Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều địa phương thiếu bãi tập kết rác

11:04, 26/04/2021

Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải này chủ yếu được thu gom bằng các phương tiện thô sơ rồi đưa về các bãi tập kết (điểm trung chuyển), sau đó mới vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến bãi xử lý.

Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải này chủ yếu được thu gom bằng các phương tiện thô sơ rồi đưa về các bãi tập kết (điểm trung chuyển), sau đó mới vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến bãi xử lý.

Một bãi tập kết rác tạm tại H.Long Thành. Ảnh: Ban Mai
Một bãi tập kết rác tạm tại H.Long Thành. Ảnh: Ban Mai

Do thiếu quỹ đất, vốn, nhiều địa phương đang thiếu bãi tập kết rác. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các bãi tập kết rác tạm ở ven đường, công viên còn làm mất mỹ quan, ảnh hưởng giao thông.

* Thiếu vốn, thiếu quỹ đất

Hơn 1 năm nay, bãi rác ở KP.3, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) không chỉ gây mùi hôi cho người dân xung quanh mà còn ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan do nằm kế bên tỉnh lộ 768, cửa ngõ ra vào huyện.

Chủ tịch UBND TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) Trần Văn Hùng cho biết, trước đây, thị trấn có bãi tập kết rác thải sinh hoạt nhưng do gần trường mầm non nên huyện yêu cầu di dời. Bãi tập kết rác hiện hữu là bãi tạm, trong quá trình hoạt động, có thời điểm rác tràn ra đường, gây mùi hôi và ảnh hưởng đến giao thông. Mới đây, thị trấn làm việc với đơn vị thu gom yêu cầu xử lý rác trong ngày, không để rác thải tràn ra đường. Đồng thời, thị trấn cho lực lượng làm rãnh, hạ nền đường vào bãi rác tạm phòng tràn nước rác khi mưa.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bãi tập kết rác thải sinh hoạt phải có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; có sàn và vách ngăn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, rò rỉ nước thải. Bãi tập kết lưu trữ rác qua ngày phải có hố thu gom nước rỉ rác; tường, vách ngăn, mái che để ngăn nước mưa chảy vào. Theo quy định này, Đồng Nai chỉ có vài bãi tập kết rác ở một số xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt; còn lại là bãi rác tạm, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường.

“Thị trấn đã quy hoạch đất làm bãi tập kết rác tại KP.4. Bãi rác mới có đầy đủ các hạng mục theo quy định: nhà chứa, mái lợp, nền, hệ thống chứa nước thấm, đường vào... Hồ sơ thiết kế đã hoàn tất và huyện cũng đã duyệt chủ trương đầu tư nhưng HĐND huyện chưa thông qua nghị quyết bố trí vốn nên vẫn phải chờ” - ông Hùng thông tin.

Theo quy hoạch, bãi tập kết rác ở xã Tam An (H.Long Thành) có sức chứa 3 tấn rác/ngày, nhưng hiện tại bãi rác này phải “gánh” trên 10 tấn rác/ngày. Do lượng rác quá nhiều, quãng đường vận chuyển rác đi xử lý từ Long Thành về Thống Nhất xa nên thường xảy ra tồn đọng rác qua ngày gây mùi hôi. Khi mưa lớn, rác trôi vào vườn nhà dân và làm kẹt cống thoát nước.

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng Phòng TN-MT H.Long Thành cho biết, đa phần các bãi tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện tại đều là tạm thời, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan và gây bức xúc cho người dân. Phòng TN-MT đã yêu cầu chủ đầu tư quây tôn, xịt khử mùi và vận chuyển rác đến nhà máy xử lý trong ngày để giảm ô nhiễm môi trường. “Vừa qua, Phòng TN-MT huyện đã cập nhật 6 vị trí xây dựng các bãi tập kết rác thải sinh hoạt theo tiêu chuẩn tại các xã, thị trấn, tuy nhiên còn phải chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, phê duyệt vốn mới có thể triển khai” - ông Nghĩa cho hay.

Một số địa phương như TT.Trảng Bom, TP.Long Khánh cũng đang thiếu quỹ đất cách xa khu dân cư để quy hoạch các bãi tập kết rác thải.

* Cần có bãi tập kết rác đủ tiêu chuẩn

Là đô thị trung tâm của tỉnh, mỗi ngày phát sinh gần 800 ngàn tấn rác thải sinh hoạt (hơn 40% toàn tỉnh) nhưng TP.Biên Hòa chỉ có các điểm sang tiếp rác, chưa có các bãi tập kết rác. Hoạt động sang tiếp rác diễn ra ngay trên đường, công viên vừa mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng đến giao thông.

Theo chia sẻ của lãnh đạo thành phố, khối lượng rác gần 800 ngàn tấn/ngày, thu gom và xử lý rác theo ngày, TP.Biên Hòa bắt buộc phải có các bãi tập kết rác thải. Tuy nhiên, việc xây dựng các bãi tập kết rác thải ở nội ô khó thực hiện do mật độ dân cư đông, quỹ đất không còn và thường xuyên gặp phản ứng của người dân. Một số nơi còn quỹ đất công nhưng không phù hợp quy hoạch bãi tập kết rác thải do xe ba gác không thể chở rác đi quá xa.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND P.Trung Dũng cho biết, do thiếu điểm bãi tập kết rác, xe ba gác không thu gom các loại rác khổ lớn như: bàn ghế, tủ nhựa, nệm... nên người dân buộc phải mang rác ra bỏ ở các gốc cây, nắp cống trên trục đường Nguyễn Ái Quốc. Phường cũng tuyên truyền, nhắc nhở nhưng thực tế người dân không có chỗ bỏ rác thải quá khổ. Theo ông Đức, trước đây thành phố có khảo sát vị trí làm bãi tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường tuy nhiên không phù hợp vì gần khu dân cư, người dân không đồng thuận.

Đồng Nai đang đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn để giảm tải cho quá trình thu gom và xử lý rác thải. Việc thiếu các bãi tập kết rác không chỉ gây khó khăn cho hoạt động sang tiếp, vận chuyển rác đi xử lý mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng đổ trộm rác thải, xuất hiện các đống rác lớn trên đường làm mất mỹ quan.

Sở TN-MT cho rằng, để chương trình đạt hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng ngày, đúng giờ phải từng bước chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển rác; xây dựng các bãi tập kết, điểm sang tiếp rác và nhà máy xử lý rác đúng tiêu chuẩn. Để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các bãi tập kết rác thải hiện nay, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường đối với đơn vị thu gom rác. Các điểm sang tiếp rác, bãi tập kết rác không đáp ứng yêu cầu buộc đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác. Về lâu dài, các địa phương phải quy hoạch quỹ đất cho các bãi tập kết rác thải. Các bãi tập kết rác thải phải được quy hoạch thuận lợi giao thông, cách xa khu dân cư.

Ban Mai

 

 

Tin xem nhiều