Cùng với những công trường, dự án lớn về hạ tầng có vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ thì một mảng khác trong ngành Xây dựng là các công trình dân dụng, nhà ở cũng tăng tốc trở lại.
Cùng với những công trường, dự án lớn về hạ tầng có vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ thì một mảng khác trong ngành Xây dựng là các công trình dân dụng, nhà ở cũng tăng tốc trở lại.
Được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng dân dụng đang tăng tốc để sớm hoàn thành công trình cho khách hàng trước Tết. Ảnh: V.Gia |
Sau một thời gian dài tạm ngưng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đang cố gắng để hoàn thành nốt những dự án nhà ở dang dở, kịp đưa vào sử dụng cuối năm theo yêu cầu của chủ nhà.
* Tăng tốc sau giãn cách
Trước khi hoạt động trở lại, Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ xây dựng Vĩnh Phát (TP.Biên Hòa) còn nhiều công trình đang làm dang dở. DN này chuyên xây dựng nhà dân dụng, nhà trọ mini, nhà cấp 4, nhà phố, biệt thự, nhà vườn, nhà xưởng… và thi công hệ thống cửa của các công trình.
Ông Hán Vinh Đạt, Giám đốc công ty cho biết, thực hiện các yêu cầu của địa phương, bám sát tình hình thực tế, công ty đã nhiều lần thông báo hoãn thi công các công trình để phòng dịch Covid-19. Hiện nay, sau khi được phép hoạt động xây dựng trở lại, DN đang tăng tốc thực hiện nhiều công trình cùng lúc. Theo đó, DN đang có 4 công trình trọng điểm là biệt thự cao cấp, nhà ở kết hợp văn phòng, khách sạn mini và nhà xưởng cùng lúc tái triển khai hoạt động xây dựng để có thể kịp hoàn thành tiến độ vào cuối năm.
“Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là lúc các công trình cũng như văn phòng ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động, chúng tôi chuyển trạng thái sang làm việc online nhiều hơn bằng cách tìm kiếm các hợp đồng tư vấn thiết kế, chuẩn bị cho phục hồi sau giãn cách” - ông Đạt cho biết về giải pháp duy trì hoạt động của công ty mình.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Hà cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch, dự định của DN trong năm nay. Nhiều công trình đã được lên kế hoạch từ trước chưa thực hiện được. Đối với lĩnh vực xây dựng dân dụng, nhà ở, thời điểm này rất ít công trình khởi công mới vì sau một thời gian dài, nguồn kinh phí của chủ đầu tư cũng sụt giảm. Chỉ các công trình chuyển tiếp, còn dang dở là phải tăng tốc để hoàn thành.
“Dịch bệnh Covid-19 khiến các DN phải ngừng hoạt động ngay tại thời điểm quan trọng trong năm, như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng tới 60% so với những dự định đưa ra từ đầu năm. Khởi công các công trình mới hiện nay là không thể, chúng tôi đang tập trung nhân lực để thực hiện nốt những dự án đang dang dở” - ông Hà nói.
* Vẫn đối mặt nhiều nỗi lo
Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, tình hình dịch bệnh trong quý III-2021 khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngành Xây dựng tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, hiện vẫn chưa thể hồi phục. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất ngành Xây dựng trên địa bàn; cụ thể là quý III chỉ đạt hơn 8,9 ngàn tỷ đồng, giảm 28,64% so với quý II và giảm 29,47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những khó khăn mà các DN gặp phải hiện vẫn tiếp diễn như: thiếu lao động, thiếu vật liệu để thi công và nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư bị gián đoạn do phải thực hiện giãn cách xã hội chưa phục hồi được. Mặc dù là thời điểm cao điểm trong mùa xây dựng nhưng so với thông thường hằng năm, các DN khó hoàn thành được các mục tiêu của mình trong năm nay.
“Giá vật liệu xây dựng các loại đều tăng, khiến cho chi phí thi công công trình cũng đội lên theo. So với năm ngoái, chi phí hiện tại tăng cao lên tới 40%, DN cũng gặp những khó khăn khác chưa thể sớm giải quyết. Đơn cử như một số thợ có kinh nghiệm đã về quê nên mất thời gian tìm kiếm, khó khăn trong việc tăng tốc thi công” - ông Hán Vinh Đạt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ xây dựng Vĩnh Phát cho biết thêm.
Khi hoạt động trở lại, bên cạnh việc giải quyết những khó khăn về nhân công và vật liệu, điều mà các DN ngành Xây dựng đặc biệt lưu tâm là an toàn phòng, chống dịch. Địa phương đã cho phép các dự án, công trình xây dựng được thi công trở lại, tuy nhiên chủ đầu tư phải cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ công nhân lao động, tuân thủ 5K. Lực lượng chức năng cũng có thể tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác phòng dịch để bảo đảm an toàn nên DN phải đặc biệt tuân thủ.
Theo các DN trong ngành Xây dựng, thời điểm cuối năm thông thường là mùa cao điểm của xây dựng. Năm nay dịch bệnh bùng phát nên mặc dù các DN vẫn nỗ lực để hoàn thành các hợp đồng khi hết giãn cách, song đó cũng chỉ là bước đầu hồi phục. Vấn đề DN quan tâm là địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh để kinh tế khởi sắc, nhu cầu về xây dựng của người dân, DN gia tăng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Văn Gia