Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức bật từ nông thôn mới ở Đồng Nai

03:12, 04/12/2019

Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới 2010-2020, Đồng Nai đã gặt hái được những "mùa quả ngọt" đầy ấn tượng: là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...

Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010-2020, Đồng Nai đã gặt hái được những “mùa quả ngọt” đầy ấn tượng: là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2019; thuộc tốp đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nông thôn mới sản xuất sạch, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Mô hình trồng sau sạch thủy canh ở xã Xuân Tân (TP. Long Khánh). Ảnh: Trần Văn Sơn
Nông thôn mới sản xuất sạch, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Mô hình trồng sau sạch thủy canh ở phường Xuân Tân (TP. Long Khánh). Ảnh: Trần Văn Sơn

[links()]Với nhiều thành tích nổi bật trong phát triển NTM, Đồng Nai đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2019, “về đích” trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.

* Từ “4 có” đến tỉnh nông thôn mới

Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng chưa tới 6% nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, tỉnh sẽ “không có điểm dừng” trong xây dựng NTM. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng NTM nâng cao và bước tiếp theo là NTM kiểu mẫu. Đồng Nai không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM và NTM nâng cao mà muốn đi vào thực chất. Trong đó phát triển một NTM hiện đại, phồn vinh nhưng vẫn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đảm bảo sự hài hòa với các tiêu chí phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục, môi trường.

Chính vì vậy, trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, Đồng Nai đã chủ động xây dựng nông thôn “4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi ban đầu khi bắt tay vào xây dựng NTM.

Ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình và bộ tiêu chí NTM các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 với tinh thần “chủ động, quyết tâm, quyết liệt”. So với Trung ương, bộ tiêu chí của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn.

Gần 377 ngàn tỷ đồng là tổng nguồn lực Đồng Nai đã đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn giai đoạn 2011-2019. Trong đó, ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân. Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá... Qua đó, Đồng Nai đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư mới, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có.

Đến nay, hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như: hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp… đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo, tạo sức sống mới khu vực nông thôn: 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông 100% đạt chuẩn; riêng trường học có 65,6% trường đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động văn hóa với nhiều mô hình phong phú, thiết thực. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó nước sạch đạt 72,8%...

* Về đích ấn tượng

Để đạt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở cấp tỉnh vào năm 2019, Đồng Nai phải chịu áp lực rất lớn về số lượng khi phấn đấu 100% xã, huyện, thành phố đều hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2018. Tuy nhiên, tỉnh không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM lẫn NTM nâng cao mà luôn giữ phương châm đi vào thực chất. NTM của Đồng Nai không ngừng được nâng cao vì càng về sau chuẩn của các tiêu chí đều được nâng lên, việc thẩm định cũng khắt khe hơn.

Đồ họa thể hiện tiến trình hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tiến trình hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Trong một lần về làm việc tại Đồng Nai, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, để chương trình xây dựng NTM đảm bảo thực chất và bền vững, năm 2018, một số tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của một số xã có tư tưởng “thỏa mãn”, không tích cực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM sau đạt chuẩn; chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn thiếu bền vững.

“Riêng Đồng Nai vẫn giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn. Làm được điều này vì ngay từ rất sớm vào năm 2013, Đồng Nai đã chủ động chủ trương ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao khi cả nước vẫn tập trung xây dựng NTM” - ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Từ quan điểm lấy việc nâng cao đời sống của nông dân làm “thước đo” quan trọng trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch như: mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2-2 tỷ đồng/hécta; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/hécta... Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2018 là 3,67%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 là 228,8 triệu đồng/hécta, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.

Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt gần 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011; ước năm 2019, mức thu nhập này đạt trên 56,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% vào năm 2011, hiện chỉ còn 0,09%.

Từ xã thuần nông, Bình Lợi trở thành xã đi đầu của huyện Vĩnh Cửu trong xây dựng NTM nâng cao và vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích trong phong trào xây dựng NTM. Trong đó, điểm nổi bật của địa phương này là đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi so sánh, trước đây sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là vườn tạp và những cây trồng cho lợi nhuận thấp như: cây tràm, cây mía. Hiện toàn xã đã phát triển được 217 hécta bưởi da xanh. Nhờ đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 213 triệu đồng/hécta/năm. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt mức 61,4 triệu đồng/người/năm.

* Hướng tới nông thôn mới hiện đại

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Hậu NTM, định hướng của tỉnh là xây dựng nông thôn hiện đại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa lớn”.

Tỷ phú trồng bưởi VietGAP Ngô Văn Sơn tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)
Tỷ phú trồng bưởi VietGAP Ngô Văn Sơn tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B. Nguyên

Theo đó, nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã hình thành được 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu trong cả nước về xây dựng chuỗi liên kết, đặc biệt là đầu tư dự án cánh đồng lớn.

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, huyện vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM. Trong đó, điểm nổi bật của địa phương là chuyển đổi phát triển sản xuất bền vững theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn. Toàn huyện đã hình thành được 17 vùng chuyên canh với diện tích gần 4,6 ngàn hécta cây trồng có sản phẩm an toàn được bao tiêu đầu ra. “Nhiều dự án cánh đồng lớn hồ tiêu đạt chuẩn GlobalGAP; dự án cánh đồng lớn cây chuối già, chế biến thức ăn đại gia súc từ phế phẩm nông nghiệp... đang xuất khẩu tốt đi các thị trường khó tính” - ông Thắng nói.

Đồng Nai cũng đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam. Nhiều khu đô thị lớn như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, Nhơn Trạch - thành phố mới trong tương lai... đang tập trung phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất an toàn áp dụng quy trình GAP; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; phát triển công nghiệp chế biến...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều