Hiện nay, Đồng Nai đang tiến hành hoàn tất việc sắp xếp, xử lý nhà, đất, tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Hiện nay, Đồng Nai đang tiến hành hoàn tất việc sắp xếp, xử lý nhà, đất, tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Mục đích là để quản lý chặt nhà, đất, tài sản công trên địa bàn tỉnh và sử dụng hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng (bìa trái) kiểm tra đất công trên địa bàn P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa |
Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 167 tỉnh để sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp (DN) thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo kê khai, sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất.
* Sẽ thu hồi nhà, đất công dùng không đúng mục đích
Trước đây, UBND tỉnh đã phê duyệt 381 cơ sở nhà, đất công với tổng diện tích đất gần 4.845.670m2 và tổng diện tích nhà là hơn 995.010m2.
Năm 2019, Ban Chỉ đạo 167 tỉnh tiến hành rà soát lại nhà, đất công theo Nghị định 167 của Chính phủ thì thực tế, số cơ sở nhà, đất công tăng lên 518 cơ sở có tổng diện tích đất hơn 953.770m2 và tổng diện tích nhà là hơn 1,2 triệu m2. Như vậy, tổng diện tích đất công giảm xuống, nhưng diện tích nhà tăng lên khá nhiều. Trong đó có một số diện tích nhà, đất được các đơn vị cho thuê chưa phù hợp với quy định của tỉnh, Trung ương.
Ban Chỉ đạo 167 của tỉnh đã làm việc với các cơ quan, đơn vị thống nhất tiếp tục giữ lại 503 cơ sở nhà, đất làm trụ sở hoạt động, còn lại 15 cơ sở dôi dư. Theo đề xuất của Sở Tài chính thì các cơ sở dư ra nếu phù hợp với quy hoạch đất ở, sẽ đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho bán đấu giá, đất quy hoạch trụ sở cơ quan, cơ sở giáo dục thì giao cho các địa phương lập phương án sử dụng. Trường hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước chưa có trụ sở đang phải thuê, mượn thì có thể xem xét điều chuyển qua.
Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư cho biết: “Nhà và đất công của các cơ quan, đơn vị, DN nhà nước đang quản lý và sử dụng cho thuê liên doanh, liên kết đúng ngành nghề, thủ tục thì sẽ tiếp tục cho thực hiện. Các diện tích nhà, đất công cho thuê không phù hợp với quy định, tỉnh sẽ tiến hành thu hồi lại để xử lý cho đúng”.
Một trong số các cơ quan, đơn vị có nhà, đất công không có nhu cầu sử dụng và trả lại là khu đất của Ban Quản lý dự án thoát nước Đồng Nai ở P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) rộng hơn 2,6 ngàn m2. Trước đây, UBND tỉnh giới thiệu địa điểm để làm trụ sở, song ban này đã sáp nhập về ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nên không còn nhu cầu nữa. Ngoài ra, Sở GD-ĐT có 3 cơ sở là Trường Bổ túc văn hóa tỉnh (1 cơ sở), Trung tâm Tin học và ngoại ngữ (2 cơ sở) dư ra do chuyển về trụ sở mới nên đề nghị điều chuyển cho đơn vị khác quản lý, sử dụng...
* Tránh thất thoát tài sản công
Nhà, đất tại Đồng Nai đang rất có giá, nhiều vị trí ở TP.Biên Hòa được đánh giá là “tấc đất, tấc vàng”, vì vậy việc quản lý sử dụng đúng nhà, đất công là rất cần thiết. Với diện tích nhà, đất khá lớn, các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng nếu quản không chặt chẽ thì sẽ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa giá đất đai từ 40-100 triệu đồng/m2, nếu để thất thoát từ vài trăm đến 1 ngàn m2 thì ngân sách nhà nước sẽ bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, việc rà soát nhà, đất công của các cơ quan, đơn vị, DN nhà nước còn có mục đích nhắc nhở các đơn vị sử dụng cho đúng mục đích mà tỉnh đã quy hoạch. Như vậy, sẽ tránh được việc các đơn vị, DN cho thuê không đúng mục đích, làm lãng phí đất công.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các sở, ngành rà soát kỹ lại một lần nữa các cơ sở nhà, đất công của tỉnh và nhanh chóng hoàn tất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công. Việc rà soát lại và xây dựng phương án sắp xếp, xử lý phải hoàn thành trong tháng 6-2020 để trình UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét.
“Tất cả những cơ sở nhà, đất dư ra mà các cơ quan, đơn vị, DN nhà nước không có nhu cầu sử dụng thì giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Tạm thời chưa lên kế hoạch đấu giá các cơ sở nhà, đất dư ra mà để đó xem những cơ quan, đơn vị thiếu trụ sở hoạt động thì điều chuyển qua” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, năm 2019, Đồng Nai đã tiếp hơn 20 đoàn thanh, kiểm tra của Trung ương vào kiểm tra về đất đai, khoáng sản, trong đó, có cả kiểm tra về đất công. Điều này cho thấy, Chính phủ đang siết chặt trong quản lý nhà, đất, tài sản công và xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm.
Liên quan đến vấn đề đất công, cuối năm 2019, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đã làm việc với tỉnh và lưu ý, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành có đất công lớn nhất cả nước. Vì thế, UBND tỉnh phải có biện pháp quản lý, sử dụng đất công đúng mục đích và hiệu quả, tránh thất thoát để không xảy ra kết quả đáng tiếc như một số tỉnh, thành trên cả nước.
Hương Giang