Báo Đồng Nai điện tử
En

''Đi chợ'' trên app trong đại dịch

03:07, 15/07/2021

Trước đây, việc đi chợ trên app thường gói gọn trong giới văn phòng, những người bận rộn với công việc xã hội và gia đình. Nhưng hiện tại, nhiều bà nội trợ thành thị lẫn nông thôn đã chuyển sang mua thực phẩm trên các ứng dụng và nhận hàng ngay tại nhà.

Trước đây, việc đi chợ trên app (phần mềm tiện ích) thường gói gọn trong giới văn phòng, những người bận rộn với công việc xã hội và gia đình. Nhưng hiện tại, nhiều bà nội trợ thành thị lẫn nông thôn đã chuyển sang mua thực phẩm trên các ứng dụng và nhận hàng ngay tại nhà.

Chị Trần Thị Hương (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) nhận hàng ngay tại nhà. Ảnh: H.Lộc
Chị Trần Thị Hương (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) nhận hàng ngay tại nhà. Ảnh: H.Lộc

Cách làm này vừa đảm bảo nhu yếu phẩm cho gia đình vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch do tập trung đông người.

* Giải pháp mua sắm an toàn, tiện lợi

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 siêu thị lớn: BigC Đồng Nai, BigC Tân Hiệp, MM Mega Market, Co.opmart Biên Hòa, Lotte Mart. Các siêu thị này mở cửa bán hàng trực tiếp và có ứng dụng mua sắm online. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ Vinmart có hơn 70 cửa hàng, hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh có hơn 50 cửa hàng, tất cả đều đang mở cửa, có website mua hàng online, có app mua hàng trực tuyến.

Hơn 1 tháng qua, chị Trần Thị Hương, ngụ ấp 7, xã An Phước (H.Long Thành) không đi chợ hằng ngày như trước. Thay vào đó, chị chuyển sang đặt hàng trên app mua sắm trực tuyến. Rút kinh nghiệm từ những lần đặt hàng ban đầu, phải 2-4 giờ mới được nhận, chị Hương chuyển sang đặt hàng vào tối hôm trước. Chỉ một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, sáng sớm hôm sau, chị Hương đã có một giỏ hàng với đầy đủ nguyên liệu thực phẩm cho bữa cơm gia đình, đồ gia dụng cần thiết mà không phải đến chợ.

KP.An Hòa, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) hiện nằm trong vùng phong tỏa nên mọi hoạt động đi lại, buôn bán không thật sự cần thiết bị cấm. Chị Nguyễn Thị Nhi ở khu phố này cho biết, khi chị hay tin phường bị phong tỏa thì các cửa hàng tạp hóa, “chợ cóc” gần nhà đã không còn gì để mua. Gấp gáp quá chị lên mạng xã hội cầu cứu bạn bè thì được chỉ cách tải app mua hàng online. Nhờ vậy, những ngày qua gia đình chị Nhi không bị thiếu rau xanh, thịt, cá. Hàng hóa được giao đến gần chốt kiểm soát dịch, chị ra lấy.

Một số ứng dụng đặt và giao hàng tại nhà
Một số ứng dụng đặt và giao hàng tại nhà

Những ngày qua, khi nhiều chợ tự phát, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động đột ngột để phòng, chống dịch, vào siêu thị phải xếp hàng dài chờ đợi với nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều người nội trợ đã chuyển sang làm quen với việc mua hàng, đặt hàng thông qua app. Hình thức mua sắm này vừa giúp đảm bảo được các nhu yếu phẩm cho gia đình, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

* Nhiều ứng dụng mua hàng

Hiện nay, hầu hết các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đều có ứng dụng đặt hàng online và giao hàng tại nhà. Để cạnh tranh, thu hút và giữ chân khách hàng, các đơn vị kinh doanh liên tục thay đổi chính sách ưu tiên, ưu đãi cho khách hàng. Chẳng hạn miễn phí giao hàng 5-10 đơn đầu hoặc miễn phí giao hàng trong bán kính lên đến 10km, giao hàng cả thực phẩm tươi sống; mua hàng với hóa đơn mức giá trị nhất định sẽ được mua thêm món hàng khác với “giá sốc”, được tích điểm để quy đổi giá trị tiền cho lần mua hàng sau…

Mua sắm thông qua app, website, “đi chợ hộ” không mới, nhưng đang được khuyến khích vì giúp người tiêu dùng mua sắm an toàn trong thời điểm cách ly xã hội. Các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ, cũng đang nỗ lực tăng cường nguồn hàng, bổ sung nhân lực để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà cho người tiêu dùng.

Cách thức mua sắm đơn giản, giá cả công khai, giao hàng tận nhà, thanh toán linh hoạt là những tiện ích khiến mua bán qua app, website, dịch vụ khác tăng.

Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh cho biết, thời gian qua hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh ghi ngận đơn hàng online tăng đột biến, tăng 4-5 lần so với trước. Có ngày ghi nhận đến 20 ngàn đơn hàng online của khách hàng Đồng Nai. Tuy nhiên, con số này đã giảm dần và ổn định trở lại. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đơn vị đã tăng lượng hàng hóa cho các cửa hàng bán lẻ, tăng nhân sự giao hàng thêm 30%, điều chuyển nhân sự từ các bộ phận khác sang tiếp nhận đơn và soạn hàng theo đơn cho khách. 

“Do nhiều chợ đồng loạt đóng cửa, các khu cách ly chỉ được mở bán hàng thiết yếu nên người dân lo lắng, mua hàng tích trữ. Hiện tượng “cháy hàng” tạm thời chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ở vài ngày đầu tiên cách ly xã hội, sau đó giảm dần. Hệ thống Bách hóa Xanh hiện hoạt động ổn định, không gặp trở ngại nào đáng kể. Nguồn cung ứng dồi dào, hàng hóa luôn có sẵn trên kệ, người tiêu dùng không cần mua tích trữ” - ông Phong chia sẻ.

Tại các siêu thị có ứng dụng đặt và giao hàng online trên địa bàn tỉnh như: BigC, MM Mega Market, Co.opmart Biên Hòa cũng ghi nhận lượng đặt hàng qua điện thoại, app, website tăng cao. Một số siêu thị, ở một số thời điểm hệ thống tiếp nhận đơn hàng bị quá tải phải tạm ngưng, đồng thời giãn thời gian giao hàng lên 4-6 tiếng thay vì 1-3 tiếng như trước hoặc chuyển sang giao hàng hôm sau.  

Ngoài ra, các ứng dụng trên còn có dịch vụ “đi chợ hộ” cũng khá phổ biến ở Đồng Nai như: be Đi chợ, VinID, GrabMart, Now Fresh, Foody… Ưu điểm của loại hình dịch vụ này là cùng lúc mua nhiều sản phẩm mà một cửa hàng tiện lợi hay một siêu thị không đáp ứng đủ, giao hàng nhanh theo yêu cầu, thanh toán tiền linh hoạt. Không ít sàn thương mại điện tử trước đây chủ yếu bán hàng tiêu dùng, đồ khô, đồ gia dụng và hàng thời trang nay cũng bắt kịp xu thế, đẩy mạnh nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống.

  Hoàng Lộc

Tin xem nhiều