Sau 2 năm thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, 6 tỉnh, thành miền Đông đang có những chiến lược mới trong liên kết phát triển để đưa ngành Du lịch bứt phá theo xu hướng cấp vùng.
Sau 2 năm thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ (ĐNB), 6 tỉnh, thành miền Đông đang có những chiến lược mới trong liên kết phát triển để đưa ngành Du lịch bứt phá theo xu hướng cấp vùng.
Gian hàng du lịch của Đồng Nai với các sản phẩm là nông sản địa phương. Ảnh: N.Liên |
Với mục tiêu tạo lập không gian du lịch thống nhất của vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các tỉnh, thành vùng ĐNB đang dồn sức, hợp lực để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành Du lịch trong vùng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
* Khai thác lợi thế địa phương
Tại hội nghị sơ kết 2 năm liên kết phát triển du lịch ĐNB, các tỉnh, thành trong vùng đã thống nhất thực hiện kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn tới nhằm đạt mục đích tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết theo thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB giai đoạn 2020-2025; đồng thời, tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng ĐNB trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển du lịch đến các địa phương. Bên cạnh đó, chương trình liên kết cũng tạo môi trường giao lưu, liên kết các doanh nghiệp du lịch trong vùng cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm, đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch.
Trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, ĐNB là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, sinh thái cộng đồng, nghỉ dưỡng, biển… |
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng nhận định, hợp tác liên kết phát triển du lịch vùng, khu vực không chỉ đem lại lợi nhuận phát triển du lịch cho mỗi địa phương thông qua hỗ trợ và bổ sung sản phẩm du lịch cho nhau, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sự cạnh tranh với các vùng khác mà còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, khu vực, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần. Hợp tác liên kết là cơ hội để thu hút đầu tư phát triển địa phương, là cơ hội để trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ hội cho ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính chất đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng. Nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong khu vực liên kết vùng. Thời gian qua, Đồng Nai luôn tích cực phối hợp với các địa phương tham gia và tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch như: ký kết kích cầu du lịch với ngành Du lịch TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức các cuộc khảo sát một số điểm đến nổi bật của tỉnh cho các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông của các địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, Đồng Nai mong muốn các tỉnh, thành trong vùng phối hợp triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, Đồng Nai đang tập trung đầu tư xây dựng và khai thác tuyến du lịch sông Đồng Nai kết nối giữa TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, gắn liền với khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa dọc hai bên bờ sông của các địa phương, đồng thời nghiên cứu hình thành tuyến du lịch TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với tham quan, mua sắm tại TP.HCM kết hợp du lịch sinh thái rừng tại Đồng Nai và du lịch biển đảo tại Bà Rịa - Vũng Tàu để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch của vùng.
* Tạo sức mạnh hội tụ cho du lịch cấp vùng
Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Đoàn Văn Việt nhận định, hoạt động liên kết phát triển cấp vùng tại ĐNB không chỉ đem lại sự đa dạng sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, đồng thời tổ chức được nhiều sự kiện du lịch tiêu biểu, hội chợ, ngày hội du lịch…
Khách du lịch ghé thăm sóc Bom Bo vừa được xem ca nhạc vừa thưởng thức các món ăn ngon. Ảnh: N.Liên |
Thứ trưởng mong rằng, chương trình liên kết phát triển du lịch vùng ĐNB sẽ tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình là đầu tàu du lịch của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến có sức hút lớn đối với du khách.
Để đạt được những kỳ vọng trên, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành ĐNB phải triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã ký kết. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành trong kết nối các điểm đến, phát triển các điểm đến mới, sản phẩm du lịch mới… Cần làm rõ hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch ĐNB so với các vùng du lịch khác thông qua khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng ĐNB có thế mạnh như: du lịch MICE
(TP.HCM), du lịch biển (Bà Rịa - Vũng Tàu), du lịch văn hóa tâm linh (Tây Ninh, Đồng Nai), du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp nông thôn, làng nghề, công nghiệp, đường sông… tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Chia sẻ những đặc thù cấp vùng, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ĐNB với tư cách là vùng trọng điểm phát triển cao nhất Việt Nam, ĐNB cần phải xác định mình không chỉ là vùng du lịch cạnh tranh với các vùng khác trong cả nước mà ĐNB phải cạnh tranh với quốc tế, cạnh tranh toàn cầu về phát triển du lịch. Để nâng cấp được những sản phẩm du lịch cần có những doanh nghiệp trụ cột, là đầu đàn, có những tập đoàn du lịch mạnh có thể thổi bùng sự phát triển du lịch, tạo sự khác biệt, đẳng cấp cho du lịch ĐNB. Cần hội tụ sức mạnh liên kết để đưa phát triển bứt phá hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VH-TTDL ĐOÀN VĂN VIỆT cho rằng, ĐNB cần tập trung xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh chuyển đổi số, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Bộ VH-TTDL sẽ hoàn thiện cơ chế về liên kết hợp tác phát triển du lịch, đồng hành cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. |
Ngọc Liên