Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023:
Tạo đột phá từ kết nối hạ tầng giao thông vùng

Phạm Tùng
09:01, 09/09/2023

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đã và đang được triển khai thực hiện sẽ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông. Kết nối hạ tầng giao thông từ đó sẽ tạo động lực mới để ĐNB tăng tốc phát triển.

Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh
Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh

Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối được đánh giá là một trong những giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐNB.

* Những “đường băng” phát triển mới

Giữa tháng 6 vừa qua, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường vành đai 3 - TP.HCM đã chính thức được khởi công xây dựng sau thời gian dài chờ đợi. Đối với vùng ĐNB, đây là 2 dự án đặc biệt quan trọng để hình thành các trục chính kết nối vùng.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ là tuyến nối thông 2 địa phương phát triển năng động của vùng ĐNB là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, đây sẽ là trục kết nối chính giữa Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Tuyến cao tốc này cũng được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo nên trục kết nối xuyên suốt 4 địa phương thuộc “tứ giác” phát triển bậc nhất của vùng ĐNB là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM không chỉ đóng vai trò kết nối nội vùng ĐNB khi đi qua địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM, mà còn là tuyến giao thông kết nối liên vùng ĐNB và đồng bằng sông Cửu Long khi điểm cuối của dự án nằm trên địa bàn tỉnh Long An.

Theo Bộ GT-VT, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐNB giai đoạn 2021-2030 là khoảng 738,5 ngàn tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 342 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 396,5 ngàn tỷ đồng.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường vành đai 3 - TP.HCM khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác không chỉ mở ra những cơ hội phát triển mới cho tỉnh, mà còn cho cả vùng ĐNB nói chung.

Trước 2 dự án nói trên, các dự án hạ tầng giao thông khác có vai trò kết nối vùng ĐNB đã được triển khai thực hiện như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tại lễ khởi công 3 gói thầu thuộc các dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án rất lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. “Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới. Mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

* Huy động nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng

Ngoài các dự án nói trên, theo quy hoạch, để hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐNB sẽ có thêm nhiều dự án được triển khai thực hiện. Trong bối cảnh đó, việc huy động nguồn lực được dự báo sẽ rất lớn để thực hiện các dự án đang là “bài toán” cần sớm có lời giải.

Tại hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB vào giữa tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đầu tư xây dựng, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng. Bộ trưởng Bộ GT-VT nhấn mạnh đến giải pháp nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng ĐNB, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, tập trung vào thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng liên vùng nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp.

Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh

Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: tăng tỷ lệ phần vốn góp của Nhà nước tham gia dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng (như nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông sẵn có), xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…; nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Người đứng đầu ngành GT-VT cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời, đồng bộ các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để lãng phí nguồn lực.

Trước đó, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng ĐNB lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 7-2023, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đã đề xuất 2 phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng ĐNB.

Trong đó, phương án Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ, trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng ĐNB được cho là phù hợp trong bối cảnh dự kiến sẽ có một nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách cho vùng ĐNB. Phương án này cũng phù hợp khi cần có điểm hội tụ cho một số chính sách thí điểm cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để thực hiện các dự án, công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng đã được dự thảo hoặc đang đề xuất.

Quỹ được Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng ĐNB sẽ có thẩm quyền đủ mạnh để huy động nguồn lực. Đảm bảo được tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan.

Theo UBND tỉnh, việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong vùng.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều