất là nhóm các sản phẩm thủy sản rồi đến nhóm sản phẩm chế biến như nước trái cây, hạt khô, cà phê lon.
* Cần chính sách đột phá
Đồng Nai là nơi sản xuất nhiều rau, củ, trái cây nên rất quan tâm việc thu hút đầu tư cho chế biến nông sản. Trong đó, tỉnh tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh như: chế biến thức ăn chăn nuôi, cà phê, hạt điều, rau củ quả, lâm sản. Đến nay, toàn tỉnh có 50 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 4,3 triệu tấn/năm; 22 cơ sở sơ chế, chế biến động vật với 30 ngàn tấn thành phẩm/năm. Đồng thời, tỉnh có 260 DN, cơ sở chế biến nông sản cà phê, điều, trái cây.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 40 DN áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO 22000 trong chế biến nông sản, đáp ứng chất lượng sản phẩm an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho biết, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã rà soát và kêu gọi đầu tư 60 dự án, trong đó có 50 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thu hút đầu tư chế biến, nhất là chế biến sâu nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ) nhưng tiến độ thực hiện còn rất chậm do vướng công tác bồi thường. Nếu không có quỹ đất thì việc kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu nông sản rất khó khăn.
Cũng theo ông Phạm Minh Thắng, công nghiệp chế biến phải được xác định là khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất; góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trước đây, nước ta đã có rất nhiều chính sách phát triển ngành chế biến nhưng vẫn mang tính chung chung; giải pháp đầu tiên là phải có chính sách đột phá cho ngành chế biến nông lâm thủy sản. Ngoài chính sách được ban hành phải đảm bảo về nguồn lực để thực thi chính sách; nâng cao hiệu lực quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất liên kết nguyên liệu để đảm bảo ổn định về số lượng, chất lượng, giá cả nguyên liệu chế biến cũng là giải pháp quan trọng cần được quan tâm. Vì trong thực tế, các DN chế biến trăn trở rất nhiều về nguyên liệu chế biến; là yếu tố quyết định DN chế biến có đầu tư vào chế biến hay không.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển ngành chế biến hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được các nhu cầu và quy định của các thị trường tiêu thụ để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng tốp 10 nước hàng đầu của thế giới. |
Bình Nguyên