Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối mặt với mùa mưa lũ

09:06, 06/06/2016

Mùa mưa năm 2016 đã bắt đầu, theo dự báo sẽ có nhiều cơn mưa rất to nên có thể xuất hiện ngập lụt cục bộ tại các khu dân cư, những vùng gần sông, suối dễ bị sạt lở, lũ quét. Ngoài TP.Biên Hòa, một số khu vực của các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán cũng có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở.

Mùa mưa năm 2016 đã bắt đầu, theo dự báo sẽ có nhiều cơn mưa rất to nên có thể xuất hiện ngập lụt cục bộ tại các khu dân cư, những vùng gần sông, suối dễ bị sạt lở, lũ quét. Ngoài TP.Biên Hòa, một số khu vực của các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán cũng có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở.

Ông Hồ Văn Cu (ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) lo lắng căn nhà sẽ bị sạt lở, khó trụ nổi qua mùa mưa.
Ông Hồ Văn Cu (ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) lo lắng căn nhà sẽ bị sạt lở, khó trụ nổi qua mùa mưa.

Đến đầu tháng 6, tất cả các địa phương trong tỉnh đã lên kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đều khoanh rõ những điểm “đen” có nguy cơ bị lũ lụt, sạt lở để có phương án phòng chống phù hợp để khi xảy ra thiên tai sẽ chủ động giảm được thiệt hại.

* Nhiều hộ bị đe dọa

Nhiều năm nay, người dân sống gần sông Lòng Tàu ở ấp 1, 2, 3, thuộc xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) luôn nơm nớp lo lắng vì vào mùa mưa tình trạng sạt lở đất liên tục diễn ra. Có nhiều hộ đã phải di dời đi nơi khác và tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Thích (ở ấp 2, xã Phước Khánh) chia sẻ: “Những năm gần đây, vào mùa mưa tình trạng sạt lở đất ven sông nhanh hơn, một số hộ bên ngoài đã phải dời đi vì không còn đất. Gia đình tôi mỗi năm tốn gần 20 triệu đồng mua đá làm kè ven sông mới làm sạt lở chậm lại nhưng cũng không bền”. Theo những hộ dân sống gần sông Lòng Tàu ở ấp 2, xã Phước Khánh thì đất khu vực này đã bị sạt lở từ 80-200m đất. Sông Lòng Tàu ngày xưa nhỏ hẹp người đứng bờ bên này có thể nói chuyện với bờ bên kia, nay thì 2 bờ đã cách xa vời vợi. “Trước đây, ven sông là nhà của em út tôi, đến khoảnh vườn rộng rồi mới đến nhà của tôi, nhưng nay tình trạng sạt lở đất làm nhà của em út tôi và cả khu vườn biến mất. Hiện sạt lở đã vào sát nhà tôi, dù mỗi năm tôi đều tốn hơn 10 triệu đồng mua đá đổ xuống kè lại. Chẳng biết ngôi nhà của tôi có thể chịu được qua mùa mưa này không” - ông Hồ Văn Cu (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) kể. Nguy hiểm rình rập nhưng vì hoàn cảnh nghèo nên ông Cu đành chấp nhận ở lại căn nhà giáp sông.

Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư chi bộ ấp 2, xã Phước Khánh, bày tỏ: “Những năm trước huyện đã bố trí tái định cư cho gần 30 hộ nghèo ven sông di dời vào khu tái định cư. Hai năm nay quỹ đất hết, hộ nào có tiền tự di dời, còn hộ khó khăn đành bám trụ lại ven sông dù nguy hiểm cận kề. Địa phương nhiều năm kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí làm bờ kè tránh sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa được”. Theo nhẩm tính của người dân nơi đây, có hơn 10 hécta đất dọc sông bị nước cuốn trôi và con số này còn tăng nhanh nếu như tỉnh không sớm triển khai bờ kè. Khu vực ấp 2, xã Phước Khánh có hơn 2.200 hộ dân, hộ ngoài dời đi vì sạt lở, lại đến hộ trong lo lắng vì sớm muộn sẽ đến lượt mình nếu bờ kè không được làm.

UBND huyện Nhơn Trạch đã có phương án phòng chống thiên tai cho năm 2016 ở những vùng dễ xảy ra ngập lụt và sạt lở. Nhưng muốn cứu nhiều diện tích đất ở ấp 2, xã Phước Khánh khỏi sạt lở và xóa các điểm ngập úng ở các xã, lại phải có các  dự án làm bờ kè và hệ thống thoát nước.

* Lo ngại lũ quét

Mùa mưa đến khiến nhiều hộ dân ở xã Lộc An (huyện Long Thành) luôn thấp thỏm. Mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu làm xuất hiện những cơn mưa cực lớn trong khoảng thời gian 1-2 giờ liền, nước thoát không kịp dồn về xã Lộc An khiến khu vực ấp Bình Lâm, Hàng Gòn ngập sâu, ấp Thanh Bình lũ về nhanh, có khi ngập sâu từ 1-1,5m làm giao thông tê liệt, thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa đến tính mạng nhiều người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh lưu ý các địa phương phải chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét khi xuất hiện mưa lớn phải di dời người dân đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng.

Ông Trương Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Lộc An, cho biết: “So với các xã lân cận, Lộc An nằm ở vùng trũng như dưới đáy thung lũng nên mưa lớn kéo dài là lũ từ các lô cao su đổ về ào ạt, nước dâng nhanh rất nguy hiểm. Từ tháng 8-10, xuất hiện mưa lớn kéo dài từ 20 phút trở lên là người dân chuẩn bị tránh lũ. Lo nhất vào ban đêm lũ về nhanh trở tay không kịp”. Cũng theo ông Lộc, xã đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành hồ Lộc An để ngăn lũ. Đồng thời đề nghị hỗ trợ kinh phí nạo vét suối Ông Lan, Ông Quế khi mưa lớn, nước thoát nhanh sẽ giảm bớt tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, mùa mưa đã đến mà 2 con suối trên vẫn chưa được nạo vét nên tình trạng ngập lụt sẽ còn tiếp diễn khi mưa lớn kéo dài.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, huyện có 4 xã và thị trấn thường xuyên xảy ra ngập lụt trong mùa mưa là Lộc An, Phước Bình, Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành. Hiện huyện đã có những giải pháp xử lý khi lũ, ngập lụt xảy ra, chú trọng nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn.

Dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa mưa 2016 diễn biến khá bất thường, nửa cuối mùa thời tiết chuyển sang hiện tượng La Nina sẽ có mưa lớn nhiều hơn, không chỉ TP.Biên Hòa, 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành mà các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú có thể xảy ra tình trạng ngập úng, lũ quét ở những vùng cao và dốc.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích