Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế rủi ro từ xuất khẩu trái cây tươi

02:04, 23/04/2021

Tuy chưa đến cao điểm thu hoạch cũng như xuất khẩu trái cây hè năm 2021 nhưng hiện giá nhiều mặt hàng trái cây chủ yếu xuất khẩu như: mít, xoài… đang giảm mạnh vì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị chậm lại.

Tuy chưa đến cao điểm thu hoạch cũng như xuất khẩu trái cây hè năm 2021 nhưng hiện giá nhiều mặt hàng trái cây chủ yếu xuất khẩu như: mít, xoài… đang giảm mạnh vì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị chậm lại.

Chế biến mít sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: Bình Nguyên
Chế biến mít sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: Bình Nguyên

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi còn nhiều rủi ro, thì đầu tư cho chế biến là giải pháp không chỉ hạn chế rủi ro trên  mà còn giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

* Lo vụ thu hoạch nhiều rủi ro

Vụ xoài năm nay, nông dân trồng xoài hầu như thua lỗ vì rơi vào cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu xoài khó khăn hơn mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Thiên, nông dân trồng xoài tại xã Phú Túc (H.Định Quán) cho biết, vụ xoài năm nay nông dân buồn nhiều hơn vui vì nhiều nhà vườn mất mùa nhưng giá bán bình quân lại thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Cụ thể, trái xoài giống Đài Loan chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu ngay cả thời điểm thu hoạch nghịch vụ bán ra chỉ hơn 10 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mức giá bán ra khi xuất khẩu tốt. Hiện xoài đã vào cuối vụ, sản lượng còn ít nhưng vẫn không kéo nổi giá lên. Hiện xoài cát Hòa Lộc thương lái mua tại vườn chỉ hơn 10 ngàn đồng/kg, xoài  giống Đài Loan chỉ còn vài ngàn đồng/kg vì thời điểm này hầu như các vựa trái cây không còn đóng xoài xuất khẩu.

Khó khăn trong xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến giá mít hiện đang giảm sâu. Theo bà Đặng Thị Nga, thương lái đóng hàng trái cây xuất khẩu tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) khoảng 1 tuần trở lại đây, giá mít xuất khẩu đang lao dốc. Hiện mít cao sản mua tại vườn chỉ còn khoảng 2.700 đồng/kg, trong khi trước đó có giá gần 10 ngàn đồng/kg; mít Thái siêu sớm đang có giá 45 ngàn đồng/kg thì hiện loại tuyển chỉ còn khoảng 13 ngàn đồng/kg, mua bao hàng còn 5 ngàn đồng/kg.

Theo bà Nga: “Nguyên nhân khiến giá mít và nhiều loại trái cây tươi rớt giá đều vì thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Thị trường xuất khẩu vụ trái cây hè năm nay vẫn rất khó lường do diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Rủi ro xuất khẩu bị đình đốn do dịch bệnh vẫn rất lớn”.

* Tăng cường chế biến

Năm qua, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều thời điểm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản chế biến. Nhưng tổng kết cả năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành này vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng tốt vì các sản phẩm trái cây tươi đã qua xử lý, chế biến có thể bảo quản trong thời gian dài. Đầu tư vào khâu chế biến sâu là giải pháp để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp khó thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản. Theo đó, nhiều doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn mở rộng đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) chia sẻ, năm nay, doanh nghiệp đầu tư thêm xưởng sơ chế, đóng gói tại H.Định Quán và mở thêm nhiều điểm thu mua, sơ chế mít sấy. Doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư đa dạng thêm sản phẩm ngoài dòng chủ lực là mít sấy. “Tôi mở rộng quy mô sản xuất ngay trong giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vì tiềm năng của thị trường trái cây chế biến còn rất lớn. Ngoài thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, tôi đang làm việc với một số đối tác chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn như châu Âu, Trung Đông...” - ông Hưng cho biết thêm.

Cùng quan điểm, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, dù có thời điểm xuất khẩu chậm lại nhưng tổng kết cả năm 2020, doanh nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu mặt hàng sầu riêng múi đông lạnh đi nhiều thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... Doanh nghiệp đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến để năm 2021 cung cấp các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ...

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, Đồng Nai tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện đăng ký mã số vùng trồng cho những mặt hàng trái cây chủ lực của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có 97 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 22 ngàn ha cây ăn trái các loại như: xoài, thanh long, mít, chuối… Ngoài ra, có 39 cơ sở đóng gói đi thị trường Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều