Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất

08:02, 02/02/2023

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp (DN) đều muốn thực hiện để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp (DN) đều muốn thực hiện để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh.

Sản xuất thép vật liệu ngành hàn tại Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lộc
Sản xuất thép vật liệu ngành hàn tại Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lộc

Đây cũng là chương trình quốc gia của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, hướng đến nền kinh tế xanh.

* Gia tăng lợi thế cạnh tranh

Công nghiệp hiện là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong cơ cấu ngành kinh tế với gần 50%. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với cơ sở sản xuất là yêu cầu bắt buộc. Điều này vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho chính đơn vị thực hiện.

Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) là DN thực hiện khá tốt việc tiết kiệm năng lượng. Từ khi xây dựng nhà máy, DN đã chú trọng chọn vật liệu đạt chứng nhận LEED (chứng nhận của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ dành cho công trình xây dựng xanh), sử dụng mái che phản chiếu ánh sáng mặt trời và lắp đặt hệ thống thông gió tự nhiên. Mới đây, DN lắp khoảng 15 ngàn tấm pin năng lượng mặt trời tạo điện cho sản xuất đồng thời giúp giảm khoảng 2 ngàn tấn CO2/năm.

Năm 2022, tỉnh tiết kiệm được 335 triệu kWh điện. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiết kiệm nhiều nhất với hơn 250 triệu kWh.

Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai cho biết: “Saitex có nhà máy cắt và may derim đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt chứng nhận Bluesign (nhà máy sản xuất dệt bền vững), tiêu chuẩn fairtrade (thương mại công bằng) và LEED. Hiện DN phát triển được 6 nhà máy ở Đồng Nai, TP.HCM và Hoa Kỳ. Điều này có được là nhờ vào các hoạt động về môi trường của DN, trong đó có nỗ lực tiết kiệm năng lượng và bù đắp lượng khí thải carbon”.

Tiết kiệm năng lượng thông qua cải tiến máy móc thiết bị, áp dụng mô hình quản lý hiện đại, phát triển nguồn năng lượng tái tạo vừa giúp DN tiết kiệm tiền điện, giảm giá thành sản xuất, vừa là cơ hội để DN xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô.

Là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, những năm qua, Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện, trong đó có khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất. Đáng chú ý, giải pháp Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép đã giúp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu USD tiền điện (trong 3 năm).

Theo Phó tổng giám đốc công ty Ngô Tiến Thọ, nhờ giải pháp Tối ưu hóa năng lượng nung phôi mà 3 năm qua DN tiết kiệm được khoảng 40 kWh điện nung/tấn sản phẩm, tăng năng suất và tiết kiệm 0,5% tiêu hao kim loại của xưởng cán, giảm chi phí bảo trì… Đây cũng là giải pháp đại diện Việt Nam dự và đoạt giải ba cuộc thi Phát triển ngành thép cạnh tranh trong khu vực ASEAN năm 2022 do Hiệp hội Thép Đông Nam Á - SEAISI tổ chức tại Malaysia.

* Hướng đến nền kinh tế xanh

Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, hướng đến nền kinh tế xanh và thực hiện các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam tham gia.

Trên cơ sở đó, mỗi năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giao chỉ tiêu cho các ngành, lĩnh vực và phân công trách nhiệm thực hiện.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Theo Sở Công thương, hiện nay nhiều DN đã có ý thức thực hiện tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn nhằm xây dựng thương hiệu, hướng đến phát triển lâu dài. Song còn nhiều DN chưa chú tâm thực thi. Nguyên nhân do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.

Giám đốc Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành) Nguyễn Đạo Hữu chia sẻ, luật và các văn bản hướng dẫn tiết kiệm năng lượng chỉ đề cập sản xuất nhựa tiêu dùng trong khi công ty sản xuất bột nhựa nguyên liệu nên không có cơ sở so sánh. Mặc dù vậy, công ty vẫn cử cán bộ học lớp người quản lý năng lượng, thành lập Ban Quản lý năng lượng chuyên trách. Thay thế dần các thiết bị cũ, tiêu hao năng lượng sang thiết bị ít tiêu tốn năng lượng, tổ chức vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị định kỳ nhằm duy trì độ bền máy móc.

Hiện nay, nhiều DN, nhãn hàng đã đưa ra lộ trình và cam kết sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm khí thải nhà kính để tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Điều này giúp DN giữ chân khách hàng truyền thống, thêm cơ hội hợp tác với khách hàng mới, mở rộng sản xuất và phát triển. Đây cũng là giải pháp hướng đến phát triển bền vững. 

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều