Sau hơn 3 năm triển khai, Đồng Nai hiện có 150 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Trong đó có hàng chục đặc sản từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như: chả giò, chà bông và các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi, thủy sản, chuối sấy, trà… được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Sau hơn 3 năm triển khai, Đồng Nai hiện có 150 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Trong đó có hàng chục đặc sản từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như: chả giò, chà bông và các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi, thủy sản, chuối sấy, trà… được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Các đặc sản chế biến từ chuối tại H.Thống Nhất sử dụng nguyên liệu là các giống chuối bản địa như: chuối bơm, chuối sứ |
Được chứng nhận OCOP không chỉ giúp các đặc sản địa phương tăng sự nhận diện với người tiêu dùng trong nước mà còn mở rộng cơ hội về thị trường xuất khẩu.
* Đặc sản quê làm OCOP
Đồng Nai có nhiều vùng đặc sản truyền thống nức tiếng gần xa như: đặc sản trà Phú Hội, tôm chua của H.Nhơn Trạch; làng chuối sấy, chuối chiên lâu năm đến làng nghề làm giò lụa xứ Bắc ngon nổi tiếng ở H.Thống Nhất; nghề làm khô cá kìm, khô cá lóc của H.Định Quán…
Với hơn 13,4 ngàn ha chuối, có thể nói, Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu về diện tích trồng chuối trong cả nước. Trong đó, các H.Thống Nhất, Trảng Bom không chỉ tập trung các vùng chuyên canh trồng chuối lớn mà còn phát triển nghề chế biến chuối chiên, chuối sấy với hàng chục lò sản xuất tạo ra những món đặc sản truyền thống chế biến từ chuối nổi tiếng lâu năm của đất Đồng Nai.
Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ đánh giá, năm 2022, toàn tỉnh có thêm 58 sản phẩm OCOP được công nhận. Điểm nhấn là các chủ thể đã chú trọng nâng cao chất lượng, có sự chuyển biến tốt trong đầu tư về mẫu mã, bao bì. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm nay cũng minh chứng cho chất lượng thương hiệu của các chủ thể sản phẩm làng nghề ở các địa phương. |
Làm giò, chả cũng là nghề truyền thống được tiếp nối qua nhiều thế hệ ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Địa phương này vừa phát triển nghề nuôi heo, vừa là vùng tập trung đông người gốc Bắc nên hội tụ đủ những điều kiện để hình thành và phát triển nghề làm giò lụa, món ăn đặc trưng của người miền Bắc.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết, chỉ tính riêng xã Gia Kiệm đã có 21 cơ sở chế biến giò, chả được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, địa phương còn nổi tiếng về nghề làm chà bông heo, chà bông gà và các món chế biến từ thịt. Đặc biệt, nghề làm giò lụa dù chưa đủ điều kiện để hình thành làng nghề nhưng địa phương có tiếng về nghề làm giò lụa ngon với sản phẩm cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện có nhiều cơ sở giò lụa đầu tư nhà xưởng, xây dựng quy trình chế biến quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đủ điều kiện được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hồ Trị An rất dồi dào nguồn thủy sản nước ngọt nên nhiều khu vực quanh hồ phát triển nghề chế biến các đặc sản từ cá nước ngọt. Trong đó, ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (H.Định Quán) là bến cá đánh bắt và tập trung nhiều hộ, cơ sở làm các loại khô từ nguồn cá đánh bắt, nuôi trồng trên hồ Trị An. Các cơ sở này hoạt động quanh năm. Trong đó, sản phẩm khô cá kìm thu hút nhiều hộ chế biến và là đặc sản ngon nổi tiếng của hồ Trị An.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán) cho biết, địa phương có lợi thế nằm giáp lòng hồ Trị An với nghề đánh bắt và chế biến thủy sản rất phát triển. Làm khô cá kìm, khô cá lóc… là nghề truyền thống của địa phương; đặc biệt khô cá kìm là đặc sản độc đáo của hồ Trị An vì độ thơm ngon và có nguồn cung đều đặn quanh năm.
* Tăng độ nhận diện thương hiệu
Nhờ chương trình OCOP, nhiều đặc sản quê đã được hỗ trợ làm nhãn hàng, thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường: “Địa phương đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường với 15 thành viên tham gia chuỗi liên kết. Chúng tôi đã chuẩn hóa quy trình chế biến, đảm bảo sản lượng lớn, có đăng ký nhãn hàng. Năm 2020, sản phẩm khô cá kìm được chứng nhận là sản phẩm OCOP giúp đặc sản quê này mở rộng thị trường tiêu thụ đi khắp cả nước”.
Nghề truyền thống chế biến giò lụa tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khánh, chủ cơ sở giò chả Khánh Trang tại xã Gia Kiệm vừa có sản phẩm giò lụa đạt chứng nhận OCOP năm 2022 chia sẻ: “Đây là nghề gia truyền vì vợ chồng tôi tiếp nối nghề của bố mẹ. Thị trường sản phẩm giò lụa hiện nay rất cạnh tranh. Chính vì vậy, khi được địa phương hỗ trợ đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, gia đình tôi rất tích cực tham gia với mong muốn xây dựng uy tín thương hiệu để tăng sự nhận diện với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cho biết, trước đây, cơ sở chỉ chú trọng khâu chế biến nên không quá quan tâm đầu tư cho nhãn hàng, thương hiệu. Năm 2020, cơ sở tham gia chương trình OCOP và có 2 sản phẩm là chuối chiên giòn và chuối sấy dẻo đạt chứng nhận OCOP. Cơ sở đầu tư cho mẫu mã, bao bì, mở rộng quy mô xưởng sản xuất để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.
Cũng làm món chuối sấy nhưng HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom), đơn vị chuyên xuất khẩu trái chuối tươi lại chọn nguyên liệu là loại chuối già cấy mô chứ không phải các giống chuối truyền thống của địa phương. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho biết, sau khi đóng hàng chuối tươi xuất khẩu, nguồn chuối dạt tồn lại rất nhiều nên HTX đầu tư nhà sơ chế, chế biến để không lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào này. HTX sử dụng công nghệ chiên chân không để làm ra những lát chuối giòn tan, hương vị tự nhiên và đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao, màu sắc tự nhiên. HTX đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có chứng nhận tiêu chuẩn HACCP năm 2020, cấp chứng nhận ISO 22000:2018 năm 2020 và gửi xét nghiệm mẫu sản phẩm định kỳ hàng năm để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Bình Nguyên