Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi tập quán canh tác để sản xuất nông nghiệp an toàn

Bình Nguyên
08:29, 24/12/2024

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức Diễn đàn Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả trong Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Mục tiêu của diễn đàn nhằm góp phần đào tạo, hỗ trợ nông dân chủ động phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) đạt năng suất cao nhờ thực hiện tốt quản lý dịch hại. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) đạt năng suất cao nhờ thực hiện tốt quản lý dịch hại. Ảnh: B.Nguyên

Đây là giải pháp giúp sản xuất nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sử dụng vật tư đầu vào ít hơn

Thuốc BVTV được xem là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng. Thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), toàn thế giới chi 35 tỷ USD để sử dụng các loại thuốc BVTV nhằm diệt trừ các loại SVGH và thu lại 350 tỷ USD, tức là lợi ích thu lại gấp 10 lần.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của SVGH. Việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.

Theo Phó cục trưởng Cục BVTV LÊ VĂN THIỆT, đẩy mạnh việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ, sử dụng phân, thuốc thông minh là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn; đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và cũng như bền vững với môi trường.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, cho biết hiện nhiều SVGH bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trên nhiều loại cây trồng, những loại SVGH trước đây phổ biến ở mức thấp hoặc trung bình, hiện nay đã gia tăng đột biến về mức độ gây hại và diện phân bố. Một số sâu hại điển hình như: bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu; sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá mì…

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn nhận xét, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu. Số lần dùng thuốc BVTV càng ít, càng tốt và khuyến khích sử dụng luân chuyển các thuốc BVTV có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của SVGH đối với thuốc BVTV. Đồng thời, về dài hạn, cần tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo dược an toàn và ít độc đối với sức khỏe con người, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Đào tạo để nông dân thay đổi

Đề án Phát triển IPHM đến năm 2030 vừa được ban hành là một trong những đề án quan trọng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện các địa phương đã và đang triển khai tốt đề án này.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục BVTV) Đỗ Văn Vấn chia sẻ, để triển khai đề án này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tiếp nhận Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO. Mục tiêu chung của Chương trình IPHM là tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống SVGH và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có hơn 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Cụ thể, ít nhất 60% diện tích bắp, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM; giảm 30% lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học…

Riêng trên địa bàn Đồng Nai, tỷ lệ diện tích cây trồng được áp dụng Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM - tiền thân của Chương trình IPHM) trên cây lúa đạt gần 61%, hồ tiêu 37,5%, sầu riêng 32,4%, bưởi 60,4%, chôm chôm 32,5%, xoài 35,5%, rau an toàn 30,4%. Như vậy, một số cây trồng có tỷ lệ diện tích áp dụng IPM còn thấp, dẫn đến sản phẩm chưa đồng đều về chất lượng và an toàn thực phẩm nên khó khăn trong khâu liên kết sản suất và tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu.

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng toàn tỉnh có 67% số xã có sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai IPM tại Đồng Nai vẫn còn nhiều thách thức. Một trong số đó là nhận thức của người nông dân.

Theo GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ, thị trường càng nhiều sản phẩm BVTV, nông dân càng rối. Tiêu biểu, với sầu riêng đang là cây “tỷ đô” nên nông dân không ngại đầu tư mạnh về phân, thuốc; nhưng nếu đầu tư không đúng, lạm dụng quá nhiều phân, thuốc sẽ không mang lại lợi ích, mà còn có hại. Ở đây phải sử dụng hài hòa giữa biện pháp sinh học và hóa học; trong đó hóa học phải xem là giải pháp cuối cùng khi dịch bệnh phát triển quá mạnh và phải có hiểu biết để sử dụng cho đúng, hiệu quả.

Phó cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt so sánh, trước khi triển khai Chương trình IPHM, Chương trình IPM đã đào tạo, tập huấn để nông dân được trang bị kiến thức về quy trình canh tác khỏe, đất khỏe, chủ động quản lý SVGH, tiết kiệm hợp lý đầu tư vào giống, phân bón, thuốc BVTV, nước cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời, cũng đào tạo để nông dân sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều