Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hội Khoa học đất Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo quốc gia Đất Việt Nam, hiện trạng sử dụng và thách thức. Hội thảo tập trung chỉ ra các thách thức trong sử dụng đất của nước ta thời gian tới chủ yếu là suy thoái dinh dưỡng trong đất, ô nhiễm môi trường đất.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu đột phá của Đồng Nai. Trong ảnh: Trang trại sản xuất hữu cơ tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên |
Việc cấp bách hiện nay là cần khắc phục tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, giảm sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, thúc đẩy canh tác hữu cơ (HC), góp phần thực hiện thành công các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Báo động ô nhiễm đất
Báo cáo “Triển vọng đất đai toàn cầu 2” của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho biết, 40% diện tích đất toàn cầu bị suy thoái đã khiến khoảng một nửa GDP toàn cầu, tương đương 44 ngàn tỷ USD, gặp rủi ro. Tuy nhiên, nếu các quốc gia có chính sách, hành động khôi phục đất bị suy thoái kịp thời thì lợi ích kinh tế từ việc này có thể lên tới từ 125-140 ngàn tỷ USD/năm. Hiện tượng đất bạc màu, giảm độ phì nhiêu, cạn kiệt tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thảm thực vật bản địa đang ngày càng lan rộng tại nhiều khu vực. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng suy thoái này bắt nguồn từ hoạt động sản xuất lương thực của con người.
Dự án Giáo dục toàn cầu ước tính 75% bề mặt đất của trái đất đã bị suy thoái do các hoạt động của con người, tác động tiêu cực đến cuộc sống của ít nhất 3,2 tỷ người, đẩy trái đất đến bờ vực tuyệt chủng loài hàng loạt lần thứ sáu và gây thiệt hại hơn 10% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm. Có tới 95% sản lượng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào đất. Tuy nhiên, các hoạt động nông nghiệp không bền vững, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và dân số ngày càng tăng đang gây áp lực ngày càng lớn lên đất đai. 1/3 trong số đó đã bị suy thoái và các chuyên gia ước tính rằng xói mòn đất có thể dẫn đến thiệt hại 10% sản lượng cây trồng vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn HOÀNG TRUNG, Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 5 nhiệm vụ chính và 15 nhiệm vụ chi tiết để phân công cho từng đơn vị từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến các địa phương cùng thực hiện. Bộ sẽ huy động nguồn lực tốt nhất để triển khai đề án này vào thực tế. |
Gần đây, các nhà khoa học cảnh báo 24 tỷ tấn đất màu mỡ đang bị mất đi mỗi năm, phần lớn là do các hoạt động nông nghiệp không bền vững. Nếu xu hướng này tiếp tục, 95% diện tích đất trên trái đất có thể bị suy thoái vào năm 2050. Dân số thế giới ngày càng tăng, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp bao gồm: lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất xơ và nhiên liệu cũng tăng theo, gây áp lực mạnh mẽ đến sử dụng đất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Ủy ban Lương thực và sức khỏe đất và Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, 60-70% đất nông nghiệp của khu vực EU là “không khỏe mạnh”.
Tại Việt Nam, tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhiều khu vực trong cả nước. Kết quả điều tra, đánh giá đất của Bộ Tài nguyên và môi trường năm 2021, cả nước có hơn 11,8 triệu hécta đất bị thoái hóa. Đất sản xuất nông nghiệp có 114 ngàn hécta bị thoái hóa nặng, hơn 1,6 triệu hécta thoái hóa trung bình, diện tích còn lại bị thoái nhẹ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ
Đất sản xuất nông nghiệp bị suy giảm độ phì nhiêu như hiện nay do tác động rất lớn từ tập quán canh tác như: trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ, ít sử dụng phân HC làm đất bị bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng... Việc lạm dụng các loại phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật trong suốt thời gian dài dẫn đến hiện tượng tích tụ các nguyên tố hóa học, kim loại nặng, làm phá vỡ hết cấu trúc đất, khiến đất bị trơ cứng và không còn canh tác được nữa.
Trong suy thoái đất, suy thoái về chất HC được đặc biệt quan tâm, vì nó là chìa khóa cho sức khỏe đất. Có thể hiểu một cách đơn giản, sức khỏe đất là độ phì nhiêu tự nhiên của đất và độ phì nhiêu thực tế làm cho đất duy trì được năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ở Việt Nam, sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên đất đai hạn hẹp và hạn chế về chất lượng.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 11,7 triệu hécta. Tại các vùng thâm canh, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân gây ô nhiễm, thoái hóa đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà nhận xét, Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra hơi chậm vì hiện sức khỏe, độ phì nhiêu của đất bị suy giảm rất nhiều. Vấn đề trong canh tác nông nghiệp hiện nay là sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ. Ở đây, nhiệm vụ chính là phải làm sao giảm phân bón vô cơ, tăng phân bón HC vì phân HC nuôi sống đất.
Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam Vũ Năng Dũng mong muốn Việt Nam có chương trình quốc gia về nâng cao sức khỏe của đất gắn với dinh dưỡng cây trồng. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác trước hết cho nông dân. Ở đây phải xem đất như một cơ thể sống. Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2050 và giai đoạn tiếp theo, Việt Nam phải có chiến lược tăng cường HC cho đất. Các nước phát triển đều chú trọng bảo vệ đất, vì chỉ khi đất khỏe thì con người sẽ khỏe và thế hệ sau sẽ khỏe. Đây là vấn đề phải làm hàng trăm năm. Trong sức khỏe của đất thì bổ sung chất HC cho đất là nội dung căn bản nhất, quan trọng nhất.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin