Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất động sản 'quay cuồng' vì thiếu dòng tiền

07:01, 07/01/2023

Hơn nửa năm qua, hầu hết các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) chao đảo vì tín dụng bị siết chặt. Do đó, đa số DN thiếu vốn để triển khai tiếp dự án, còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để "lướt sóng". Thị trường BĐS rơi vào thời kỳ "ngủ đông".

Hơn nửa năm qua, hầu hết các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) chao đảo vì tín dụng bị siết chặt. Do đó, đa số DN thiếu vốn để triển khai tiếp dự án, còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để “lướt sóng”. Thị trường BĐS rơi vào thời kỳ “ngủ đông”.

Khu dân cư Bửu Long (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang được xây dựng. Ảnh: Lò Văn Hợp
Khu dân cư Bửu Long (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang được xây dựng. Ảnh: Lò Văn Hợp

Trước đây, đất nền, nhà ở thuộc vùng tứ giác kinh tế: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM luôn sôi động, nhưng gần 1 năm nay rất ảm đạm. Nhiều dự án BĐS bị đình trệ do một số nguyên nhân như: vướng thủ tục đất đai, xây dựng, quy hoạch và thiếu vốn.

* Cần nguồn vốn lớn

Mặc dù đầu tháng 12-2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có dòng tiền khoảng 240 ngàn tỷ đồng cộng với khoảng 200 ngàn tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế, nhưng đến đầu năm 2023, nhiều DN, nhất là DN trên lĩnh vực BĐS và người mua nhà vẫn rất khó vay được vốn. Theo các DN, nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, nhiều dự án BĐS của DN phải tạm dừng triển khai vì thiếu nguồn vốn để đầu tư. Điều này khiến cho thị trường BĐS đang khó khăn rơi vào tình trạng ảm đạm hơn. Trong tình thế “bất thường” thì Chính phủ cần phải ban hành các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả những khó khăn của thị trường BĐS. “Nhà nước nên có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường BĐS khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng” - ông Châu bày tỏ.

Theo Sở TN-MT, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ tăng thêm gần 11 ngàn ha đất ở. Như vậy, đến năm 2030, trên toàn tỉnh có gần 30,16 ngàn ha đất ở.

Hiện nay, DN xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do DN có khoản vay đáo hạn chưa thanh toán, nên không đạt “chuẩn” tín dụng.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long
(TP.HCM), cho biết: “DN đang đầu tư một số dự án BĐS tại TP.HCM, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác nên rất cần nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu có được khoản vay mới thì DN có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản có thể hoàn trả khoản vay cũ và thanh toán khoản vay đáo hạn. Như vậy sẽ có lợi cho cả DN lẫn tổ chức tín dụng và có thể cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Vừa qua, nhiều DN BĐS tại Đồng Nai cũng như cả nước đã đề nghị Chính phủ cho thế chấp trái phiếu của DN để vay vốn cho các dự án đang triển khai. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại đều không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu do không đạt “chuẩn” tín dụng. Nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu DN thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để DN có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản.

* Ưu tiên vốn vay cho người mua nhà để ở

Trên thị trường Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác rất khan hiếm  căn hộ nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu phân khúc này rất lớn. Hiện nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu đến 50%. Do đó, nếu người có nhu cầu về nhà ở thật sự có thể vay được tín dụng với lãi suất hợp lý để mua nhà thì cả DN và người dân đều có lợi. Vì người dân sẽ có nhà để ở, bớt phải chờ đợi mỏi mòn mua nhà ở xã hội, còn DN BĐS bán được sản phẩm sẽ có dòng tiền tái đầu tư những dự án mới.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 120 dự án khu dân cư đã được HĐND tỉnh đưa vào danh mục thu hồi đất để triển khai thực hiện. Các dự án trên tập trung tại TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và H.Trảng Bom.

Bà Lê Thị Phương Linh (ngụ KP.1, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi từ miền Trung vào Biên Hòa sinh sống và làm việc đã hơn 10 năm, nhưng số tiền tích lũy chưa đủ để mua nhà nên vẫn phải ở nhà trọ. Dịp này nghe nói giá nhà, đất nền giảm mạnh, tôi dự tính vay tiền để mua nhà, nhưng hỏi mấy ngân hàng đều không vay được”.

Mặc dù Chính phủ đã nới room tín dụng và nền kinh tế có thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng trên lĩnh vực BĐS vẫn rất ít DN “chạm tay” được gói vay trên.

Ông Đàm Thế Dân, Chủ tịch HĐQT, Phó giám đốc Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, cả chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị và người mua nhà đều rất khó tiếp cận được nguồn tín dụng, khiến cho thị trường BĐS càng thêm trầm lắng. Bởi vì, DN thiếu tiền triển khai dự án, trong khi người mua nhà sẽ không đủ khả năng mua nhà nếu không có hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng”.

Nếu khó khăn về tín dụng không được tháo gỡ thì Đồng Nai cũng như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh, thành khác rất khó thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực dự án khu dân cư hay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị sẽ “giậm chân tại chỗ”, vì DN hết nguồn tiền để đầu tư tiếp. Hiện nay, 3 nơi có thể huy động nguồn vốn lớn cho các dự án BĐS đều bị “nghẽn”, đó là nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động từ khách hàng và nguồn vốn từ trái phiếu. Vì thế, hàng loạt công ty BĐS từ lớn đến nhỏ tại Việt Nam đang đứng bên bờ vực, phải cắt giảm nhiều nhân sự. Có những DN, tập đoàn BĐS chỉ giữ lại bộ phận quan trọng, còn lại phải tỉnh giảm hết lao động vì không đủ khả năng chi trả lương. 

Tại Đồng Nai đã quy hoạch gần 300 dự án khu dân cư, nhưng đến nay rất ít khu dân cư được đầu tư hoàn thành. Trong bối cảnh như hiện nay, việc đầu tư xây dựng các dự án khu dân cư lại càng khó khăn hơn.


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI: Thu hút đầu tư dự án BĐS khó khăn

Trong năm 2022, Đồng Nai gặp khó khăn về thu hút đầu tư vào các dự án khu dân cư, khu đô thị do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, tín dụng với lĩnh vực BĐS bị siết chặt. Do đó, DN đầu tư vào các dự án BĐS lớn trong tỉnh giảm hẳn, ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư trong nước. Cụ thể, năm 2022, thu hút đầu tư trong nước đạt khoảng 20% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, các dự án BĐS tại Đồng Nai gặp vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, cấp chủ trương đầu tư liên quan đến Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng…

Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ: Ưu tiên cho dự án nhà ở xã hội

Hiện nay, Đồng Nai đang ưu tiên mời gọi các DN đầu tư vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vì nhu cầu mua nhà giá rẻ của người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tỉnh đã quy hoạch gần 40 khu đất tại các huyện, thành phố để mời gọi các DN đầu tư dự án. Đồng thời, tỉnh cũng đưa ra quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội cho DN biết, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, nhà ở liền kề thấp tầng, căn hộ chung cư diện tích không quá 70m2. Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Uyển Nhi (ghi)


Hương Giang

Tin xem nhiều